TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG:

TQ có tàu Hải tuần 01, bắt đầu dồn lực cho "quả đấm" trên Biển Đông

03/08/2012 06:19
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã, Văn Hối)
(GDVN) - Tàu Hải tuần 01 là sự thí điểm việc kết hợp giữa giám sát hàng hải và cứu hộ, có thể khởi đầu cho việc tập trung sức mạnh vào những “quả đấm” trên biển.
Tàu Hải tuần 01 là tàu tuần tra, cứu hộ lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.
Tàu Hải tuần 01 là tàu tuần tra, cứu hộ lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 28/7, tàu tuần tra cứu hộ cỡ lớn có quy mô lớn nhất, trang bị tiên tiến nhất của Trung Quốc, mang tên “Hải tuần 01” đã được hạ thủy tại Vũ Hán, có triển vọng đi vào hoạt động trong năm 2012.

Tân Hoa xã cho rằng, Trung Quốc sẽ sở hữu tàu chỉ huy chấp pháp mới (kỳ hạm), sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cái mà TQ coi là "chủ quyền, an ninh và môi trường biển”.

Cục trưởng Cục Hải sự Thượng Hải Từ Quốc Nghị cho biết, tàu Hải tuần 01 là tàu tuần tra cứu hộ cỡ lớn đầu tiên của Trung Quốc đồng thời có chức năng cứu hộ và quản lý giám sát hàng hải, “sẽ tiến hành các nhiệm vụ như tuần tra hàng hải, quản lý giám sát an ninh, tìm kiếm cứu hộ trên biển, điều tra lấy chứng cứ hàng hải, giám sát sự cố tràn dầu và xử lý khẩn cấp… trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố quản lý”.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Tàu thủy Vũ Xương, Trung Quốc, ông Đường Công Kiệt cho biết, tàu Hải tuần 01 có lượng giãn nước 5.418 tấn, chiều dài thiết kế 128,6 m, tốc độ thiết kế lớn hơn 20 hải lý/giờ, khả năng chạy liên tục có thể đạt 10.000 hải lý, có thể vượt Thái Bình Dương đến bờ biển phía tây nước Mỹ.

Trên tàu bố trí kho chứa máy bay trực thăng và đường băng cất/hạ cánh máy báy trực thăng cỡ lớn. Tàu có thể mang theo máy bay trực thăng và có khả năng thực hiện các hoạt động như tiếp dầu, tìm kiếm và cứu hộ.

Việc chế tạo tàu tuần tra cứu hộ cỡ lớn Hải tuần 01 là sự thí điểm kết hợp giữa tuần tra giám sát hàng hải và cứu hộ con người-tài sản của Trung Quốc.
Việc chế tạo tàu tuần tra cứu hộ cỡ lớn Hải tuần 01 là sự thí điểm kết hợp giữa tuần tra giám sát hàng hải và cứu hộ con người-tài sản của Trung Quốc.

Được biết, tàu này có các khả năng tương đối mạnh như thu thập, xử lý, truyền thông tin, chỉ huy tổng hợp, giám sát hàng hải, cứu hộ, lai dắt tàu gặp nạn, phòng cháy chữa cháy, hút dầu tràn trên biển, có thể thực hiện cứu hộ chuyên nghiệp như giữ tàu gặp nạn, bịt lỗ rò rỉ, đẩy nước ra ngoài, đồng thời còn có thể tiến hành chữa trị phẫu thuật đơn giản cho các nhân viên bị thương.

Tàu này có thể mang theo 200 nhân viên được cứu.

Phó Cục trưởng Cục Hải sự, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, Hoàng Hà cho biết: “Vùng biển Trung Quốc rộng lớn, môi trường biển phức tạp, việc đưa vào sử dụng tàu Hải tuần 01 sẽ giúp nâng cao trình độ trang bị quản lý giám sát hàng hải của Trung Quốc, giúp bảo vệ an ninh giao thông trên biển của Trung Quốc, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Được biết, tàu Hải tuần 01 do Công ty TNHH Công nghiệp nặng Tàu thủy Vũ Xương chế tạo, sau khi đưa vào hoạt động sẽ do Cục Hải sự Thượng Hải quản lý. Việc chế tạo tàu Hải tuần 01 chính là một tiêu chí quan trọng trong triển khai thí điểm kết hợp giữa tuần tra giám sát hàng hải và cứu hộ con người-tài sản của Trung Quốc.

Tờ “Văn hối” Hồng Kông tuyên truyền cho rằng: “Lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc khá mỏng yếu (?), số lượng tàu ít, trọng tải nhỏ, không tương xứng với vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố, không thể đáp ứng nhu cầu...

Lễ hạ thủy tàu Hải tuần 01.
Lễ hạ thủy tàu Hải tuần 01.

Hiện nay, lực lượng chấp pháp bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc ngoài hải quân, còn có 9 lực lượng khác được dư luận cho là “9 con rồng thống trị trên biển” gồm: lực lượng “Hải cảnh” thuộc Cục Quản lý Biên phòng, Bộ Công an; “Hải sự” và “Hải cứu” (cứu hộ trên biển) thuộc Bộ Giao thông Vận tải; “Ngư chính” thuộc Cục Giám sát Cảng cá Ngư chính, Bộ Nông nghiệp; “Hải giám” thuộc Cục Hải dương quốc gia, Bộ Lãnh thổ-Tài nguyên; “Hải quan” thuộc Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan; “Đồn công an biên phòng” và chính quyền các huyện, hương (xã) ở duyên hải; ngoài ra còn có “Trung tâm cứu hộ” và bộ phận cứu vớt.

Theo tờ “Văn hối”, lực lượng chấp pháp phân tán như vậy khiến cho chủ thể quyền lực thường chỉ có một chức năng đơn nhất, “không thể thống nhất các lực lượng hành động, hơn nữa rất nhiều sự vụ phải xử lý liên ngành, cũng không có lợi cho việc triển khai công tác bảo vệ chủ quyền trên biển mà Trung Quốc tuyên bố”.

Đối với hiện trạng “9 con rồng thống trị trên biển”, để tăng cường khả năng chấp pháp trên biển, Phó Tổng thư ký Hội nghiên cứu Khoa học Quân sự Trung Quốc, La Viện từng công khai đề nghị thành lập “Lực lượng Phòng thủ Bờ biển Quốc gia”, nhằm tập trung các nguồn lực chiến lược chấp pháp trên biển, dồn lực cho những “quả đấm”.

Tàu Hải tuần 01 chính thức hạ thủy.
Tàu Hải tuần 01 chính thức hạ thủy.
Cắt băng hạ thủy.
Cắt băng hạ thủy.
Cục trưởng Hải sự Thượng Hải, Trung Quốc, ông Từ Quốc Nghị phát biểu tại buổi lễ.
Cục trưởng Hải sự Thượng Hải, Trung Quốc, ông Từ Quốc Nghị phát biểu tại buổi lễ.
Phó Cục trưởng Cục Hải sự, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc Hoàng Hà phát biểu.
Phó Cục trưởng Cục Hải sự, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc Hoàng Hà phát biểu.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã, Văn Hối)