TQ đang mưu tính gì khi dốc sức xây căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam?

08/05/2013 14:44
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc đang xây dựng rầm rộ các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam, trọng tâm phát triển hải quân hướng về phía nam.
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Tờ nguyệt san “Kanwa Defense Review” Canada kỳ mới nhất vừa dẫn nguồn tin “từ giới công nghiệp đóng tàu Trung Quốc” cho biết, hai ông trùm đóng tàu lớn Trung Quốc thuộc các tập đoàn khác nhau gồm Nhà máy đóng tàu Đại Liên và Nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải đều muốn tham gia vào chương trình tàu sân bay nội địa. Bài viết đã tiến hành một loạt phỏng đoán về việc Quân đội Trung Quốc lựa chọn nhà máy đóng tàu như thế nào.

Theo bài viết, sau khi tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh Trung Quốc đến một quân cảng ở khu vực Đại Chu Sơn, Giao Nam, Thanh Đảo, lập tức triển khai công tác thử nghiệm và huấn luyện tập trung hơn.

Công tác tổ chức và đào tạo cụm chiến đấu tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cũng đi vào giao đoạn ráo riết. Nhìn vào bản đồ có thể thấy, khu vực Đại Chu Sơn nơi tàu sân bay neo đậu cách Thanh Đảo khoảng 50 km về phía tây nam, có hạ tầng cơ sở hậu chu đáo.

Tờ “Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương” Hồng Kông cho rằng, Hải quân Trung Quốc đã đi lên con đường phát triển viễn dương, và tàu sân bay là đại diện cho hướng đi đó.

Bất kể là về nhu cầu chiến lược hay tính toán tác chiến thực tế, một chiếc tàu sân bay đều không thể đáp ứng được yêu cầu của Hải quân Trung Quốc, trong tương lai Trung Quốc chắc chắn chế tạo nhiều tàu sân bay hơn.

Như vậy, chỉ xây dựng một cảng chính tàu sân bay Đại Chu Sơn sẽ khó thỏa mãn được các nhu cầu huấn luyện, nghỉ ngơi, tiếp tế, sửa chữa thường xuyên của tàu sân bay và mở rộng biên đội tàu sân bay trong tương lai của Trung Quốc.

Tàu sân bay Liêu Ninh tại quân cảng
Tàu sân bay Liêu Ninh tại quân cảng

Theo bài báo, về lâu dài, Trung Quốc có nhu cầu xây dựng nhiều cảng chính tàu sân bay hơn để neo đậu và bảo đảm cho nhiều tàu sân bay, cho dù trong tình hình hiện nay chỉ có một chiếc tàu sân bay Liêu Ninh, xây dựng nhiều cảng chính tàu sân bay hơn cũng rất cần thiết, tình hình khu vực lại rất phức tạp (chủ yếu do Trung Quốc áp đặt chủ trương chủ quyền "đường lưỡi bò" bất hợp pháp-PV).

Khi xây dựng được nhiều cảng tàu sân bay hơn thì sẽ có nhiều điểm tựa chiến lược hơn để triển khai tàu sân bay, tiến hành phản ứng nhanh chóng với các sự kiện bất ngờ trên phương hướng chiến lược.

Bài viết cho rằng, với đặc điểm đường bờ biển và trọng điểm chiến lược biển của Trung Quốc, đòi hỏi phải xây dựng nhiều cảng chính tàu sân bay hơn, không gian lựa chọn tương đối lớn, cảng chính ba hạm đội lớn của Trung Quốc đều có thể trở thành căn cứ để triển khai tàu sân bay tương lai.

Chẳng hạn quân cảng của Hạm đội Đông Hải, ở đây có liên quan tới khu vực kinh tế phát triển Giang Tô và Chiết Giang, điều kiện bảo đảm rất tốt, nhưng quân cảng của Hạm đội Đông Hải trực tiếp đối mặt với cửa đi ra chuỗi đảo thứ nhất của Tây Thái Bình Dương, cách quân đội Mỹ-Nhật quá gần, dễ bị lực lượng trên biển, trên không của đối phương phong tỏa và tập kích.

Huống hồ căn cứ của Hạm đội Đông Hải phần lớn tiếp giáp với cảng thương mại hoặc cảng cá, thuộc quân cảng mở, độ bí mật không cao. Vì vậy hướng biển Hoa Đông thiếu điều kiện địa lý xây dựng cảng chính tàu sân bay. Nhưng, tiến hành mở rộng xây dựng một số quân cảng cho Hạm đội Đông Hải, giúp cho tàu sân bay có thể neo đậu tạm thời khi cần thiết.

Ngay sau khi lên làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, chỉ trong vài tháng, ông Tập Cận Bình đã 2 lần thị sát Hạm đội Nam Hải, lực lượng phụ trách tác chiến trên biển Đông
Ngay sau khi lên làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, chỉ trong vài tháng, ông Tập Cận Bình đã 2 lần thị sát Hạm đội Nam Hải, lực lượng phụ trách tác chiến trên biển Đông

Ở quân cảng của Hạm đội Nam Hải, cảng Trạm Giang và cảng Quảng Châu đều thuộc khu vực không có lợi cho triển khai tàu chiến cỡ lớn, tính bí mật cũng không cao, giống như các quân cảng ở Châu Sơn, Thượng Hải của Hạm đội Đông Hải. Vì vậy, hai cảng này không thích hợp làm cảng chính tàu sân bay. Như vậy, khu vực xây dựng cảng chính tàu sân bay chỉ có thể lựa chọn ở đảo Hải Nam.

Bài báo suy đoán, những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc rõ ràng tăng cường mức độ xây dựng căn cứ ở đảo Hải Nam, đặc biệt là căn cứ vịnh Á Long (Yalong Bay) ở thành phố Tam Á được phổ biến coi là cảng chính tàu sân bay mới trong tương lai. Nếu Trung Quốc triển khai biên đội tàu sân bay ở đây, có thể tiến hành phản ứng nhanh trên biển Đông và vùng biển phía tây eo biển Malacca.

Tạp chí “Tàu thủy thế giới” Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc khởi công xây dựng cảng chính tàu sân bay có thể tham khảo nhiều hơn kinh nghiệm quân cảng Yokosuka của Nhật Bản, cảng này là nơi Hải quân Mỹ-Nhật cùng sử dụng, mặc dù vùng biển hạn chế nhưng đã áp dụng các biện pháp đồng bộ tổng hợp, có hiệu suất sử dụng hàng đầu thế giới.

Tờ Kanwa cho rằng, Hải quân Trung Quốc hầu như đang xây dựng khu cứ điểm quan trọng lấy vịnh Á Long làm trung tâm. Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ cho rằng, giống như Mỹ sử dụng Guam, Trung Quốc biến đảo Hải Nam thành “tàu sân bay không chìm”.

Hình ảnh vệ tinh vịnh Á Long, đảo Hải Nam, Trung Quốc chụp ngày 12/5/2011
Hình ảnh vệ tinh vịnh Á Long, đảo Hải Nam, Trung Quốc chụp ngày 12/5/2011

Kanwa phỏng đoán, hạ tầng cơ sở căn cứ ở đảo Hải Nam đã xây dựng xong hoặc đang xây dựng của Hải quân Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu neo đậu lâu dài cho tàu chiến Trung Quốc, từ tàu ngầm hạt nhân chiến lược đến tàu sân bay cỡ lớn.

Nhìn vào tình hình Trung Quốc tập trung bàn giao phần lớn tàu chiến mới chế tạo cho Hạm đội Nam Hải hiện nay, trong tương lai xuất hiện một biên đội hải quân tầm xa với hạt nhân là tàu sân bay của Trung Quốc ở đảo Hải Nam là “rất có khả năng”.

Trên thực tế, tờ “Kanwa” đã sớm cho rằng, đảo Hải Nam đang trở thành Guam “phiên bản Trung Quốc”. Chủ biên Andrei Chang nhiều lần nhắc nhở giới quân sự Mỹ-Nhật-Ấn chú ý xu hướng “trọng tâm phát triển của Hải quân Trung Quốc hướng về phía nam”.

Andrei Chang nhấn mạnh, đảo Hải Nam dựa vào vị trí chiến lược, đang từng bước thay thế Trạm Giang và Quảng Châu, trở thành trung tâm chiến lược mới và căn cứ lớn nhất của Hạm đội Nam Hải.

Tuy nhiên, báo Trung Quốc cho rằng, mặc dù Hải quân Trung Quốc thực sự xây dựng rầm rộ ở đảo Hải Nam, nhưng đảo Hải Nam cũng không thể đặt ngang hàng với căn cứ Guam mà Mỹ ra sức sử dụng hiện nay.

Về quy mô, xây dựng căn cứ cỡ lớn Guam có thể triển khai tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược như vậy, đầu tư cho nó phải tương đương với chế tạo 3-4 siêu tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz, và cần xây dựng liên tục vài chục năm.

Trung Quốc vừa biên chế thêm tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương Type 054A cho Hạm đội Nam Hải - lực lượng được ưu tiên biên chế vũ khí trang bị mới.
Trung Quốc vừa biên chế thêm tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương Type 054A cho Hạm đội Nam Hải - lực lượng được ưu tiên biên chế vũ khí trang bị mới.

Báo Trung Quốc tuyên truyền: Điều quan trọng hơn là, Guam là căn cứ quan trọng của quân Mỹ cách xa lãnh thổ và phụ trách cảnh giới châu Á-Thái Bình Dương, trong thời chiến nó có thể cung cấp chi viện hậu cần mạnh cho Hải, Không quân Mỹ can thiệp tình hình châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, đảo Hải Nam là mắt xích quan trọng để Trung Quốc bảo vệ cái mà Bắc Kinh đang ra sức tuyên bố (bất hợp pháp) là "tài nguyên chiến lược" và tuyến đường vận chuyển dầu mỏ ở biển Đông”.

Như vậy, rốt cuộc Trung Quốc “đang xây dựng rầm rộ các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam” nhằm mục đích gì? Đến nay, ai ai cũng nhìn thấu tham vọng bành trướng biển Đông, các hành động có hệ thống để tìm cách hiện thực hóa “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc.

Trung Quốc vừa tuyên bố, đảo Senkaku là “lợi ích cốt lõi” của họ. Tương tự, khi Trung Quốc coi tất cả các hòn đảo trên biển Đông và vùng biển xung quanh thuộc chủ quyền (bất hợp pháp và vô căn cứ) của họ thì họ cũng đã coi biển đảo đó là “lợi ích cốt lõi” (không có giá trị) và việc Trung Quốc tập trung triển khai quân sự ở “hướng nam” đã có ý đồ rất rõ ràng.

Tháng 3/2013, biên đội cơ động liên hợp, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập răn đe vũ lực trên biển Đông.
Tháng 3/2013, biên đội cơ động liên hợp, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập răn đe vũ lực trên biển Đông.
Việt Dũng