Quan chức Mỹ đề nghị tăng tên lửa tầm xa đối phó Trung Quốc

24/11/2014 12:44
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc đang tìm cách ngăn chặn Quân đội Mỹ can dự khu vực, dùng các thủ đoạn quân sự để thúc đẩy hình thành cục diện an ninh-chính trị mới có lợi cho họ.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-31 Trung Quốc

Mạng VOA Mỹ ngày 18 tháng 11 đưa tin, một cựu trợ lý đặc biệt của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết, năng lực tác chiến kiểm soát biển được hưởng nhiều năm của Hải quân đang bị thách thức mạnh mẽ bởi Trung Quốc. Ông đề nghị, hạm đội mặt nước hải quân rút ngắn bán kính tác chiến phòng thủ, mở rộng khoảng cách tác chiến tấn công để ổn định sức chiến đấu kiểm soát biển vững chắc.

Theo bài báo, nhiều năm qua, Trung Quốc thúc đẩy hiện đại hóa quân sự, ý đồ được phổ biến cho là để ngăn chặn Quân đội Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai, dùng các thủ đoạn quân sự thúc đẩy hình thành cục diện an ninh và chính trị mới có lợi cho Trung Quốc.

Trợ lý đặc biệt Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ rời khỏi nhiệm sở năm 2013, ông Brian Clark ngày 17 tháng 11 nói, các loại vũ khí trang bị mà Trung Quốc đang mua thêm tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Quân đội Mỹ. Theo ông: “Trung Quốc có năng lực ngăn chặn khu vực với vũ khí đầy đủ nhất, bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo chống hạm, tàu ngầm, máy bay, điều này thực sự tạo ra mối đe dọa theo sát đối với rất nhiều năng lực tác chiến của Quân đội Mỹ”.

Mấy chục năm qua, Hải quân Mỹ luôn có năng lực kiểm soát biển độc nhất vô nhị, nhưng Brian Clark cho rằng, do chi phí tên lửa phòng thủ tầm xa sử dụng hiện nay đắt đỏ, số lượng có hạn, với kinh phí có hạn, trong tương lai, năng lực phòng thủ ngoài bán kính 100 hải lý của Quân đội Mỹ có thể khó mà ngăn chặn được tên lửa tầm xa với số lượng ngày càng nhiều của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo Cự Lang-2 của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo Cự Lang-2 của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc

Brian Clark nói: "Nếu như bạn phải đối mặt với một quốc gia như Trung Quốc, máy bay ném bom của họ có thể bay tới ngoài 1.000 - 1.500 hải lý, sau đó bắn tên lửa hành trình với tầm bắn có thể đạt vài trăm hải lý; theo đó, cho dù phía ta (Mỹ) cách rất xa, vẫn sẽ đối mặt với mối đe dọa của tên lửa hành trình bắn từ máy bay ném bom với số lượng khổng lồ".

Để bảo vệ tàu sân bay trị giá trên chục tỷ USD không bị tấn công và bảo vệ sức chiến đấu kiểm soát biển của Quân đội Mỹ, nhà nghiên cứu cao cấp Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Washington Brian Clark đã đưa ra một bản báo cáo, đề nghị, hạm đội mặt nước Quân đội Mỹ thực hiện tư tưởng mới về tác chiến trên biển, trong đó làm nổi bật năng lực tấn công, bao gồm trang bị ống bắn thẳng đứng cho tàu tuần dương và tàu khu trục dùng để lắp tên lửa phòng không tầm xa, cải tiến tàu chiến mặt nước săn ngầm và chống hạm tầm xa, và vũ khí tấn công đối không; mặt khác, ông đề nghị giảm kích cỡ và trọng lượng đầu đạn để tăng cường số lượng tên lửa tấn công tầm xa.

Trên phương diện phòng thủ, Brian Clark đề nghị rút ngắn bán kính phòng thủ còn 30 hải lý, nhưng lấy hỏa lực truyền thống tập trung hơn và chi phí rẻ hơn cùng với vũ khí laser mới và pháo siêu điện từ để tiêu diệt vũ khí địch tấn công ở cự ly gần.

Brian Clark nói, các tướng lĩnh cấp cao hải quân bày tỏ quan tâm tới khái niệm mới này, nhưng thừa nhận, muốn phía quân đội chấp nhận một khái niệm tác chiến mới hoàn toàn không dễ dàng.

Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc
Máy bay ném bom H-6K Trung Quốc

Tuy nhiên, khi tuyên bố thực hiện kế hoạch đổi mới quốc phòng quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ngày 15 tháng 11 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ sẵn sàng xem xét tư tưởng tác chiến mới. Ông nói: "Kế hoạch đổi mới quốc phòng này sẽ nghiên cứu và phát triển khái niệm tác chiến mới, bao gồm tư tưởng tác chiến mới và cách thức để nguồn lực của chúng tôi đạt được cân bằng giữa trang bị tác chiến và lắp đạn dược".

Ông Chuck Hagel phát biểu, Nga và Trung Quốc luôn đầu tư rất nhiều nguồn lực cho hiện đại hóa quân sự để làm suy yếu ưu thế công nghệ của Quân đội Mỹ. Ông nói, nếu Quân đội Mỹ yếu đi hoặc mất đi năng lực điều động lực lượng quân sự, thế giới sẽ trở nên nguy hiểm hơn và bất ổn hơn.

Trước đó, đài phát thanh VOA Mỹ ngày 14 tháng 10 cũng cho biết, báo cáo sắp được một ủy ban Quốc hội Mỹ công bố chỉ ra, tăng trưởng sức mạnh quân sự vài chục năm của Trung Quốc đang làm cho cân bằng sức mạnh châu Á phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc, đã làm gia tăng rủi ro xảy ra xung đột.

Bản dự thảo báo cáo hàng năm về Trung Quốc của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung, Quốc hội Mỹ chỉ ra, Trung Quốc ra sức phát triển sức mạnh hải, không quân, tăng mạnh sức mạnh tên lửa, đồng thời áp dụng tư thế thù địch hơn đối với Mỹ và các đồng minh châu Á, đã làm gia tăng khả năng "phán đoán nhầm an ninh" ở khu vực này.

Beale Goetz của trang mạng "Washington Free Beacon" cho rằng, báo cáo này đã mô tả một bức tranh gây cảnh giác về "tính xâm lược" ngày càng tăng của Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc coi Mỹ là đối thủ chủ yếu, mặc dù hai nước có quan hệ thương mại và tài chính chặt chẽ.

Dự thảo báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung cho rằng, cùng với sự phát triển sức mạnh của Hải quân Trung Quốc, sức mạnh của Hải quân Mỹ giảm xuống, trong tương lai Mỹ sẽ khó duy trì ưu thế hải quân hiện nay.

Bản dự thảo báo cáo nói: "Điều này liên quan đến lợi ích căn bản của Mỹ. Trung Quốc với tính chất là lực lượng quân sự chủ yếu ở châu Á trỗi dậy tạo ra thách thức đối với ưu thế tuyệt đối trên biển, trên không vài chục năm của Mỹ ở khu vực này".

Báo cáo chính thức của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung sẽ công bố trong tháng 11, nhân viên Ủy ban cho rằng, nội dung của phiên bản cuối cùng có thể sẽ có một số sửa đổi.

Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung thành lập vào năm 2000, tôn chỉ của nó là bàn về quan hệ thương mại và an ninh Mỹ-Trung.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Hải quân Trung Quốc
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 Hải quân Trung Quốc
Việt Dũng