TQ, Pakistan không được tham gia triển lãm quốc phòng ở Ấn Độ

09/02/2014 08:05
Việt Dũng
(GDVN) - Ấn Độ tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế, mời Mỹ, Nga... tham gia, nhưng không mời Trung Quốc, Pakistan, cấm một loạt công ty tham gia.
Súng trường do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo - gọi là hệ thống vũ khí cá nhân MCIWS.
Súng trường do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo - gọi là hệ thống vũ khí cá nhân MCIWS.

Nhiều ông trùm công nghiệp quân sự tham gia

Tờ “Quốc tế trực tuyến” Trung Quốc ngày 7 tháng 2 có bài viết cho hay, Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ năm 2014 đã được khai mạc tại New Delhi vào ngày 6 tháng 2 năm 2014.

Triển lãm lần này đã thu hút rất nhiều nhà chế tạo vũ khí quốc tế nổi tiếng tham gia, đồng thời trang bị quân sự do Ấn Độ tự sản xuất cũng đã gây chú ý rất nhiều.

Bài viết khẳng định lại rằng, tại triển lãm lần này có trên 600 doanh nghiệp công nghiệp quân sự của 30 nước tham gia, trong đó có các ông trùm công nghiệp quân sự quốc tế như Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga (Rosoboronexport), Công ty Lockheed Martin Mỹ, Tập đoàn Dassault Pháp.

Trọng điểm của triển lãm năm nay là thể hiện khả năng chế tạo trang bị quốc phòng. Các nước trưng bày sự tiên tiến của hệ thống công nghệ cao, khẳng định thực lực quốc phòng.

Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga cho biết, không những cần tiếp tục cung cấp trang bị quân sự cho lục, hải, không quân Ấn Độ, mà sẽ còn mở rộng hợp tác phát triển và sản xuất vũ khí trang bị với doanh nghiệp Ấn Độ.

Mỹ cũng rất thèm muốn thị trường Ấn Độ, lần này đã cử đoàn đại biểu với 20 giám đốc điều hành công ty quốc phòng. Họ trưng bày sản phẩm gồm bộ cảm biến nhìn đêm, xe cảnh giới bọc thép và xe chiến đấu hạng nhẹ.

Tên lửa Brahmos tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ năm 2014
Tên lửa Brahmos tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ năm 2014

Tuy nhiên, triển lãm lần này cũng cấm một số công ty tham gia, trong đó có Finmeccanica và các công ty của nó, còn công ty AgustaWestland bị cấm tham gia do bê bối hối lộ giao dịch máy bay trực thăng năm 2010. Ngoài ra còn có 15 công ty khác cũng nằm trong danh sách cấm.

Ngoài nhãn hiệu lớn của nước ngoài, triển lãm quốc phòng lần này còn tập trung coi trọng tuyên truyền cho các trang bị nội địa. Các thương hiệu nội địa với đại diện là Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), Tập đoàn Tatar chiếm 40% doanh nghiệp tham gia triển lãm. Họ trưng bày các trang bị nội địa như xe tăng chiến đấu Arjun MK1 tự nghiên cứu phát triển và trang bị tác chiến đổ bộ bọc thép bánh lốp.

Những năm gần đây, Ấn Độ mua sắm vũ khí hiện đại quy mô lớn, tăng cường quân bị, đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Căn cứ vào báo cáo công bố năm 2013 của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong giai đoạn từ năm 2008-2012, lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ chiếm khoảng 12% tổng số lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu.

Nhưng, năm 2014, do Bộ Tài chính Ấn Độ đã cắt giảm kinh phí quốc phòng, khiến cho rất nhiều kế hoạch mua sắm quan trọng của Bộ Quốc phòng Ấn Độ trì hoãn hoàn thành. Được biết, tổng chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ trong ngân sách năm tài khóa 2013-2014 được xác định là 2.036 tỷ rupee (khoảng 200 tỷ nhân dân tệ), chỉ chiếm khoảng 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong kế hoạch, trong khi đó chuyên gia quân sự yêu cầu tỷ lệ này ít nhất đạt 3%.

Mô hình máy bay trực thăng Nga tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ năm 2014
Mô hình máy bay trực thăng Nga tại Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ năm 2014

Ngoài ra, chi phí hoạt động chiếm tỷ lệ một nửa trở lên trong chi tiêu, làm cho phần lớn ngân sách được dùng cho các chương trình đã có, trong khi đó, vốn dùng cho các chương trình mới hoàn toàn không nhiều. Cùng với việc cắt giảm ngân sách, tiến trình mua thêm rất nhiều vũ khí mới có lẽ sẽ bị đình trệ.

Ấn Độ cho biết, trong năm tài khóa tới, sẽ hoàn thành giao dịch mua 126 máy bay chiến đấu của Pháp, trị giá 15 tỷ USD. Theo bài báo, kế hoạch mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp dự đoán sẽ bị kéo dài đến năm 2014 và đến khi chính phủ mới lên thay năm 2015.

Trung Quốc, Pakistan không được mời

Tân Hoa xã ngày 8 tháng 2 cũng có bài viết dẫn các nguồn tin cho biết, ngày 6 tháng 2 năm 2014, tại New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã tuyên bố khai mạc Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ năm 2014 – một trong những triển lãm vũ khí lớn nhất châu Á. Đây là lần thứ 8 Ấn Độ tổ chức triển lãm quốc phòng, tổng cộng có 624 doanh nghiệp của 30 quốc gia tham gia triển lãm.

Theo bài báo, Triển lãm quốc phòng quốc tế Ấn Độ diễn ra trong 4 ngày, được tổ chức 2 năm một lần, do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tổ chức, được ngành công nghiệp quân sự Ấn Độ tích cực tham gia, Nga trở thành quốc gia tham gia triển lãm lớn nhất với số lượng 37 doanh nghiệp.

Đoàn đại biểu Tây Ban Nha nói với phóng viên cho biết, năm 2012 có 3 doanh nghiệp Tây Ban Nha tham gia Triển lãm quốc phòng Ấn Độ, lần này chỉ có 1 doanh nghiệp tham gia.

Ấn Độ công khai nhiều loại người máy chiến đấu tại Triển lãm
Ấn Độ công khai nhiều loại người máy chiến đấu tại Triển lãm

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ chỉ ra, triển lãm quốc phòng lần này có “người tham gia đông” và nhấn mạnh, tuy Ấn Độ hy vọng duy trì hòa bình với các nước láng giềng, nhưng an ninh quốc gia là trọng điểm công tác của chính phủ các nước, vì vậy “phải làm tốt sự chuẩn bị ứng phó với bất cứ thách thức nào”.

Theo bài báo, một năm trước Chính phủ Ấn Độ tuyên bố ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2013 là 37,7 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều năm qua, Ấn Độ luôn tiến hành chạy đua vũ trang với nước láng giềng Pakistan – quốc gia cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Pakistan là đối thủ chủ yếu của Ấn Độ ở tiểu lục địa Nam Á.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng luôn theo dõi sát khả năng vũ khí hạt nhân của nước láng giềng Trung Quốc. Hai nước này đều không được mời tham gia triển lãm quốc phòng lần này.

Người máy chiến đấu do Ấn Độ chế tạo
Người máy chiến đấu do Ấn Độ chế tạo
Súng trường do Ấn Độ tự chế tạo
Súng trường do Ấn Độ tự chế tạo
Xe chiến đấu bánh lốp tiên tiến do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo
Xe chiến đấu bánh lốp tiên tiến do Ấn Độ tự nghiên cứu chế tạo
Việt Dũng