Philippines theo dõi các động thái quân sự của Trung Quốc

20/04/2014 09:56
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ muốn thúc đẩy chiến lược, còn Philippines muốn bảo vệ lợi ích ở Biển Đông - hai bên thúc đẩy sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông đối phó Trung Quốc.
Quân đội Mỹ và Philippines trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên Biển Đông (ảnh tư liệu minh họa)
Quân đội Mỹ và Philippines trong một cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên Biển Đông (ảnh tư liệu minh họa)

Tờ "International Herald Leader" - một phiên bản của Tân Hoa xã, Trung Quốc ngày 18 tháng 4 đăng bài viết nhan đề "Philippines dựa vào Mỹ đối đầu đối với Trung Quốc ở Biển Đông, theo dõi các động thái của Quân đội Trung Quốc".

Theo bài viết, ngày 11 tháng 4, vòng đàm phán lần thứ 8 về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines đã kết thúc ở Thủ đô Manila, Philippines. Sau cuộc hội đàm, Philippines ra tuyên bố cho biết, hai bên đã đạt được đồng thuận về việc mở rộng thỏa thuận hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines.

Điều này có nghĩa là, sau đàm phán dài tới 8 tháng, thỏa thuận này đã có hình thức ban đầu, dự kiến hai bên sẽ ký kết trong thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines vào cuối tháng này.

Lấy "đóng quân luân phiên" để tránh "đóng quân vĩnh viễn"

Nội dung chủ yếu của bản dự thảo Thỏa thuận bao gồm: Trên cơ sở "được Philippines mời và hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Philippines", Mỹ sẽ sử dụng cơ sở quân sự của Lực lượng vũ trang Philippines, Mỹ "sẽ không thiết lập căn cứ quân sự mang tính vĩnh viễn hoặc duy trì đóng quân mang tính vĩnh viễn" ở Philippines.

Quân đội Mỹ-Philippines diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông năm 2012
Quân đội Mỹ-Philippines diễn tập quân sự liên hợp ở Biển Đông năm 2012

Ngoài ra, hai bên còn đồng ý "trong các thiết bị quân sự quân Mỹ mang vào Philippines sẽ không có vũ khí hạt nhân, quân Mỹ ở Philippines cũng không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Về hình thức hợp tác, người Mỹ tính toán nghĩ ra mô hình hiện diện quân sự mới "tăng cường đóng quân luân phiên". Như vậy, vừa có thể tránh quy định cấm nước ngoài đóng quân của Hiến pháp Philippines, vừa có thể thông qua phương thức luân phiên để đạt mục đích đóng quân lâu dài.

Đại diện đàm phán hàng đầu của Philippines Battino cho biết, thỏa thuận này sẽ đem lại "lợi ích to lớn" cho Philippines, cung cấp "hỗ trợ mang tính quyết định và kịp thời" cho xây dựng hiện đại hóa của Quân đội Philippines và thực hiện khả năng quốc phòng tối thiểu của đất nước, nhanh chóng hơn trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo và chống thảm họa cho Philippines.

Nhìn bề ngoài, sự viện trợ "vô tư" với cam kết "không thiết lập căn cứ quân sự vĩnh viễn, không đem đến vũ khí hạt nhân" của Mỹ  chỉ xuất phát từ việc bảo vệ đồng minh châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng, các chuyên gia phân tích cho rằng, điều này chẳng qua là để tạo ra một hình tượng "thỏa thuận không vi phạm Hiến pháp Philippines", nhằm vượt qua sự phản đối của người dân Philippines, tránh điều khoản cấm theo quy định của Hiến pháp Philippines, bỏ qua Quốc hội, cuối cùng chỉ do Tổng thống phê chuẩn là có thể được thông qua, để sớm có thể thực thi.

Mỹ-Philippines diễn tập tác chiến đổ bộ liên hợp năm 2012
Mỹ-Philippines diễn tập tác chiến đổ bộ liên hợp năm 2012

Báo Trung Quốc dẫn lời tổng biên tập tờ "The Daily Tribune" Philippines Ninez Cacho Olivarez cho rằng, thỏa thuận này là "bất bình đẳng" và "có hại cho Philippines", là một "món quà lớn" chính quyền Aquino cho Chính phủ Mỹ và Tổng thống Mỹ Barack Obama trước khi ông Obama thăm Philippines.

Đàm phán ban đầu không thuận lợi

Ngày 14 tháng 8 năm 2013, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao hai nước Philippines-Mỹ đã khởi động vòng đàm phán thỏa thuận khung hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines đầu tiên, diễn ra ở Manila. Hai bên sớm định ra tổ chức 4 vòng đàm phán, tranh thủ kết thúc trước năm 2013.

Nhưng, đàm phán hoàn toàn không thuận lợi như dự định. Sau vòng đàm phán lần thứ tư, do hai bên tồn tại bất đồng về những điều khoản quan trọng, nên bị gác lại. Mặc dù Philippines và Mỹ đều không muốn tiết lộ chi tiết, nhưng trong "hai câu ba lời" do Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tiết lộ cho truyền thông cũng có thể hiểu được, Philippines cho phép Mỹ thiết lập cơ sở quân sự "lâm thời" ở Philippines, nhưng Mỹ không muốn cho phép Quân đội Philippines đi vào những cơ sở này.

Trong khi đó, Chính phủ Philippines cũng có "chỗ khó" của họ, một là muốn có thể có quyền chia sẻ sử dụng căn cứ quân sự, để nâng cao khả năng tác chiến cho Quân đội Philippines, hai là muốn tránh bị dư luận trong nước lên án.

Máy bay vận tải Osprey Mỹ tham gia diễn tập Balikatan-2013 giữa Mỹ-Philippines
Máy bay vận tải Osprey Mỹ tham gia diễn tập Balikatan-2013 giữa Mỹ-Philippines

Vào trung tuần tháng 2 năm 2014, Nhà Trắng Mỹ tuyên bố Tổng thống Obama sẽ thăm Philippines vào tháng 4 năm 2014, mặc dù đây là lần đầu tiên Obama đến thăm Philippines kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2008, nhưng vẫn làm cho chính quyền Aquino rất vui mừng, quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đàm phán thỏa thuận để tăng một món quà lớn cho Obama.

Sau khi kết thúc đàm phán vòng thứ 6 vào tháng 3, Philippines bất ngờ tuyên bố đàm phán đạt được "đột phá quan trọng, đầy hiệu quả", hai bên đạt được đồng thuận trên rất nhiều phương diện, đã giải quyết được 80% vấn đề.

Philippines cho biết, đại diện đàm phán Mỹ đã đồng ý cho Philippines sử dụng cơ sở mà quân Mỹ xây ở Philippines để thể hiện quyền kiểm soát của Philippines đối với căn cứ quân sự của họ.

Vòng đàm phán thứ 7 được phổ biến cho là đã bước vào giai đoạn kết thúc. Nhưng, vượt qua ngoài dự tính của rất nhiều người, sau khi kết thúc hội đàm không đưa ra tuyên bố cuối cùng, trái lại đã tuyên bố sẽ tổ chức hội đàm vòng thứ 8 vào đầu tháng 4.

Trong tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 8, đại diện đàm phán hàng đầu của Philippines, Thứ trưởng Quốc phòng Pio Battino cho biết, một vòng đàm phán mới nhất có "thành quả phong phú", hai bên đã đạt được đồng thuận về "vấn đề then chốt", đồng thời gần đạt được đồng thuận toàn diện.

Ngày 27 tháng 6 năm 2013, tàu khu trục Fitzgerald Mỹ đến căn cứ hải quân Mỹ cũ, vịnh Subic Philippines
Ngày 27 tháng 6 năm 2013, tàu khu trục Fitzgerald Mỹ đến căn cứ hải quân Mỹ cũ, vịnh Subic Philippines

Quân Mỹ có nhiều căn cứ ở Philippines

Từ sau khi đóng cửa căn cứ quân sự cuối cùng ở Philippines vào năm 1991, căn cứ vào hiệp ước thăm viếng ký với Philippines vào năm 1999, quân Mỹ đóng 500 - 600 binh sĩ ở miền nam Philippines, đồng thời tham gia diễn tập quân sự thường lệ hàng năm.

Căn cứ vào thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng mới, ngoài căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Carla cũ của Mỹ, Philippines sẽ cho phép quân Mỹ cùng sử dụng nhiều căn cứ quân sự như Manila, Palawan, Cebu, Nueva Ecija.

Về danh nghĩa, những căn cứ này là của Philippines, nhưng thực chất là căn cứ quân Mỹ "có thật, nhưng không có danh" thực sự, đồng thời còn sử dụng miễn phí. Đối với Mỹ - nước cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự, điều này có thể gọi là sự lựa chọn tốt nhất – một lựa chọn "nhất cử lưỡng tiện" (một việc được cả hai).

Để cho quân Mỹ có được nhiều hơn căn cứ "có thật, không có danh", ngay từ trước khi khởi động đàm phán quân sự giữa Philippines và Mỹ, Philippines đã đề xuất phân ra khu vực khoảng 30 héc-ta ở vịnh Subic, xây dựng căn cứ không quân và hải quân mới, triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến cỡ lớn, trong đó có 2 tàu tuần tra lớp Hamilton mua được của Mỹ.

Nhưng căn cứ này sẽ còn mở cửa cho Quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, toàn bộ chương trình dự kiến tiêu tốn 230 triệu USD.

Tàu khu trục USS Chung-Hoon Hải quân Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu minh họa)
Tàu khu trục USS Chung-Hoon Hải quân Mỹ thăm Philippines (ảnh tư liệu minh họa)

Tháng 10 năm 2013, một quan chức Quân khu miền Tây Philippines tiết lộ với báo giới cho biết, Philippines đang thi công một căn cứ hải quân mới ở vịnh Oyster, đảo Palawan - mặt hướng ra Biển Đông, bên trong có các cơ sở như cảng, bến tàu, radar để theo dõi các động thái trên Biển Đông.

Vào đầu tháng này, Quân đội Philippines cho biết, sau khi đạt được thỏa thuận mới, Quân đội Mỹ sẽ có thể sử dụng doanh trại Magsaysay. Doanh trại Magsaysay nằm ở miền trung đảo Luzon của Philippines, có diện tích 35.000 héc-ta, là một trong những doanh trại lớn nhất của Philippines, diễn tập quân sự giữa Philippines và Mỹ cũng thường được tổ chức tại đây.

Philippines và Mỹ đều cần nhau

Báo Trung Quốc cho rằng, đàm phán thỏa thuận mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Mỹ được tiến hành trong bối cảnh lớn Mỹ tích cực thúc đẩy "chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", quan hệ Philippines-Trung Quốc căng thẳng do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông (do Trung Quốc bịa ra "đường lưỡi bò" và gây tranh chấp).

Vì vậy, bất kể hai nước Philippines, Mỹ "khoác áo" cho thỏa thuận này như thế nào thì bản chất đều là để cùng ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Mục tiêu chung này làm cho Philippines-Mỹ kết thành “cộng đồng lợi ích chung”, bắt tay kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon của quân Mỹ đến cảng Princesa, tỉnh Palawan, Philippines (ảnh tư liệu, minh họa)
Tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon của quân Mỹ đến cảng Princesa, tỉnh Palawan, Philippines (ảnh tư liệu, minh họa)

Theo bài báo, mục đích quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Lầu Năm Góc nhiều lần tuyên bố, đến năm 2020 phải triển khai 60% hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Mỹ nhiều lần bày tỏ công khai quan điểm về vấn đề có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, trong đó rõ ràng ủng hộ, bênh vực cho Philippines, chỉ trích, lên án Trung Quốc, thái độ này đã phản ánh mục tiêu của "chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương" do Mỹ đưa ra.

Hạt nhân chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là kiểm soát dải đất liền-biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi đó, Philippines lại nằm đúng ở vị trí then chốt, quan trọng ở dải khu vực này, vị trí chiến lược rất quan trọng.

Đồng thời, Philippines lại là đồng minh châu Á của Mỹ, Mỹ có căn cứ quân sự ở Subic và Clark, có quan hệ quân sự chặt chẽ và cơ chế hợp tác sẵn có với Philippines, vì vậy Philippines trở thành đối tác hợp tác lý tưởng nhất của Mỹ để thúc đẩy tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương và một "quân cờ" quan trọng để kiềm chế Trung Quốc.

Còn đối với Philippines, họ cũng có nhu cầu cấp bách dựa vào Mỹ. Philippines biết rõ bất kể từ phương diện nào đều không phải là đối thủ của Trung Quốc, nhưng lại không cam tâm để mất đi các hòn đảo, đá ngầm trên Biển Đông (báo Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc là Philippines xâm chiếm phi pháp của Trung Quốc), vì vậy muốn dựa vào sức mạnh của Mỹ để bảo đảm lợi ích đã có, đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, không ngại tiếp tục "dẫn sói về nhà" - báo Trung Quốc chia rẽ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Hawaii lớp Virginia trang bị tên lửa hành trình Tomahawk thăm Philippines (ảnh tư liệu, minh họa)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Hawaii lớp Virginia trang bị tên lửa hành trình Tomahawk thăm Philippines (ảnh tư liệu, minh họa)

“Tạo ra mối đe dọa cho an ninh duyên hải Trung Quốc”

Sau khi Mỹ gia tăng luân phiên đóng quân ở Philippines, có thể có được điểm đứng chân để di chuyển trọng tâm chiến lược xuống phía nam, tạo thuận lợi cho Hải, Không quân Mỹ đến triển khai ở Biển Đông, hình thành vòng vây hình bán nguyệt đối với Trung Quốc ở vùng biển phía đông Biển Đông rộng lớn từ Subic đến Palawan.

Ngoài ra, nếu Philippines hoàn thành kế hoạch di chuyển các căn cứ không quân, hải quân chủ yếu đến Subic, trong "tình huống đặc biệt" xảy ra ở Biển Đông, sẽ có thể giúp cho Quân đội Mỹ và Philippines rút ngắn thời gian phản ứng. Philippines còn xem xét kế hoạch đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay trinh sát P-3C Orion ở Biển Đông.

Mỹ tiến hành giám sát, kiểm soát đối với Trung Quốc ở Biển Đông sớm đã là "bí mật" được công khai, thỏa thuận mới có thể giúp cho Philippines-Mỹ xây dựng được "hệ thống theo dõi, giám sát Biển Đông" hiệu quả hơn, máy bay trinh sát Mỹ còn có thể cung cấp tin tức tình báo về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp Biển Đông cho Philippines.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion của Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion của Hải quân Mỹ

Ngoại trưởng Philippines del Rosario năm 2013 từng nói với truyền thông rằng, máy bay trinh sát P-3C Orion của Hải quân Mỹ tận dụng cơ hội diễn tập quân sự thường xuyên bay trên trên ở vùng biển do Philippines tuyên bố chủ quyền.

Khi hỏi về tình hình này xảy ra khi nào, ông Rosario cho biết, ít nhất bắt đầu từ năm 2010 khi ông được lên làm Ngoại trưởng. Có thể dự kiến, sau khi Mỹ tăng cường đóng quân luân phiên ở Philippines, hoạt động trinh sát này sẽ tăng lên, "tạo ra mối đe dọa cho an ninh của Trung Quốc trên Biển Đông".

Đông Bình