Santimetr– M thoát khỏi cảnh bị lãng quên

02/12/2012 17:18
Theo báo Đất Việt
BQP Nga lập kế hoạch tiến hành thử nghiệm quốc gia và mua đạn pháo 152mm có hiệu chỉnh Santimetr–M do NTK Ametekh nghiên cứu chế tạo vào năm 2013.
Đạn pháo này được dùng cho lựu pháo tự hành Akatsiya (Cây xiêm gai) và Msta.
Nguồn tin ở bộ Quốc phòng nói: “Đạn pháo có hiệu chỉnh có nhiều ưu điểm so với tên lửa: chúng rẻ hơn, kích thước và tổng khối lượng nhỏ hơn”.
Santimetr–M – một trong số không nhiều sản phẩm của công nghiệp quốc phòng Nga được giới quân sự Mỹ hết sức quan tâm. Dự án nghiên cứu này đã được bắt đầu từ thời Liên Xô. Năm 1985, Quân đội Liên Xô lần đầu tiên đã sử dụng đạn pháo dẫn đường bằng laser đánh lại các chiến binh Mujahedin ở Afganistan. 
Năm 1994 Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ vũ khí của quân đội Hoa Kỳ ARDEC đã đàm phán với ZAO (công ty cổ phần đóng– không niêm yết trên sàn chứng khoán) NTK Ametekh để cùng nghiên cứu đối với đạn pháo 155 mm cho lựu pháo M–109 của Mỹ trên cơ sở Santimetr.
 
ARDEC đã dành 215 triệu USD để hoàn thiện đạn pháo và trình diễn trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng ngay trong năm đó, Hội đồng an ninh và Bộ Quốc phòng Nga đã phong toả vụ làm ăn này và công bố kế hoạch mua Santimetr–M cho Quân đội Nga. 
Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, không một đồng rúp nào được chi cho công việc nghiên cứu, thiết kế và mua sản phẩm, Ametekh giải thích với Izvestia.
Theo nguồn tin, sự quan tâm của người Mỹ là do vào lúc đó họ mới chỉ có một loại đạn pháo có hiệu chỉnh M712 Copper Head (loại tương tự với Krasnopol của Nga). Thực chất, đây là các tên lửa với động cơ phản lực, con quay ổn định và các cánh lái.
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Chúng được điều khiển bằng laser và duy trì trong suốt đường bay của đạn khoảng 5–7 phút. Do phải lắp nhiều linh kiện điện tử và nhiên liệu nên sức công phá của đạn pháo loại này bị giảm đi (khối lượng đầu đạn nhỏ hơn 1,5–2 lần so với đạn phá nổ thông thường cùng cỡ).

Đồng thời, giá của một viên đạn Copper Head gần 50.000 USD tính theo mặt bằng giá những năm 1980 (đến năm 1991 quân đội Hoa Kỳ đã từ chối loại đạn này).
Santimetr–M lại là chuyện khác. Do có được các giải pháp đơn giản hơn như không dùng con quay, động cơ nhẹ hơn và lượng nhiên liệu ít hơn nên khối lượng đầu đạn đạt như đối với đạn pháo phá nổ thông thường cùng cỡ.
Hơn nữa, trong giai đoạn phát triển đầu tiên Santimetr–M bay đến mục tiêu theo quỹ đạo đường đạn như đạn pháo thông thường và chỉ được hiệu chỉnh ở đoạn cuối cùng khi rơi vào đích.

Theo tin của nguồn trong tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, cho đến nay, người Mỹ vẫn muốn mua công nghệ đạn có hiệu chỉnh và thậm chí đã đặt tên chính thức cho nó: Russian Conception Impulse Correction (RCIC – Phương pháp hiệu chỉnh xung của Nga). 
Đến nay, khi bộ Quốc phòng Nga nhớ đến công trình nghiên cứu tiên tiến này, hy vọng đạt được mục đích của người Mỹ đã giảm đi. 
Tổng biên tập tạp chí Arsenal, ông Victor Murakhovski tán thành kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga về hồi sinh vũ khí chính xác cao cho lục quân. Ông Murakhovski  tuyên bố, đây là hướng ưu tiên phát triển các hệ thống vũ khí Nga.
Chuyên gia này cho rằng: “Trên một số lĩnh vực, Nga giữ vị trí tiên tiến, thậm chí là dẫn đầu. Hiện các lựu pháo tự hành mới và các hệ thống pháo phản lực bắn loạt được đưa vào trang bị, nhưng chúng chưa có đạn chính xác cao. Mua Santimetr–M là việc cần làm đối với pháo binh của chúng ta”.

Đạn pháo có hiệu chỉnh Santimetr–M được dùng để tiêu diệt xe tăng, pháo binh, các điểm thông tin liên lạc và chỉ huy, công sự bê tông cốt thép, cầu ở cự ly từ 500m-20km.

Với chiều dài đạn 86 cm, phần phá nổ của nó nặng 41kg. Có thể bắn đạn pháo Santimetr–M không chỉ bằng lựu pháo tự hành 2S3 Akatsiya và 2S19 Msta, mà cả bằng pháo xe kéo 2A65 (2А65), D–20 và ML– 20.
Theo báo Đất Việt