"Phản ứng của Trung Quốc với việc Việt Nam nhận tàu ngầm từ Nga" - đó là tiêu đề của bài bình luận được Đài Tiếng nói nước Nga đăng tải hôm 19/2:

"Phản ứng của Trung Quốc với việc Việt Nam nhận tàu ngầm từ Nga"

22/02/2013 09:26
Lê Dũng (theo VOR/Hoàn Cầu thời báo)
(GDVN) - "Phản ứng của Trung Quốc với việc Việt Nam nhận tàu ngầm từ Nga" - đó là tiêu đề của bài bình luận được Đài Tiếng nói nước Nga đăng tải hôm 19/2 khi nói về nhận định của một số chuyên gia quân sự và truyền thông TQ về việc Việt Nam mua tàu ngầm Kilo từ Nga.
2 trong số 6 tàu ngầm diesel-điện mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ được bàn giao trong năm nay. Trung Quốc, nước có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam, sẽ phản ứng ra sao với thực tế này? Rõ ràng, Bắc Kinh không hài lòng với sự tăng cường sức mạnh của Hải quân Việt Nam.

Hình ảnh tàu ngầm Kilo thứ hai Nga đóng cho Việt Nam được đăng tải trên báo mạng Hoàn Cầu. Báo TQ cho rằng tàu ngầm Kilo thứ hai của Việt Nam được đặt tên là TP. Hồ Chí Minh
Hình ảnh tàu ngầm Kilo thứ hai Nga đóng cho Việt Nam được đăng tải trên báo mạng Hoàn Cầu. Báo TQ cho rằng tàu ngầm Kilo thứ hai của Việt Nam được đặt tên là TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, theo chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ, ông Vasily Kashin nhận định, hợp đồng quân sự giữa Nga và Việt Nam không làm tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Việt Nam sẽ nhận được sáu tàu ngầm đề án 636, có tổng trị giá 2 tỷ USD. Hợp đồng cũng bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển để triển khai các tàu và đào tạo thủy thủ đoàn.

Đề án 636 là phương án hiện đại hóa toàn diện của tàu ngầm Liên Xô 877EKM Kilo, có tính năng tàng hình cao, cài đặt thiết bị điện tử hiện đại và tiềm năng tải tên lửa hành trình.

Một số bình luận viên quân sự Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại trước triển vọng Việt Nam sở hữu các tàu ngầm mới. Trong số này có Thiếu tướng Doãn Trác, người phát biểu rằng tàu ngầm Việt Nam có thể "đe dọa" (từ được Doãn Trác dùng để suy diễn về sức mạnh hải quân VN) tuyến đường biển quan trọng đi qua eo biển Malacca và biển Biển Đông.

Trung Quốc nhập dầu thô và nhiều nguyên liệu khác từ châu Phi và Trung Đông thông qua những tuyến đường này.

Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hoạt động của các tàu ngầm nước ngoài ở Biển Đông, kể từ khi một căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc được xây dựng gần thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Đây sẽ là nơi đóng quân của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc mang tên lửa Julang-2 /Sóng Lớn.

Nhà cầm quyền Trung Quốc cho rằng, hoạt động của các lực lượng hải quân nước ngoài trong khu vực là tiềm năng đe dọa lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của nước này.

Theo bình luận của Đài Tiếng nói nước Nga, Trung Quốc không thể thờ ơ với biểu hiện tăng cường không ngừng sức mạnh của Hải quân Việt Nam, ở vào thời điểm khi căng thẳng tranh chấp lãnh hải giữa hai nước vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam không giống những động thái đối đầu dành cho Nhật Bản và Philippines, các đồng minh của Mỹ mà Trung Quốc cũng có tranh chấp về vấn đề chủ quyền lãnh hải.

Theo VOR, Việt Nam luôn có vai trò nghiêm túc trong chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Nếu Trung Quốc có thể dùng chính sách áp lực trong quan hệ với Nhật Bản và Philippines, thì đối với Hà Nội, nhiệm vụ của Bắc Kinh là thu hút hợp tác.

Vì vậy, Trung Quốc có phản ứng kiềm chế trước việc Việt Nam đặt mua máy bay chiến đấu mới, tàu tên lửa Molnya và tàu ngầm của Nga. Bắc Kinh hiểu rằng, nỗ lực cải tiến quân sự của Việt Nam khó sánh với quy mô hiện đại hóa của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Trước đó, tờ “Hoàn Cầu”  - phiên bản điện tử của báo Nhân Dân, cơ quan phát ngôn của ĐCS Trung Quốc đã dẫn lời trung tướng Trần Hưng Quốc, tướng nghỉ hưu của Lục quân Đài Loan, người từng được điều đến miền nam Việt Nam trong chiến tranh và có nghiên cứu về tình hình biển Đông, cho rằng, Hải quân Việt Nam có thể đứng thứ 10 trên thế giới, sức mạnh rất lớn.

Nhưng, ông này cho rằng, "Việt Nam duy trì chiến lược phòng thủ, không phát động tấn công trước khi có xung đột".

Theo Trần Hưng Quốc, ở phía đông Trung Quốc phải đối mặt với Nhật Bản và Mỹ, người Mỹ lấy Nhật Bản và Đài Loan làm lá chắn, kẻ thù giả tưởng thực sự của Mỹ chính là Trung Quốc, đương nhiên Nhật Bản cũng nhằm vào Trung Quốc. Mỹ đã tạo ra một vòng vây, kẹp chặt biển Hoa Đông.

Theo ông Trần thì cái gọi là “thành phố Tam Sa” (thành phố phi pháp thành lập vào ngày 29/6/2012) do Trung Quốc thành lập trái phép là có phạm vi rất lớn, lớn hơn tất cả các đô thị khác của Trung Quốc, việc thành lập cái đó “chẳng có giá trị gì” đối với Việt Nam và Philippines, bởi vì ông Trần võ đoán rằng đằng sau Việt Nam và Philippines có cộng đồng quốc tế ủng hộ.

>> Follow us on Facebook


Lê Dũng (theo VOR/Hoàn Cầu thời báo)