Pravda: Nhật Bản có thể triển khai vũ khí tấn công nhằm vào Trung Quốc

08/06/2013 08:12
Đông Bình
(GDVN) - Theo chuyên gia, Nhật Bản có thể triển khai vũ khí mang tính tấn công ở bất cứ nơi nào, đầu tiên là nhằm vào Bắc Triều Tiên, tiếp theo là nhằm vào TQ...
Tàu ngầm thông thường của Nhật Bản tại quân cảng
Tàu ngầm thông thường của Nhật Bản tại quân cảng

Ngày 6 tháng 6, trang mạng báo "Pravda" Nga cho biết, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền Nhật Bản gần đây đã thông qua dự thảo tái cơ cấu vũ khí quy mô lớn cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất và Lực lượng Phòng vệ Biển.

Cuộc cải cách lần này tập trung vào xây dựng "lực lượng thủy quân lục chiến", tăng cường thực lực của hệ thống phòng thủ tên lửa, trang bị vũ khí tiên tiến cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất và Lực lượng Phòng vệ Biển để tấn công các căn cứ hải quân của kẻ thù.

Bài báo cho rằng, trên thực tế, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản luôn tích cực phát triển sức mạnh quân sự, hiện nay đứng thứ năm về chi tiêu quân sự trên thế giới. Chi tiêu dùng cho vũ khí trang bị hàng năm của Nhật Bản cao tới 44 tỷ USD, nhưng lại không thể sản xuất và mua sắm tên lửa hành trình các loại tầm phóng và máy bay ném bom chiến lược có thể phát động các cuộc tấn công quy mô lớn.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho rằng, Nhật Bản luôn phát triển sức mạnh quân sự toàn diện. Ông kiến nghị, Nhật Bản sửa Hiến pháp, hủy bỏ tên gọi "Lực lượng Phòng vệ", đồng thời tuyên bố người dân Nhật Bản không thể vĩnh viễn từ bỏ phương thức sử dụng chiến tranh để giải quyết xung đột với nước khác.

Bài báo cho rằng, nếu Nhật Bản thực sự sửa đổi Hiến pháp, thì Quân đội Nhật Bản sẽ có thể phát động tấn công quy mô lớn đối với các căn cứ quân sự của kẻ thù. Đồng thời sẽ còn tăng cường sức mạnh cho lực lượng phòng thủ tên lửa đối phó với tình hình bán đảo Triều tiên và xây dựng "Lực Lượng Phòng vệ Hải quân" để bảo vệ các hòn đảo nhỏ cách xa lãnh thổ - như trong "Chiến tranh thế giới thứ hai".

Tàu ngầm tấn công thông thường lớp Harushio Nhật Bản.
Tàu ngầm tấn công thông thường lớp Harushio Nhật Bản.

Đối với tình hình này, Valery Kistanov, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu vấn đề Nhật Bản, Viện nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng, Nhật Bản có thể triển khai vũ khí mang tính tấn công ở bất cứ nơi nào, "đương nhiên trước tiên sẽ nhằm vào CHDCND Triều Tiên, thứ hai là Trung Quốc. Nhật Bản không ngừng tăng cường thực lực hệ thống phòng thủ tên lửa chính là để ứng phó với lực lượng hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng trưởng của Trung Quốc".

Kistanov còn cho rằng, Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp thể hiện chính sách ngoại giao cứng rắn của Nhật Bản, "nhà lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ Shinzo Abe là người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, ông cho rằng Nhật Bản luôn bị hạn chế quân sự không công bằng, điều này ngăn chặn Nhật Bản phát triển thành một lực lượng toàn cầu mạnh".

Tờ "Pravda" chỉ ra, Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự gây sự chú ý ở châu Á, Trung Quốc lập tức phản đối Nhật Bản thành lập quân đội, nhưng Mỹ thì tán thành kế hoạch mở rộng quân bị của Nhật Bản. Mỹ đứng sau ủng hộ Nhật Bản có lợi cho tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, hơn nữa từ đó có thể giành được con bài để gây sức ép với gây sức ép với Trung Quốc.

Bài báo đồng thời cho rằng, kế hoạch nêu trên của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản rất có thể liên quan đến sự phát triển của hệ thống phòng ngự Nhật Bản trong 5 năm tới. Một khi đề nghị sửa đổi Hiến pháp được phê chuẩn, quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng sẽ tiếp tục xấu đi, bởi vì một số nước châu Á (chủ yếu là Trung Quốc) đang rất cảnh giác với Nhật Bản trong lĩnh vực phòng thủ. "Tiếp theo sẽ xảy ra điều gì? Rõ ràng, Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự có thể gây lo ngại cho láng giềng, làm xuất hiện một cuộc chạy đua vũ trang mới...".

Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio Nhật Bản trở về quân cảng
Tàu ngầm thông thường lớp Oyashio Nhật Bản trở về quân cảng
Đông Bình