Quân đội Mỹ-Nga gầm gừ nhau ở chiến trường mới Bắc Cực

16/02/2015 05:51
Đông Bình
(GDVN) - Nga tận dụng "địa lợi" tăng cường hiện diện quân sự như tuần tra, diễn tập khu vực Bắc Cực, trong khi Mỹ chủ yếu sẽ dùng tàu ngầm tuần tra...
Quân đội Nga tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Bắc Cực (ảnh tư liệu)
Quân đội Nga tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Bắc Cực (ảnh tư liệu)

Tờ "Rossiyskaya Gazeta" Nga ngày 11 tháng 2 đăng bài viết "Lực lượng Bắc Cực bước vào bãi thử nghiệm mới" cho biết, binh sĩ lực lượng Bắc Cực của Nga đã mang theo vũ khí trang bị đến bãi thử nghiệm phía bắc, họ sẽ hoàn thành diễn tập bắn đạn thật trong giá lạnh, đồng thời kiểm nghiệm sức chiến đấu và tính năng chống lạnh của pháo tự hành Gvozdika và Akatsiya, xe tăng T-72B3 và xe chở quân bọc thép BTR-80.

Bộ tư lệnh Hạm đội Phương Bắc Nga đã triệu tập tổng cộng 2.000 binh sĩ của lữ đoàn bộ binh cơ giới, lực lượng thủy quân lục chiến và lữ đoàn pháo binh tên lửa, trong đó có lữ đoàn bộ binh cơ giới 80 được thành lập ở Alakurtti, bang Murmansk cách đây không lâu. Những lực lượng trên sẽ gia nhập Bộ tư lệnh chiến lược Hạm đội Phương Bắc mới.

Cuối năm 2014 Bộ Quốc phòng Nga đã hoàn thành triển khai quân đội ở đảo Alexander thuộc quần đảo Franz Josef Land. Ngoài ra, Bộ tổng tham mưu đã ra sức tăng cường binh lực duyên hải và lực lượng phòng không cho Bộ tư lệnh chiến lược Hạm đội Phương Bắc. Bước tiếp theo sẽ phát triển hạ tầng cơ sở quân sự trên đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk.

Mấy tháng trước, lực lượng Bắc Cực đã tổ chức diễn tập ở cực địa, tiến hành tác chiến với cụm chiến đấu tàu chiến và máy bay "địch" (quân xanh), đã kiểm nghiệm trang bị tác chiến hiện đại, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không.

Trang mạng thời báo Quân đội Mỹ ngày 11 tháng 2 đăng bài viết "Cùng với băng tuyết tan rã, Hải quân làm chuẩn bị cho hành động Bắc Cực" cho biết, người phát ngôn Bộ chỉ huy hải đồ Hải quân Mỹ Robert Freeman cho biết, Hải quân Mỹ dự tính đến năm 2030 sẽ có đầy đủ nhân viên và trang bị được huấn luyện tốt để ứng phó với các sự kiện bất ngờ và tình huống khẩn cấp ở Bắc Cực; trong khi đó, sau năm 2030, Hải quân Mỹ "sẽ có thể hành động thận trọng ở khu vực Bắc Cực".

Quân đội Nga diễn tập bắn đạn thật ở Bắc Cực (ảnh tư liệu)
Quân đội Nga diễn tập bắn đạn thật ở Bắc Cực (ảnh tư liệu)

Băng tan ở Bắc Cực không ngừng làm gia tăng mối quan tâm về kinh tế và chiến lược của các nước, khu vực này đang trở thành một trận địa tuyến đầu khác, trong khi đó Nga ngày càng "hùng hổ" ở đây.

Tư lệnh Bộ tư lệnh Phương Bắc Mỹ và Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ, Đô đốc Bill Gortney ngày 10 tháng 2 cho biết, số lượt bay trên bầu trời Bắc Cực của Nga đã tăng nhiều, bao gồm trên bầu trời eo biển Bering.

Bill Gortney cho hay, trong hoạt động này, Nga đã điều động máy bay ném bom tầm xa Tu-95H, xem ra họ muốn truyền đi một thông điệp.

"Vấn đề là, họ đang làm gì và tại sao làm như vậy" - Bill Gortney đã phát biểu tại hội chợ và hội nghị của Hiệp hội thiết bị điện tử và thông tin lực lượng vũ trang San Diego.

Lớp băng ở Bắc Cực đang nhanh chóng mỏng đi. Nhà khoa học hàng đầu Craig Lee của chương trình nghiên cứu vùng băng tuyết do Cơ quan nghiên cứu Hải quân Mỹ tài trợ cho biết, từ năm 1990 đến nay, độ dày lớp băng giảm 40%. Những thay đổi này có nghĩa là, đến giữa thập niên 20 của thế kỷ này, tuyến đường hàng hải chủ yếu sẽ có thể tiếp tục đi lại vào mấy tháng mùa hè. Vùng nước mở ra bắt đầu từ tháng 8, đến tháng 9 đạt tới đỉnh, vào tháng 11 lại bị đóng băng. Điều này có thể đem tới đội tàu vận tải container, đội tàu ngư dân và tuần tra quân sự hoạt động ở Bắc Cực.

Quân đội Nga diễn tập bắn đạn thật ở Bắc Cực (ảnh tư liệu)
Quân đội Nga diễn tập bắn đạn thật ở Bắc Cực (ảnh tư liệu)

Hiện nay, Mỹ sẽ tiến hành tuần tra tàu ngầm thường lệ tại khu vực này, nhưng hoạt động trên không rất ít và cơ bản không có sự hiện diện của tàu chiến mặt nước.

Theo Robert Freeman, Quân đội Mỹ đang phán đoán nhu cầu tương lai, cấp phát tài chính và thông qua diễn tập để có được kinh nghiệm. Hành động mặt nước sẽ tăng lên trong vài năm tới, nhưng tiến hành một số thay đổi theo nhu cầu hiện diện quân sự lâu dài, bởi vì ở đó có diện tích rộng, môi trường khắc nghiệt, hơn nữa hầu như không có hạ tầng cơ sở.

Đông Bình