Singapore mua 2 tàu ngầm Đức đối phó tàu sân bay của Trung Quốc

10/12/2013 09:31
Việt Dũng
(GDVN) - Nói ngắn gọn: Ai đã khống chế được tuyến đường thương mại thì có thể "ra lệnh, chỉ huy" đối với các nước láng giềng. Kinh tế thịnh vượng có liên quan chặt chẽ đến việc có được tự do đi ra đại dương hay không. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với Trung Quốc, mà còn đối với cả Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore.
Cấu tạo tàu ngầm Type 216 của Đức (ảnh minh họa)
Cấu tạo tàu ngầm Type 216 của Đức (ảnh minh họa)

Trang mạng đài truyền hình N-TV Đức ngày 7 tháng 12 đưa tin, người phát ngôn Công ty ThyssenKrupp xác nhận, công ty này đã nhận được đơn đặt hàng chế tạo 2 tàu ngầm từ Singapore, công tác chế tạo sẽ hoàn thành ở nhà máy đóng tàu Howaldtswerke-Deutsche Werft (HDW) ở Kiel, Đức.

Báo Đức cho biết, khoản giao dịch này đã xác nhận sự chuyển đổi chiến lược do Tổng giám đốc công ty Heinrich Hitzinger cam kết từ mấy tháng qua. Sau khi đầu tư của Mỹ và Brazil bị thất bại nghiêm trọng, ông muốn tập đoàn tập trung hơn vào "kinh doanh công nghệ". Trong khi đó, chế tạo tàu quân dụng rõ ràng thuộc phạm trù này.

Lĩnh vực này không chỉ có thể thu hút vốn lớn, mà còn, trong trường hợp tốt nhất, có thể xây dựng quan hệ lâu dài tới vài chục năm với khách hàng. Vấn đề chỉ có một điểm, đó là khoản giao dịch này xảy ra trong thời điểm tình hình châu Á ngày càng căng thẳng.

Công ty ThyssenKrupp không hề tiết lộ giá cả mua 2 tàu ngầm này. Nhưng, chuyên gia trong ngành dự đoán, kim ngạch hợp đồng khoảng 1 tỷ Euro. Singapore sẽ nhận được 2 tàu ngầm Type 218SG mới. Truyền thông châu Á cho biết, ngoài chế tạo tàu ngầm, nội dung hợp đồng còn bao gồm "kế hoạch chi viện hậu cần cả gói" toàn diện và Đức đào tạo thủy thủ.

Tàu ngầm lớp Archer của Hải quân Singapore
Tàu ngầm lớp Archer của Hải quân Singapore

Theo bài báo, đối với hải quân một nước nhỏ ở cực nam bán đảo Mã Lai, vụ mua bán vũ khí này thực sự là chưa từng có: Hải quân Singapore (gần 5.000 binh sĩ) sẽ lần đầu tiên trang bị tàu ngầm mới. Đến nay, hạm đội tàu ngầm này có 2 tàu ngầm lớp Archer và 4 tàu ngầm lớp Challenger - đều là tàu ngầm Thuỵ Điển lạc hậu, điểm mạnh của chúng là hoạt động ở vùng biển nông ven bờ.

Tình hình mối đe dọa mới rõ ràng đã khác. Dựa vào tàu ngầm Type 218SG hoàn toàn mới, Singapore trong tương lai cũng có thể mạnh dạn vươn ra đại dương.

Chuyên gia cho rằng, tàu ngầm Type 218SG hiện nay có tính năng ưu việt nhất và tiếng ồn nhỏ nhất trong những tàu ngầm cùng loại trên thế giới, lắp "thiết bị đẩy không lệ thuộc vào không khí" (AIP). Thiết bị đẩy pin ắc quy làm cho kết cấu tàu ngầm có thể thiết kế tương đối gọn nhẹ.

Singapore vì sao lại quan tâm đến tàu ngầm Đức? Tàu ngầm Type 218SG có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chẳng hạn bí mật theo dõi tàu thuyền đi lại ở tuyến đường thương mại nhộn nhịp.

Nó còn có thể đưa lực lượng đặc nhiệm đến duyên hải nước thù địch hoặc chống lại tàu chiến cỡ lớn của địch. Nói ngắn gọn, loại tàu ngầm này hầu như có thể phòng thủ chính xác lực lượng tấn công quân sự của địch ở bất cứ điểm nào trên bản đồ hàng hải.

Tàu ngầm lớp Challenger của Hải quân Singapore (ảnh minh họa)
Tàu ngầm lớp Challenger của Hải quân Singapore (ảnh minh họa)

Bài báo cho rằng, Trung Quốc sử dụng tàu sân bay để khoe khoang sức mạnh, điều này cho thấy: Đối với Trung Quốc, tình hình căng thẳng của đảo không người ở trên biển Hoa Đông về bản chất có liên quan đến trật tự mới của cấu trúc quyền lực toàn bộ khu vực Thái Bình Dương - quyền chủ đạo trên đại dương.

Nói ngắn gọn: Ai đã khống chế được tuyến đường thương mại thì có thể "ra lệnh, chỉ huy" đối với các nước láng giềng. Kinh tế thịnh vượng có liên quan chặt chẽ đến việc có được tự do đi ra đại dương hay không. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với Trung Quốc, mà còn đối với cả Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Singapore.

Vì vậy, nhu cầu tàu thuyền của châu Á có khả năng thực sự sẽ cải thiện triển vọng kinh doanh của toàn bộ công nghiệp quân sự Đức trong 10 năm tới - theo đó cũng tăng cường kinh tế biển của Đức.
Tàu ngầm động cơ AIP Type U212A của Hải quân Đức (ảnh minh họa)
Tàu ngầm động cơ AIP Type U212A của Hải quân Đức (ảnh minh họa)
Việt Dũng