Phương tiện hiện đại rà phá thủy lôi

07/10/2012 15:12
Theo QĐND
Mới đây, quân đội Mỹ tiết lộ loại tàu ngầm không người lái (UUV) Knifefish. Tàu dài 5,7m với đường kính 0,5m có nhiệm vụ chuyên săn thủy lôi.
Thủy lôi là loại mìn thả dưới nước để tiêu diệt các loại phương tiện thủy của đối phương hoặc sử dụng trong phòng thủ bờ biển.

Trước mức độ nguy hiểm cũng như sự phát triển ngày càng tiên tiến của thủy lôi, quân đội các nước đã đầu tư nghiên cứu phát triển nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhằm nâng cao năng lực phát hiện và phá thủy lôi.

Phương tiện tác chiến chống thủy lôi chuyên dụng của Hải quân Mỹ gồm tàu mặt nước và trực thăng. Hiện Hải quân Mỹ có các tàu chống thủy lôi lớp Avenger được lắp đặt nhiều hệ thống kỹ thuật hiện đại như sô-na phát hiện và nhận dạng thủy lôi; hệ thống rà quét, kích nổ thủy lôi (bằng từ tính hoặc âm thanh)...

Phi đội máy bay trực thăng tác chiến chống thủy lôi của Hải quân Mỹ gồm hàng chục chiếc MH-53E Sea Dragon được trang bị các hệ thống như sô-na săn tìm thủy lôi quan sát bên sườn AQS-24; thiết bị quét âm thanh Mk-2; hệ thống quét cơ khí Mk103; thiết bị quét từ tính Mk105…

Hệ thống săn thủy lôi AN/AQS-20A trên trực thăng. Ảnh: ST.
Hệ thống săn thủy lôi AN/AQS-20A trên trực thăng. Ảnh: ST.

Với hệ thống dữ liệu được tích hợp, tàu có thể dễ dàng phát hiện và phân biệt nhiều loại thủy lôi khác nhau. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn có tàu UUV Seafox được phóng từ trực thăng MH-53E hoặc từ các tàu cao su cỡ nhỏ. UUV Seafox có chiều dài 1,2m, có thể hoạt động ở độ sâu tới 300m và di chuyển với tốc độ 6 hải lý/giờ.

Tàu mang theo một ca-mê-ra quan sát dưới nước, một sô-na dẫn đường và một lượng thuốc nổ. UUV Seafox không những có khả năng phát hiện mà còn có thể tiếp cận và phá hủy thủy lôi bằng cách kích nổ thuốc nổ và nổ cùng thủy lôi.

Hải quân Mỹ và hãng Northrop Grumman cũng vừa thử nghiệm hệ thống dò thủy lôi bằng la-de (ALMDS). Hệ thống được lắp trên trực thăng MH-60S Sea Hawk. ALMDS có thể chụp và cung cấp ảnh của thủy lôi ở độ sâu cách mặt nước gần 3m trong cả điều kiện cả ngày lẫn đêm…

Ngoài các phương tiện kỹ thuật hiện đại, Hải quân Mỹ còn nuôi và huấn luyện nhiều loại động vật biển để phát hiện và vô hiệu hóa thủy lôi. Điển hình như cá heo, hải cẩu, cá voi trắng… Ưu điểm của phương pháp này là khả năng cơ động, triển khai nhanh (có thể triển khai nhanh chóng trong phạm vi rộng nhờ các phương tiện vận tải hàng không).

Đặc biệt, trong một số tình huống, nhất là trong phát hiện các loại thủy lôi đáy bị chôn lấp, các động vật biển này còn làm việc hiệu quả hơn cả con người hoặc các trang thiết bị hiện đại.

Một trong những xu hướng phát triển phương tiện chống thủy lôi đang được chú ý hiện nay là vô hiệu hóa thủy lôi bằng các hệ thống chuyên dụng quét tìm, phân loại và xử lý gắn trên trực thăng. Tiêu biểu cho loại vũ khí này là hệ thống phá thủy lôi nhanh từ trên không AN/AWS-2, do hãng Northrop Grumman phát triển.

Hệ thống sử dụng một sen-sơ đo tầm và phát hiện tạo ảnh la-de gắn bên sườn máy bay để phát hiện và định vị mục tiêu; một pháo nòng ngắn 30mm gắn ở cửa chính máy bay, bắn đạn tạo bọt để kích nổ thủy lôi.

Trong khi đó, hãng Raytheon đã phát triển cả hệ thống săn thủy lôi AN/AQS-20A và hệ thống vô hiệu hóa thủy lôi trên không AN/AQS-235 được kéo bằng máy bay trực thăng MH-60S hoặc bằng phương tiện đa nhiệm điều khiển từ xa do hãng Lockheed Martin phát triển.

Hệ thống AN/AQS-20A có thể hoạt động ở cả vùng nước nông lẫn nước sâu, sử dụng các sen-sơ quang điện và sô-na cung cấp các bức ảnh có độ phân giải cao về các vật thể nghi ngờ là thủy lôi đồng thời thông tin chính xác vị trí của nó.

Quân đội Pháp đã hiện đại hóa lực lượng chống thủy lôi chuyên dụng bao gồm 8 tàu quét thủy lôi lớp Eridan. Theo đó, các tàu quét thủy lôi lớp Eridan đã được bổ sung thêm sô-na lắp ngoài vỏ tàu TSM 2022 Mk III mới của hãng Thales, phương tiện điều khiển từ xa Double Eagle Mk2 của hãng Saab cùng một hệ thống dữ liệu chiến thuật mới, đồng thời nâng cấp các hệ thống ra-đa và truyền tin.

Hải quân Nhật Bản đã mua hệ thống dò tìm và phá thủy lôi bằng la-de AQS-24A từ hãng Northrop Grumman trang bị cho trực thăng MCH-101 Kawasaki.

Hệ thống phát hiện thủy lôi nhờ chức năng phát ra các xung la-de công suất cao hướng liên tục xuống mặt nước và cảm biến hình ảnh được truyền về trung tâm.

Hải quân Trung Quốc cũng đã đưa vào trang bị 2 tàu quét thủy lôi lớp Wozang, được đánh giá là hiện đại nhất so với các loại tàu quét thủy lôi hiện đang có trong biên chế nhờ được trang bị sô-na đặc biệt.

Tàu quét thủy lôi lớp Wozang có tải trọng 550 tấn. Phần vỏ tàu được chế tạo bằng vật liệu tổng hợp. Động cơ của tàu Wozang được cải tiến để giảm tiếng ồn, giảm lượng khí thải và từ tính, nâng cao hiệu quả quét thủy lôi.

Theo QĐND