Ông John McCain có thể làm Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ

06/11/2014 11:22
Bình Nguyên
(GDVN) - Thượng nghị sỹ John McCain cũng sẽ là người quyết định tất cả những chính sách quan trọng trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Thượng nghị sỹ John McCain
Thượng nghị sỹ John McCain

Sau chiến thắng của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ tổ chức tại Mỹ hôm 4/11/2014 vừa qua, giới phân tích cho rằng nhiều khả năng vào tháng 1/2015 tới đây Thượng nghị sỹ John McCain có thể sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ/ Senate Armed Services Committee - cơ cấu đầy quyền lực trong chính quyền Hoa Kỳ hiện nay.

Nếu đúng như dự đoán, Thượng nghị sỹ John McCain sẽ trở thành người điều hành chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ tại Capitol Hill. Đáng chú ý, ở vị thế này, Thượng nghị sỹ John McCain sẽ là người làm chủ phiên bản "Điều luật ủy quyền quốc phòng" được ví như cây quyền trường cho phép quyết định mọi chi tiêu tài chính của Lầu Năm Góc.

Đương nhiên, Thượng nghị sỹ John McCain cũng sẽ là người quyết định tất cả những chính sách quan trọng trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sỹ John McCain được cho là người có cá tính mạnh, quan điểm lập trường cứng rắn đối với nhiều vấn đề liên quan đến quốc phòng, quốc tế. Ông và những đảng viên Cộng Hòa của mình từng kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ tăng quân, tăng các chiến dịch trên bộ tại Iraq và Syria.

Thượng nghị sỹ John McCain cũng từng lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế tiến hành vũ trang cho lực lượng người Kurk Syria trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của lực lượng nhà nước khủng bố tự xưng ISIS ở Iraq và Syria.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2014: Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Phạm Quang Nghị đã trao tặng Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch (ảnh VNN)
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 7/2014: Bí thư Thành ủy Hà Nội - ông Phạm Quang Nghị đã trao tặng Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh chụp bia chứng tích bên hồ Trúc Bạch (ảnh VNN)

Ông John McCain cũng là người mong muốn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ lực lượng quân đội Syria tự do/FSA.

Đối với vấn đề Ucraine đang hết sức nóng bỏng hiệu nay, Thượng nghị sỹ John McCain được cho là người có thái độ được báo chí cho là "diều hâu/hawkis".

Trong tháng 9/2014 vừa qua, chính Thượng nghị sỹ John McCain đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Mỹ đã thi hành một chính sách "đáng xấu hổ" đồng thời yêu cầu Tổng thống đương nhiệm Obama cung cấp cho chính quyền Ucraine vũ khí và thông tin tình báo để chiến đấu chống lại cái mà ông gọi là "sự xâm lấn" miền Đông Ucraine của Nga.

Trong tháng 12/2013, ông John McCain đã đến Kiev để ủng hộ các thành viên của phe nổi dậy lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Ucraine đồng thời tiến hành gặp gỡ các nhân sỹ lãnh đạo đối lập Yatsenyuk và Oleh Tyahnybok.

Hồi đầu tháng 5/2014, không lâu sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, ông McCain khẳng định việc làm của Trung Quốc là trái với luật quốc tế và Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về cách hành xử hiếu chiến của mình.

Thượng nghị sỹ John McCain
Thượng nghị sỹ John McCain

Tiếp đó, từ 8 đến ngày 10/8/2014, Thượng nghị sĩ John McCain đã có chuyến thăm Việt Nam trong chuyến làm việc kéo dài đến 10/8 nhằm trao đổi các vấn đề an ninh song phương Mỹ - Việt và khu vực. Thượng nghị sĩ John McCain có rất nhiều kỷ niệm để đời ở Việt Nam, ông cũng được cho là người có mối quan hệ rất tốt đẹp với nhiều quan chức chính quyền tại đây.

Thượng nghị sỹ John McCain  là một trong hai nhân vật chính trị năng nổ của nước Mỹ (nhiều nhận định cho rằng ông chỉ đứng sau hoặc ngang hàng người thứ hai là John Kerry) trong việc hối thúc và vận động chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cựu thù của Hoa Kỳ với nhiều lý do, nhưng đặc biệt là việc nhìn xa trông rộng coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược ngoại giao, quốc phòng của Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ John McCain và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng
Thượng nghị sĩ John McCain và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Theo tài liệu tiểu sử, ông nội và bố của TNS McCain đều từng là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ. McCain cũng đã học tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ và tốt nghiệp vào năm 1958. Ông trở thành phi công hải quân lái máy bay cường kích từ hàng không mẫu hạm. Trong lúc tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, ông thoát chết trong gang tấc tại vụ cháy trên Hàng không mẫu hạm USS Forrestal năm 1967.

Cùng năm, trong chuyến thi hành nhiệm vụ đánh bom lần thứ 23 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam sau đó, phi cơ của ông bị bắn rơi và ông bị thương nghiêm trọng. Năm năm rưỡi ông bị bắt làm tù binh chiến tranh tại miền bắc Việt Nam, sau Hiệp định Paris 1973 ông được thả tự do.

Không lâu, sau khi McCain giải ngũ khỏi Hải quân vào năm 1981 và chuyển về Arizona, ông bắt đầu tham gia chính trị. Năm 1982 ông được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ, đại diện cho Khu quốc hội 1, Arizona. Sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ tại đó, ông được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện cho Arizona vào năm 1986. Ông tái đắc cử Thượng nghị sĩ những năm 1992, 1998, và 2004.

Tuy gắn bó với các quan điểm bảo thủ, McCain nổi tiếng trong truyền thông với những phát biểu với tư cách "độc lập" của mình, phản đối nhiều vấn đề chủ chốt của Đảng Cộng hòa mà ông là thành viên. Thoát khỏi vụ tai tiếng Keating Five trong thập niên 1980, ông coi việc cải cách cơ chế tài trợ vận động tranh cử là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Điều đó dẫn đến việc thông qua Đạo luật McCain-Feingold năm 2002.

Thượng nghị sĩ John McCain và Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng
Thượng nghị sĩ John McCain và Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng

McCain đã từng nỗ lực để trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2000, nhưng thua George W. Bush sau những cuộc tranh đua sát gián tại các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. Năm 2008, ông lần nữa chạy đua tìm sự đề cử của Đảng Cộng hòa. Ông được đề cử sau đó nhưng thất cử trước ứng viên Đảng Dân chủ là Barack Obama trong tổng tuyển cử.

Nói về TNS  McCain, nhà văn John Karaagac phát biểu rằng, "Quân đội giữ một vị trí đặc biệt trong xã hội Mỹ và trong nền dân chủ Mỹ. Trong thời chiến cũng như thời bình, quân đội trở thành mẫu hình của những giá trị và những khát vọng dân chủ.... Trạng thái căng thẳng quyết liệt của việc trung thành với chính phủ một cách mạnh mẽ về một phía và việc bảo vệ nền cộng hòa phía bên kia dẫn đến một tình trạng mà quan điểm chính trị của quân đội có chiều hướng mâu thuẫn."

Karaagac sau đó nhận định rằng John McCain như là một điểm hội tụ của sự căng thẳng và mâu thuẫn này.Sau nhiều năm quan sát McCain, nhà bình luận của nhật báo New York Times là David Brooks có viết rằng "không có ai trong giới chính trị khác biệt như là ông ta," có ý ám chỉ đến năng lực và sự năng động của ông, sự nổi loạn và mong muốn của ông chiến đấu chống lại các thế lực chính trị đầy quyền lực, sự sẵn lòng cởi mở nói chuyện chân thật và không giới hạn với các thông tín viên báo chí truyền thông, và tính bị hài hước lôi cuốn của ông..."


Bình Nguyên