Quân đội Mỹ đến Philippines chuẩn bị tập trận chung rầm rộ

13/04/2012 13:07
Theo Infonet
Quân đội Mỹ đã có mặt tại Philippines để chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên trong đó có cả tập trận trên Biển Đông.
Quân đội Mỹ đã có mặt tại Philippines để chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên trong đó có cả tập trận trên Biển Đông. Dự kiến cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 16/4-27/4 với sự tham gia của gần 8.000 binh sĩ mỗi nước. Dự kiến cuộc tập trận này sẽ diễn ra tại 3 địa điểm trong đó có Palawan, một cụm đảo dài gần 600km tại khu vực Biển Đông nơi đang diễn ra căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Phát ngôn viên quân đội Philippines Thiếu tá Emmanuel Garcia cho hay cuộc tập trận sẽ chỉ giới hạn trong những khu vực thuộc chủ quyền của Philippines.
Mỹ và Philippines sắp tập trận chung trong lúc căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng về chủ quyền lãnh hải.
Mỹ và Philippines sắp tập trận chung trong lúc căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc gia tăng về chủ quyền lãnh hải.
“Các cuộc tập trận sẽ tiến hành gần bờ biển của cụm đảo Palawan. Chúng tôi sẽ không bao giờ tiến hành tập trận trên những vùng lãnh hải còn đang tranh chấp hoặc không thuộc chủ quyền của chúng tôi. Chắc chắn mọi cuộc tập trận sẽ được tiến hành trên lãnh hải của Philippines”, ông Garcia nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông. Điều đó đã đẩy Trung Quốc vào cuộc tranh chấp với các nước quanh vùng biển giàu hải sản và đầy tiềm năng về dầu khí.  Trung Quốc cũng đã cáo buộc Hoa Kỳ đã khuyến khích các quốc gia tranh giành chủ quyền với Trung Quốc bằng cách tiến hành tập trận chung. Trong quá khứ, rất nhiều lần Philippines cáo buộc tàu của Trung Quốc xâm phạm vào khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines theo luật quốc tế. Còn Trung Quốc thì nhiều lần khẳng định mình có quyền hợp pháp trên vùng lãnh hải đó. Theo chuyên gia về an ninh Đông Nam Á, Carl Thayer của Đại học New South Wales, cuộc tập trận năm nay không chỉ có ý nghĩa là thông lệ. Ông cho rằng tất nhiên các cuộc tập trận sẽ không diễn ra tại vùng lãnh hải đang bị tranh chấp. “Nhưng các cuộc tập trận gửi đến một thông điệp rõ ràng rằng Philippines đang tăng cường sức mạnh quân sự, và Hoa Kỳ sẵn sàng ủng hộ Philippines và ngăn cản Trung Quốc” ông Thayer phân tích, “Trong quá khứ quân đội Philippines là một kiểu quân đội “dễ xơi”. Đến nay lực lượng quân đội này vẫn còn yếu ớt nhưng sẽ tăng cường sức mạnh và cách hành xử của Trung Quốc đang đẩy chính quyền Aquino đến việc yêu cầu sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực này với quy mô lớn và thường xuyên hơn”. Tháng trước, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino tuyên bố nước này luôn chào đón quân đội Hoa Kỳ dừng chân thường xuyên hơn. Thông điệp này của Philippines được đưa ra trong lúc Hoa Kỳ chuyển chiến lược quốc phòng sang khu vực châu Á. Rommel Banlaoi, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Hòa bình, khủng bố và bạo lực Philippines, cho rằng Hoa Kỳ cũng có lợi nhờ mối quan hệ đối tác này. “Philippines là một quốc gia dân chủ, và có một đồng minh dân chủ ở châu Á là điều có lợi cho Hoa Kỳ. Thứ hai, khi có quan hệ tối với Philippines, Hoa Kỳ sẽ có thể tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á”, ông Banlaoi nói.Ngoài việc tiến hành tập trận chung, Hoa Kỳ còn giúp Philippines về mặt khí tài. Hồi tháng Tám năm ngoái, Manila đã nhận được tàu BRP Gregorio Del Pilar và dự kiến sẽ nhận thêm một tàu nữa trong năm nay. Philippines cũng nhận được lời hứa giúp đỡ của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton và các thượng nghị sĩ Mỹ khi đến thăm nước này hồi đầu năm nay. “Những cam kết này cho thấy Hoa Kỳ chắc chắn sẽ giúp Philippines về quốc phòng nếu họ có xung đột với Trung Quốc về vấn đề lãnh hải”, Patrick Cronin, giám đốc chương trình an ninh châu Á Thái Bình Dương tại Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới, nhận xét. “Và mặc dù cam kết liên minh Philippines-Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Kỳ sẽ đến giúp bảo vệ Philippines nói chung, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ theo dõi tất cả các khu vực tranh chấp, đặc biệt là về lãnh hải”, ông Cronin nói thêm. Ông Cronin nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn khẳng định nước này sẽ giữ quan điểm trung lập về các tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.
Theo Infonet