Phi công Việt Nam đầu tiên lái MiG-21 bắn gục B-52 Mỹ (P1)

29/08/2011 06:17
Theo Ngọc Phúc/báo Quân Đội Nhân Dân
(GDVN) - Chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi trước đó gần một năm là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi.

Đã gần hơn 40 năm qua đi nhưng trận thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính Phòng không-Không quân tham gia cuộc chiến. Sẽ còn lâu nữa chúng ta mới hiểu hết giá trị của chiến công. Vẫn còn lâu nữa giới quân sự nhiều nước trên thế giới, nhất là những ai tin tưởng vào sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của không lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh hiện đại mới hết kinh ngạc. Không thể tưởng tượng được sức mạnh khổng lồ của nền công nghiệp chiến tranh hiện đại nhất của thế giới lại thất bại trước một lực lượng quân sự của một nước mà nền kinh tế còn quá lạc hậu, tiềm năng quốc phòng nhỏ bé.

Thượng tá phi công Vũ Đình Rạng.
Thượng tá phi công Vũ Đình Rạng.

Trong cuộc chiến trên không đánh trả cuộc tập kích chiến lược chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới mà Mỹ đã gây ra, trong số ba mươi tư máy bay B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Thủ đô và các tỉnh miền Bắc năm ấy, lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi hai chiếc B-52. Còn một chiếc B-52 nữa bị bắn rơi trước đó gần một năm.

Ba chiếc B-52 của Không quân nhân dân bắn rơi so với ba mươi tư B-52 mà lực lượng phòng không bắn rơi là ít ỏi, so với tổng số máy bay bắn rơi trong toàn chiến dịch là tám mươi mốt chiếc mà quân và dân ta bắn rơi thì lại càng ít hơn. Chính vì thế mà chiến công của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam bắn rơi B-52 ít được nhắc đến. Và cũng ít nhắc đến ý nghĩa lớn lao trận đầu tiên đánh gục B-52 “siêu pháo đài bay” của không lực Hoa Kỳ.

Chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi trước đó gần một năm là chiếc B-52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi, cũng là chiếc B-52 đầu tiên trên thế giới của không quân Mỹ bị đối phương hạ gục. Hành động anh hùng của người của người phi công bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên ấy dần vào quên lãng. Phải qua những phi công tù binh Mĩ ta mới hiểu được sự thật. Năm 2000, sách “Quân chủng Phòng không biên niên sự kiện 1953-1998” ghi lại sự kiện trên:

“Ngày 20 tháng 11 năm 1971

Bộ đội Không quân bắn rơi một chiếc B-52.

Hai đại đội 45, 41 trung đoàn ra-đa 291-290 đã bảo đảm dẫn đường cho chiến sĩ lái máy bay Mic-21 Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc B-52 ở phía nam Quân khu 4…”.

Tôi đã từng đọc một bài viết ít ỏi về chiến công của Vũ Đình Rạng, nhưng không biết ông ở đâu. Có người nói ông về hưu về sống ở vùng quê Thái Bình.

Cho đến một ngày gần đây…

Ông Lê Trọng Sành từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự hội thảo về Đường bay vàng lâu nay đang làm xôn xao dư luận. Ông nguyên là sĩ quan tác chiến của Bộ Tư lệnh Không quân, sau này là Phòng không-Không quân. Cả cuộc đời ông phục vụ trong lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Nói đúng ra ông là một trong những người đầu tiên có mặt trong lực lượng không quân non trẻ từ ngày thành lập. Những người lính đầu tiên tiếp quản sân bay Gia Lâm từ tay thực dân Pháp trong đó có ông.

Về hưu nhưng vị trung tá không quân Lê Trọng Sành vẫn tâm huyết với công cuộc xây dựng và phát triển ngành hàng không. Tuổi gần bát tuần nhưng tình yêu với không quân vẫn còn trẻ mãi. Ông vừa về Quảng Bình thăm lại chỉ huy sở Không quân tại xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. Máu không quân vẫn sôi sục trong ông. Là sĩ quan tác chiến ở sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân trong những năm chiến tranh ác liệt, nhớ đến sở chỉ huy dã chiến Quảng Phương, ông tìm lại nơi đặt sở chỉ huy, tìm những người cùng thời để tìm hiểu về B8…

Lần này ra Hà Nội, ông kết hợp tìm gặp các nhân vật có trong sở chỉ huy ngày ấy, trong đó có cả Vũ Đình Rạng, nhằm khôi phục lại sở chỉ huy B8, góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Anh Hồ Viết Lâm, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương đã từng là lính thông tin của Bộ Tổng tham mưu nên khi gặp ông Sành là mê ngay ý tưởng khôi phục lại sở chỉ huy đã từng có ở quê nhà. Khi được mời đi dự hội thảo ở Hà Nội, ông đã liên hệ với Vũ Dình Rạng theo địa chỉ quê ở Thái Bình.

Không ngờ Vũ Đình Rạng đang ở Hà Nội, nhận được thư ông Sành từ quê gửi lên. Biết ông đi Hà Nội, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương cũng báo cáo với huyện uỷ Quảng Trạch để ra Hà Nội gặp ông Sành và các nhân chứng đã từng sống, chiến đấu, làm nên chiến ông kì diệu tại quê hương Quảng Phương anh hùng. Biết ý định của ông, tôi tình nguyện làm chân “xe ôm” để có dịp gặp những nhân vật lịch sử tại sở chỉ huy dã chiến của Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân ngày ấy.

Như đã hẹn, hơn sáu giờ, vào mùa này gió mùa đông bắc tràn về, trời lạnh, cả tập thể vẫn còn chìm trong giấc ngủ, phố xá còn vắng lặng, chúng tôi đến nhà Vũ Đình Rạng. Đến nơi, đã thấy ông Chủ tịch UBND xã Quảng Phương cũng mới từ Quảng Bình ra.

Thì ra cái sở chỉ huy dã chiến của không quân ngày nào không còn nữa và những người đã sống chết với sở chỉ huy làm nên lịch sử đã đi xa nhưng những kỉ niệm một thời đánh Mĩ vẫn còn mãi trong lòng dân. Những chiến công của không quân không chỉ là chiến công của phi công hay người chỉ huy, mà còn là chiến công chung của tập thể quân và dân ta.

Sở chỉ huy B8 ngày ấy đặt trong gia đình cụ Hối ở thôn Đông Dương. Máy ra-đa đo cao bị máy bay Mỹ bắn hỏng, rốc két bắn vào làng… dân Quảng Phương không sợ. Mấy mươi năm rồi dân Quảng Phương vẫn nhớ đến những sĩ quan không quân như: Trần Mạnh, Trần Hanh, Nguyễn Văn Chuyên, Lê Thiết Hùng…

Chủ tịch UBND xã Quảng Phương gặp lại ông Chuyên, ông Rạng, mừng lắm, anh kể:

- Nhân dân xã em vẫn luôn nhớ đến các bác. Nhiều người vẫn kể về các anh bộ đội đã từng ở sở chỉ huy trong những năm đánh Mỹ. Em ngày ấy vẫn còn bé nhưng vẫn nhớ sở chỉ huy và các chú bộ đội. Lớn lên em nhập ngũ rồi chuyển ngành làm công nhân ở Huế. Tình cờ đọc báo An ninh thế giới nói về sở chỉ huy Quảng Phương, được biết chiến công của bác Rạng, em ghi nhớ mãi. Bài báo khơi dậy trong em niềm tự hào về quê hương.

Xem vô tuyến có hình ảnh bác Trần Hanh, nhiều người bảo: Bác Trần Hanh đã từng ở xã ta. Là một xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang”, chúng em muốn được dựng lại Sở chỉ huy ngày ấy để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Vừa rồi bác Sành lại tìm về xã em, đi thăm lại những nơi làm việc của Sở chỉ huy, càng nung nấu thêm ý tưởng khôi phục lại Sở chỉ huy. Cùng ra Hà Nội với em lần này có cả trưởng thôn Đông Dương – nơi đặt B8.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phương còn cho biết thêm: Nhân dịp về làm việc với Hội Cựu chiến binh huyện Quảng Trạch, Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam thăm hỏi nhân dân xã Quảng Phương. Ông kể về những ngày chiến đấu khẩn trương trên đất Quảng Trạch trong những năm đánh Mỹ.

Sở chỉ huy không quân tiền phương B8 ngày ấy đã dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng lái máy bay Mic-21 bắn trọng thương B-52 ngày 20-11-1971, là chiếc máy bay đầu tiên bị Không quân ta hạ gục, bay về đất Thái Lan thì rơi. Chia tay Hội Cựu chiến binh Quảng Trạch, Trung tướng Trần Hanh còn nói: Cán bộ chiến sĩ Không quân không bao giờ quên nhân dân xã Quảng Phương, nhân dân Quảng Trạch đã cưu mang che chở cho đài chỉ huy B8 hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cuộc hội ngộ giữa những sĩ quan Không quân giúp ta trở về với những giây phút căng thẳng, khẩn trương mà hào hùng trận chiến đấu có một không hai trong lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Thất bại có ý nghĩa chiến lược ở đường 9-Nam Lào, liên tiếp bị thua đau ở các chiến trường Lào, Cam-pu-chia, Mỹ-nguỵ lâm vào thế bị động chiến lược. Năm 1968, chúng tăng cường mọi lực lượng chặn tuyến hành lang chiến lược Trường Sơn hòng ngăn chặn chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, bộ đội Phòng không-Không quân triển khai nhanh nhiệm vụ tổ chức huấn luyện đánh B-52 cho phi công, sĩ quan dẫn đường và kíp chiến đấu ở sở chỉ huy để đánh B-52 trên các cửa khẩu. Việc nghiên cứu đánh B-52 đã được quân chủng triển khai. Một tổ chiến đấu của Không quân đã vào Trường Sơn, nơi Mỹ dùng B-52 ném bom, do Thiếu tá Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Nhật Chiêu, phi công lái Mic-21 đã bắn rơi sáu máy bay Mỹ, dẫn đầu để nghiên cứu. Hơn mười ngày ở trọng điểm, tổ nhìn thấy đội hình bay của B-52.

Sau khi máy bay cường kích F-105 ném bom, những chiếc F-4 bay gầm rú trên bầu trời để bảo vệ, những chiếc B-52 xuất hiện. Ba chiếc B-52 bay theo hình bậc thang lệch bên phải mỗi chiếc cách nhau chừng 2km ở độ cao trên 10km. Nghiên cứu đánh B-52 được giao cho nhiều cán bộ có tài là trưởng các phòng dẫn đường, quân báo và tác chiến của Quân chủng phụ trách. Đến cuối năm 1969 về cơ bản đã hình thành cách đánh B-52. Để thắng địch, chúng ta phải hiểu địch.

Sau hội nghị về chuyên đề cách đánh B-52 của Quân chủng Phòng không-Không quân tháng 10-1971, hai sở chỉ huy của Không quân được triển khai ngay. Sở chỉ huy trung tâm được đặt ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An mang bí danh B3 do Tư lệnh Không quân, Đại tá Đào Đình Luyện trực tiếp chỉ huy. Kíp sĩ quan dẫn đường có sĩ quan dẫn đường Lê Thành Chơn, sĩ quan Hoàng Kế Thiện trực ở Đại đội 45 ra-đa dẫn đường ở đồi Minh Sơn, huyện Đô Lương.

Sở chỉ huy tiền phương mang bí danh B8 đặt tại thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) do Phó tư lệnh Không quân, Thượng tá Trần Mạnh và Trung tá Trần Hanh chỉ huy. Kíp sĩ quan dẫn đường là những sĩ quan có chuyên môn giỏi: Đại uý Nguyễn Văn Chuyên, Trung uý Tạ Quốc Hưng, Trung uý Trần Hồng Hà. Đại đội ra-đa dẫn đường 41 đặt ở Pháp Kệ cách Đông Dương khoảng ba ki-lô-mét, do sĩ quan dẫn đường mặt hiện sóng là Thượng uý Lê Thiết Hùng điều khiển.

Đại tá Nguyễn Văn Chuyên, nguyên Đại uý dẫn đường bay, thường xuyên có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương B8. Ông là người dẫn đường cho Vũ Đình Rạng trong trận chiến đấu ngày 20-11-1971. Gần tuổi 80 nhưng vẫn còn khoẻ, ông nói rõ hơn về Sở chỉ huy tiền phương B8:

- Sở chỉ huy tiền phương B8 rất quan trọng trong việc làm nên chiến công của phi công Vũ Đình Rạng. Những năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân thì sở chỉ huy cơ bản của Binh chủng đặt ở chùa Trầm tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Sau chiến thắng Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 19 trở ra.

Chúng tập trung đánh phá từ đường 7 trở vào, đánh phá dã man vùng “cán xoong” khu Bốn hòng ngăn chặn việc vận chuyển trên tuyến đường Trường Sơn. Để tham gia chiến đấu bảo vệ giao thông, Quân chủng khẩn trương đưa máy bay vào sân bay Sao vàng ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Sở chỉ huy tiền phương của Không quân chuyển vào Nghệ An có mật danh B3 chỉ huy Không quân bảo vệ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh.

Còn nữa

Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 25/12/2009
Theo Ngọc Phúc/báo Quân Đội Nhân Dân