Quan chức Ấn Độ: "Nếu không dám ước muốn rộng lớn, sẽ chỉ làm Cu-li"

17/09/2012 08:00
Đông Bình (nguồn báo Thanh niên Trung Quốc)
(GDVN) - “Nếu không dám ước muốn rộng lớn, chúng ta sẽ chỉ làm cu-li", Ấn Độ muốn xưng hùng Ấn Độ Dương, tìm cách trở thành cường quốc quân sự thế giới.
Tên lửa PSLV của Ấn Độ mang theo 10 vệ tinh phóng vào không gian.
Tên lửa PSLV của Ấn Độ mang theo 10 vệ tinh phóng vào không gian.

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” vừa đăng bài viết của Dương Quang Quân – Đại học Quốc phòng Trung Quốc bàn về lý do Ấn Độ muốn trở thành nước lớn trong không gian vũ trụ. Sau đây là nội dung chính của bài viết:

Ngày 15/8/2012, tại buổi lễ ngày độc lập tròn 65 năm của Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Singh tuyên bố khởi động kế hoạch Sao Hỏa, theo kế hoạch này, Ấn Độ sẽ phóng phi thuyền không người lái vào tháng 9/2013. Singh cho biết, đây sẽ là một bước nhảy tiếp theo trong lịch sử phát triển khoa học công nghệ của Ấn Độ.

Ngày 9/9, Ấn Độ lại phóng thành công 2 vệ tinh. Đến lúc này, Ấn Độ đã tổng cộng phóng 100 vệ tinh. Giới chính trị, quân sự Ấn Độ cho rằng, điều này đánh dấu Ấn Độ đã có một bước đi lớn tới mục tiêu nước lớn về vũ trụ.

Thực ra, ngay từ nửa thế kỷ trước, Ấn Độ đã đề ra kế hoạch phát triển vũ trụ đầy tham vọng. Năm 1963, quả tên lửa đầu tiên của Ấn Độ phóng thành công. 17 năm sau, năm 1980, Ấn Độ sử dụng tên lửa tự chế đưa vệ tinh tự chế vào vũ trụ, đã thực hiện được nội địa hóa hoàn toàn chương trình vũ trụ.

Đến giữa và sau thập niên 1990, Ấn Độ đã có khả năng nghiên cứu phát triển vệ tinh cỡ lớn, tên lửa mạnh. Đồng thời, các chương trình như vệ tinh đồng bộ trên Trái đất, thiết bị hàng không vũ trụ có thể quay trở về, thiết bị thăm dò Mặt Trăng cũng lần lượt được tiến hành.

Ngày 9/9/2012, tên lửa đẩy của Ấn Độ đã phóng thành công 1 vệ tinh của Pháp và 1 vệ tinh của Nhật Bản, hoàn thành lần phóng thứ 100.
Ngày 9/9/2012, tên lửa đẩy của Ấn Độ đã phóng thành công 1 vệ tinh của Pháp và 1 vệ tinh của Nhật Bản, hoàn thành lần phóng thứ 100.

Là một quốc gia tràn đầy mong muốn trỗi dậy, ý đồ phát triển vũ trụ của Ấn Độ rất rõ ràng. Tầng lớp quyết sách Ấn Độ cho rằng, chương trình vũ trụ không chỉ sẽ tăng cường sức mạnh khoa học công nghệ mũi nhọn của nước này, tăng cường khả năng đánh thắng của quân đội, mà còn có thể nâng cao danh tiếng quốc gia cho Ấn Độ, mở rộng vai trò ảnh hưởng của Ấn Độ trong các vấn đề quốc tế và vai trò lãnh đạo trên sân khấu quốc tế.

Lời nói của một quan chức cấp cao Ấn Độ rất có tính đại diện là: “Từ thập niên 1960, chúng tôi đã nghe được giọng điệu này, nói Ấn Độ là nước nghèo, không cần hoặc không có khả năng thực hiện chương trình vũ trụ”.

“Nếu không dám ước muốn rộng lớn, chúng ta sẽ luôn làm cu-li, tức người khuân vác! Ấn Độ hiện nay quá lớn, không thể ở ngoài rìa của công nghệ cao”.

Quân đội Ấn Độ coi sức mạnh vũ trụ là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sức mạnh quốc gia, cho rằng một nước lớn khu vực phải là một cường quốc vũ trụ. Từng có quan chức của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ giải thích về mục tiêu của “Kế hoạch Sao Hỏa” của họ một cách hình tượng là “nói với thế nhân/người đời rằng, Ấn Độ có khả năng đi xa tới Sao Hỏa”.

Ngoài ra, để tìm kiếm địa vị của một nước lớn về quân sự của thế giới, Ấn Độ “như ngồi trên đống lửa, bàn chông” trước khả năng quân sự vũ trụ siêu mạnh của quân đội các nước Mỹ, Nga. Chính là dưới sự thúc đẩy của các đối thủ mạnh, Ấn Độ tập trung vào ước muốn “đứng chân ở Nam Á, xưng hùng Ấn Độ Dương, nỗ lực tìm cách trở thành cường quốc quân sự thế giới”, dốc sức tăng cường xây dựng toàn diện sức mạnh quân sự, đồng thời đưa phát triển sức mạnh quân sự trong vũ trụ vào chiến lược phát triển quốc gia.

Năm 2009, tên lửa đẩy PSLV-C14 của Ấn Độ phóng "Vệ tinh Hải dương-2" của Ấn Độ và 6 vệ tinh cỡ nhỏ khác của ngoài.
Năm 2009, tên lửa đẩy PSLV-C14 của Ấn Độ phóng "Vệ tinh Hải dương-2" của Ấn Độ và 6 vệ tinh cỡ nhỏ khác của ngoài.

Ấn Độ thể hiện một nghị lực quốc gia mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển chương trình vũ trụ. Chương trình vũ trụ của họ được thực hiện thông qua một loạt kế hoạch 5 năm. Ngay từ thế kỷ trước, Ấn Độ đã vạch ra kế hoạch phát triển vũ trụ 5 năm.

Hiện đã thực hiện tới kế hoạch 5 năm lần thứ 12. Trong thời gian đó, trải qua biến động của chính trường, sự phiền phức của chiến tranh, sự trừng phạt của quốc tế…, nhưng Chính phủ Ấn Độ chưa bao giờ đi sai trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm.

Hiện nay, chiến lược phát triển vũ trụ của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào 2 phương diện, một là kết hợp giữa tự nghiên cứu chế tạo và nhập khẩu có lựa chọn, tự lực cánh sinh là nền tảng, nhưng cũng kịp thời, có hiệu quả trong việc nhập khẩu công nghệ và dịch vụ để phát triển sự nghiệp hàng không vũ trụ.

Hai là không ngừng nâng cao khả năng sáng tạo công nghệ trong nước, cố gắng duy trì ưu thế công nghệ và giá thành. Thông qua nhập khẩu, hấp thu, điều chỉnh thích hợp và cải tiến, không ngừng theo đuổi hiệu ích cao và tính năng cao của sản phẩm hàng không vũ trụ.

Trong tương lai, phương hướng phát triển chủ yếu của chương trình vũ trụ Ấn Độ là chương trình vũ trụ mang theo con người và chương trình vệ tinh tái sử dụng.

Trong quá trình phát triển gần nửa thế kỷ, chiến lược vũ trụ của Ấn Độ mặc dù liên tục gặp phải trở ngại, nhưng cũng không thiếu những thành tựu đáng kể.

Đến nay, Ấn Độ đã sở hữu công nghệ nghiên cứu phát triển, chế tạo và phóng tên lửa, bước đầu có công nghệ đa đầu đạn kiểu phân tách và khả năng phát triển “1 tên lửa phóng được nhiều vệ tinh”, những năm gần đây đã liên tục hoàn thành 2 lần phóng “1 tên lửa phóng 10 vệ tinh” và “1 tên lửa phóng 7 vệ tinh”, trở thành quốc gia thứ năm đã nắm chắc công nghệ phóng “1 tên lửa phóng nhiều vệ tinh”, sau Mỹ, Nga, Cục Vũ trụ châu Âu và Trung Quốc.

Vệ tinh "gián điệp" Cartosat-2B (hình ảnh mô phỏng) của Ấn Độ phóng ngày 12/7/2010
Vệ tinh "gián điệp" Cartosat-2B (hình ảnh mô phỏng) của Ấn Độ phóng ngày 12/7/2010

Trong việc phóng, kiểm soát từ mặt đất và thu hồi vệ tinh nhân tạo, Ấn Độ cũng sở hữu công nghệ thành thạo, vệ tinh giám sát biển “Vệ tinh Hải dương 2” của họ đã trang bị các thiết bị tiên tiến như thiết bị tán xạ điện tử, có thể đi qua Ấn Độ Dương 2 ngày 1 lần, có thể nhận biết ngư trường tiềm năng, quan sát biến đổi khí hậu của khu vực Ấn Độ Dương.

Ngoài sự đột phá về công nghệ, Ấn Độ cũng đã xây dựng được một hệ thống nghiên cứu phát triển và cơ cấu quản lý hoàn chỉnh. Tổ chức Nghiên cứu Không gian của Ấn Độ là một tổ chức trực thuộc Bộ Không gian Quốc gia của Ấn Độ, những vấn đề nghiên cứu trước đây tương đối phức tạp, hiện nay chủ yếu tập trung vào nghiên cứu phát triển các vệ tinh như đo cự ly xa, khí tượng và thông tin, và nghiên cứu 2 vấn đề là khả năng phóng tên lửa và phóng vệ tinh tự chế.

Điều đáng chú ý là, năm 2007, Không quân Ấn Độ đã thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ. Sau khi thành lập Bộ Tư lệnh này, Không quân Ấn Độ đẩy nhanh xây dựng quy hoạch tương lai của hệ thống tác chiến hợp nhất giữa trên không (bầu trời, không quân) và trong không gian vũ trụ, chiến lược tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ của Ấn Độ ngày càng rõ ràng.

Tiến quân vào vũ trụ, Ấn Độ tuy có tham vọng lớn, nhưng cũng đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Trước hết là vấn đề phát triển trong nước. Là một nước lớn thoát thai từ thuộc địa chưa đến 100 năm, mộng nước lớn của Ấn Độ có liên quan tới nhiều phương diện, phát triển sự nghiệp vũ trụ chỉ là một trong số đó. Vì vậy, Ấn Độ không tiếc đầu tư vốn lớn, nhưng cũng gây ra rất nhiều tranh cãi.

Vệ tinh thông tin kiểu mới của Ấn Độ bị nổ sau khi phóng lên.
Vệ tinh thông tin kiểu mới của Ấn Độ bị nổ sau khi phóng lên.

Như chương trình thám hiểm Sao Hỏa, Ấn Độ đã chuyển khoản 41 triệu USD, tổng chi phí cho nhiệm vụ dự kiến 82 triệu USD, kế hoạch này được tuyên bố đúng vào ngày Độc lập, nhưng do các nguyên nhân như mất điện lớn, bang Assam hỗn loạn, kinh tế ốm yếu, chương trình thám hiểm Sao Hỏa hầu như rất khó làm phấn chấn đối với người Ấn Độ.

Đối với vấn đề này, một số phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, Ấn Độ rất tiên tiến trên một số lĩnh vực, nhưng Ấn Độ cũng có một số khu vực rất nghèo.

Nhà kinh tế Anh Andrew cho rằng, Ấn Độ không có khả năng cung cấp điện cho một nửa dân số, lại đi xem xét thám hiểm Sao Hỏa, điều này phản ánh rõ tham vọng siêu cường của họ đã tách khỏi hiện thực “về cơ bản thuộc thế giới thứ ba”.

Nhân sĩ bảo vệ môi trường Ấn Độ Shiwa cũng cho rằng: “Khoản tiền này có thể dùng vào chỗ khác. Bạn cần bảo đảm không có trẻ em bị đói, bảo đảm kinh tế phát triển liên tục”.

Đương nhiên, cũng có ý kiến tán thành. Hãng Reuters cho rằng, công nghệ có thể đem lại thu nhập, Ấn Độ cải thiện hạ tầng cơ sở có thể cần thời gian 5 năm, 1.000 tỷ USD, cho nên nhiệm vụ Sao Hỏa 82 triệu USD sẽ không ảnh hưởng tới sự phát triển của Ấn Độ.

Trên thực tế, tất cả tài nguyên/nguồn lực đều có chi phí cơ hội, một số tài nguyên nếu dùng cho một lĩnh vực, sẽ không thể dùng cho lĩnh vực khác. Ngoài việc tìm cách có được một địa vị siêu cường, rất khó xác định Ấn Độ có thể đạt được lợi ích gì trong nhiệm vụ Sao Hỏa.

Ngoài ra, chương trình phát triển không gian của Ấn Độ do có “mùi thuốc súng” quá nồng, cũng đã gây ra sự cảnh giác của 2 cường quốc vũ trụ lớn là Mỹ, Nga. Đồng thời, điều này cũng thúc đẩy “chủ nghĩa dân tộc công nghệ” Ấn Độ tiếp tục phát triển.

Dòng tên lửa đẩy Ấn Độ.
Dòng tên lửa đẩy Ấn Độ.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Thanh niên Trung Quốc)