Siêu tiêm kích Sukhoi-T-50 PAK FA: Giã từ cuộc đua tại Hàn Quốc

30/01/2012 13:37
Trịnh Tuân (Theo militaryparitet)
(GDVN) - Không một hãng sản xuất máy bay nào của Nga sẽ tham gia vào dự án cung cấp các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc

Phát ngôn viên cơ quan Quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho hay, không một hãng sản xuất máy bay nào của Nga sẽ tham gia vào dự án cung cấp các máy bay chiến đấu tiên tiến nhất với khả năng tàng hình của Hàn Quốc.

Vào tháng 7 năm ngoái, Sukhoi-T-50 PAK FA là một trong bốn ứng cử viên đã bày tỏ sự quan tâm đến gói thầu cung cấp máy bay chiến đấu trị giá 7,3 tỷ đôla của Hàn Quốc, cùng với Boeing, Lockheed Martin và Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Quốc phòng Châu Âu (EADS - European Aeronautic Defense and Space).

"Các công ty của Nga đã không nộp đơn đăng ký tham gia chương trình tại phiên họp thuyết minh - một điều kiện tiên quyết để tham gia chương trình trong thời hạn đăng ký – vào thứ Sáu", Phát ngôn viên DAPA cho hay.

Sukhoi-T-50 PAK FA
Sukhoi-T-50 PAK FA

Ông lưu ý rằng, sau sự ra đi của Sukhoi - T-50 PAK FA, chiến đấu cơ đa nhiệm Gripen của công ty Thụy Điển Saab sẽ gia nhập vào cuộc đua cung với cùng Boeing, Lockheed Martin và EADS. Đây là một sự bổ sung cần thiết trong danh sách những ứng cử viên nặng ký tham gia chương trình này.

Tuy nhiên, "Còn quá sớm để nói về khả năng chiến thắng trong cuộc đua của Saab hay công ty châu Âu – những công ty đã tham gia trong phiên họp thuyết minh", một quan chức cấp cao của DAPA cho biết. "Gripen chưa hẳn đã đáp ứng hết được các yêu cầu của Không quân.", ông nói.

Gripen
Gripen

DAPA cho hay, chỉ những công ty nào tham gia phiên họp thuyết minh kế hoạch cho ngày Chủ nhật (29/11) mới đủ điều kiện để đấu thầu FX-III, giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng của chương trình mua sắm máy bay chiến đấu trị giá nhiều tỷ đô la của Hàn Quốc.

Cơ quan Quản lý Chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng yêu cầu của chương trình FX-III sẽ chỉ được phổ biến cho những công ty tham dự phiên họp thuyết minh.

Đại diện Cơ quan Thương mại của Nga tại Hàn Quốc xác nhận Sukhoi đã rút khỏi cuộc đua, và rằng công ty sản xuất máy bay đã không tìm được sự đồng thuận của Moscow để thúc đẩy công ty tham gia gói thầu cung cấp máy bay chiến đấu của xứ sở kimchi.

"Chính phủ Nga và cơ quan thương mại cho đến nay chưa nhận được bất cứ lời đề nghị nào từ phía các công ty hàng không Nga", Đại diện bán hàng cao cấp của Nga cho hay.

Sukhoi đã từ bỏ FX-I, giai đoạn đầu của chương trình mua sắm máy bay chiến đấu tiên tiến của Hàn Quốc trong những năm 2000, chủ yếu là do những lo ngại về tính tương thích của máy bay chiến đấu Su-35 với những máy bay chiến đấu của Mỹ, hiện đang được trang bị trong lực lượng không quân nước này.

Công ty máy bay Nga không có bất kỳ một lời giải thích chính thức nào về việc từ bỏ dự án FX-III – dự án cung cấp 60 máy bay chiến đấu hiện đại nhất với khả năng tàng hình cho Hàn Quốc vào tháng 10 năm nay.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Saab Shin Myung-ho lập luận rằng công ty Thụy Điển cho đến nay vẫn chưa quyết định về việc làm thế nào để cạnh tranh với hai gã khổng lồ của Mỹ và tập đoàn quốc phòng châu Âu.

"Theo như tôi biết, Saab sẽ bàn bạc về việc tham gia FX-III sau khi nhận được lời đề nghị chất vấn," ông nói. "Sẽ mất một thời gian trước khi Saab thực hiện bất kỳ một báo cáo chính thức nào về các bước tiếp theo trong việc tham gia gói thầu tại Hàn Quốc."

Được biết, Hàn Quốc đã mua 60 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-15 của Boeing trong hai giai đoạn đầu tiên của chương trình hiện đại hoá máy bay chiến đấu trong các năm 2002 vào 2008.

Hiện tại, Seoul đang có kế hoạch thu nhận những đề xuất khi tham gia chương trình từ 4 ứng cử của FX-III đến ngày 18 tháng 6 và tiến hành những thử nghiệm, đánh giá đến tháng 9, trước khi chọn ra người chiến thắng trong tháng 10 năm nay.

Trước khi có kế hoạch này, Seoul đã loại bỏ hai trong số những yêu cầu bắt buộc trong các tiêu chí ban đầu của chương trình FX-III trong một nỗ lực cho phép nhiều công ty tham gia vào hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất xứ sở kimchi.

Trịnh Tuân (Theo militaryparitet)