TQ dùng tàu ngầm đáp trả việc Ấn Độ tăng cường quan hệ với Việt Nam?

29/11/2014 09:17
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo cho rằng, Trung Quốc dùng tàu ngầm hiện diện ở Ấn Độ Dương để đáp trả Ấn Độ tăng cường quan hệ với Việt Nam, thậm chí Pakistan có thể hỗ trợ TQ.
Tàu ngầm lớp Tống Trung Quốc cập cảng Colombo
Tàu ngầm lớp Tống Trung Quốc cập cảng Colombo

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 26 tháng 11 dẫn tờ "Bình luận Âu-Á" Tây Ban Nha ngày 24 tháng 11 đăng bài viết của nhà nghiên cứu cấp cao Felix, Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao Mỹ cho rằng, trong tương lai Trung Quốc có khả năng sẽ điều nhiều tàu ngầm hơn đến Ấn Độ Dương với tần suất dồn dập hơn. Đối với Ấn Độ, làm thế nào để ứng phó với tàu ngầm Hải quân Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương là một vấn đề rất thực tế.

Bài viết cho rằng, để ứng phó với lực lượng trên biển Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy, Hải quân Ấn Độ sẽ cần trang bị 40 - 48 máy bay tuần tra trên biển tầm xa, những máy bay tuần tra này có thể phân thành 5 hoặc 6 phi đội, mỗi phi đội bao gồm 8 máy bay.

Trong đó, 3 phi đội triển khai ở Bộ tư lệnh hải quân miền đông, điều động từ trạm hàng không hải quân Rajali hoặc trạm hàng không hải quân Utkrosh, xây dựng lá chắn tác chiến săn ngầm ở phía tây eo biển Malacca, eo biển Sunda và khu vực lân cận eo biển Lombok, một phi đội khác hỗ trợ hành động của hạm đội mặt nước Hải quân Ấn Độ.

Bộ tư lệnh hải quân Biển Đông và miền tây Hải quân Ấn Độ cũng sẽ lần lượt nhận được 2 hoặc 3 phi đội máy bay tuần tra trên biển, giám sát hoạt động tàu ngầm xâm nhập vào vùng biển Sri Lanka và tuyến đường phía tây khu vực duyên hải Ấn Độ.

Tháng 12 năm 2013, một chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công Trung Quốc tiến hành tuần tra sẵn sàng chiến đấu công khai trong thời gian 2 tháng tại Ấn Độ Dương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc xác nhận loại hoạt động này. Khi đó, rất nhiều người cho rằng đây chỉ là một hành động tương đối hiếm có.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương

Nhưng, trong 2 tháng qua, “hai chiếc tàu ngầm khác” sau khi thăm Sri Lanka 5 ngày, hầu như đã tiến hành nhiệm vụ tương tự ở Ấn Độ Dương. Ngày 19 tháng 9, một chiếc tàu ngầm tấn công động cơ hỗn hợp diesel-điện lớp Tống và tàu chi viện tàu ngầm Trường Hưng Đảo Type 926 cập cảng container quốc tế Colombo tiếp dầu nghỉ ngơi, sau đó tàu ngầm khởi hành đến vịnh Aden tham gia hoạt động chống cướp biển quốc tế.

Sau 6 tuần, ngày 31 tháng 10, lại có 1 tàu ngầm Trung Quốc và tàu chi viện tàu ngầm Trường Hưng Đảo cập cùng 1 cảng tiếp dầu, nghỉ ngơi. Do thiếu hình ảnh có liên quan, cho nên chuyến thăm cảng Colombo lần này có phải cùng một chiếc tàu ngầm lớp Tống trước đó hay không còn chưa rõ.

Dù thế nào, hai chuyến thăm này ám chỉ trong tương lai Trung quốc có thể sẽ điều nhiều tàu ngầm hơn đến Ấn Độ Dương với tần suất dồn dập hơn. Đương nhiên, nhà cầm quyền Ấn Độ cảm thấy căng thẳng đối với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương.

Nhưng, điều làm cho Ấn Độ bất an hơn là, mặc dù New Delhi đã lên tiếng phản đối, nhưng Sri Lanka vẫn hoan nghênh những tàu ngầm này của Trung Quốc. Sau khi tàu ngầm Trung Quốc lần đầu tiên cập cảng Colombo, New Delhi đã bày tỏ quan ngại đối với vấn đề này.

Colombo cho rằng, sự bất an của Ấn Độ hoàn toàn không có lý, đồng thời cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc cũng không khác gì với 230 tàu chiến nước ngoài khác thăm Sri Lanka trong năm 2014.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương

Rất nhiều nhà quan sát Ấn Độ cho rằng, sự "cự tuyệt" của Sri Lanka cho thấy họ sẵn sàng hơn trong việc lấy lòng Trung Quốc. Một số người thậm chí cho rằng, Sri Lanka đã đi ngược lại thỏa thuận hòa bình đã ký kết với Ấn Độ vào năm 1987, bởi vì, trong thỏa thuận này, Colombo đồng ý, cảng của họ "không thể cung cấp cho bất cứ nước nào dùng cho mục đích quân sự trong tình hình gây thiệt hại cho lợi ích của Ấn Độ".

Về nguyên nhân thực sự tàu ngầm Trung Quốc thăm cảng Colombo, một số người phỏng đoán, hành động này của Trung Quốc là để đáp trả việc "Ấn Độ tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam", dù sao, hai nước Trung Quốc và Việt Nam tồn tại “tranh chấp chủ quyền lãnh thổ” (do Trung Quốc xâm lược gây ra) ở Biển Đông.

Ấn Độ đã trở thành đối tác huấn luyện quân sự chủ yếu của Việt Nam, cung cấp linh kiện, phụ tùng cho tàu chiến Việt Nam, đồng thời cung cấp huấn luyện điều khiển tàu ngầm cho binh sĩ Việt Nam. Trên thực tế, trước khi tàu ngầm Trung Quốc thăm cảng Colombo, Ấn Độ và Việt Nam vừa mới ký kết một thỏa thuận tiếp tục làm chặt chẽ hơn hợp tác quân sự Ấn-Việt.

Thăm cảng cũng đã làm trầm trọng hơn một mối lo ngại của Ấn Độ: Trung Quốc có kế hoạch thông qua phát triển quan hệ quân sự và kinh tế với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương để bao vây Ấn Độ.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương

Các nhà bình luận Ấn Độ thường cho rằng, Trung Quốc mở rộng các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở cảng biển ở khu vực Ấn Độ Dương chính là biểu hiện của kế hoạch bao vây Ấn Độ của Trung Quốc, kế hoạch này gọi chung là chiến lược "chuỗi ngọc trai". Điều đáng chú ý là, cảng container quốc tế Colombo mà tàu ngầm Trung Quốc đến thăm chính là một trong những dự án xây dựng này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ làm phức tạp hóa cục diện trên biển của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Để giảm mối nguy hiểm đến từ tàu ngầm tấn công diesel-điện Trung Quốc, Hải quân Ấn Độ sẽ tăng cường cường độ theo dõi đối với tàu chi viện tàu ngầm Trung Quốc và cảng biển ở khu vực Ấn Độ Dương - tàu ngầm Trung Quốc cần định kỳ cập cảng tiếp tế ở các cảng của khu vực Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, mối đe dọa của tàu ngầm tấn công hạt nhân Trung Quốc lớn hơn, bởi vì chúng không cần tiếp dầu. Dưới sự hỗ trợ của thông tin tình báo kịp thời, những tàu ngầm này có thể sẽ đe dọa hoạt động hàng hải của toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương.

Hiện nay, Hải quân Ấn Độ đã bắt đầu tiến hành chuẩn bị cho loại khả năng này. Tuy nhiên, những năm gần đây, kế hoạch của Hải quân Ấn Độ đã gặp phải một loạt tai nạn trên biển, sự cố gây thiệt hại nhất xảy ra vào tháng 8 năm 2013, khi đó, một chiếc tàu ngầm lớp Kilo đã bị nổ, khiến cho 18 thủy thủ thiệt mạng.

Đồng thời, những nỗ lực tiếp tục mua sắm tàu chiến mới và tân trang tàu chiến hiện có của Hải quân Ấn Độ tiếp tục trì hoãn. Từ năm 2005 đến năm 2010, trong 152 chương trình của Hải quân Ấn Độ có 112 chương trình bị trì hoãn. Trong đó có rất nhiều trang bị tác chiến dùng cho thực hiện nhiệm vụ tác chiến săn ngầm. Nhưng, những trang bị săn ngầm này cũng quan trọng.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương

Đối với thực hiện nhiệm vụ tác chiến săn ngầm ở vùng biển rộng lớn, năng lực dò tìm tầm xa và chống tàu ngầm do thám rất quan trọng. Đối với Ấn Độ, điều may mắn là, vị trí địa lý đã đóng vai trò hỗ trợ ở mức độ nhất định. Thông qua các tuyến đường hẹp được tạo ra bởi quần đảo Indonesia, có thể xâm nhập Ấn Độ Dương từ phía đông.

Trong đó, tuyến đường quan trọng nhất là eo biển Malacca, eo biển Sunda và eo biển Lombok. Những eo biển này là tuyến đường trực tiếp nhất từ căn cứ Á Long xâm nhập Ấn Độ Dương của tàu ngầm Trung Quốc. Đương nhiên, Hải quân Ấn Độ muốn theo dõi những eo biển này.

Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ cũng phải chú ý sườn phía tây. Cùng với việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, là "đồng minh trong mọi điều kiện thời tiết" của Trung Quốc, Pakistan đã xây dựng quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Gần đây, người phát ngôn quân đội Pakistan thậm chí cho biết: "Kẻ thù của Trung Quốc chính là kẻ thù của Pakistan".

Tuy bình luận này nhằm vào là các phần tử cấp tiến ở Tân Cương, nhưng cũng đã gây ra lo ngại cho Ấn Độ. Vì vậy, Hải quân Ấn Độ cũng cần thiết sở hữu nguồn lực tác chiến săn ngầm, làm tốt chuẩn bị ứng phó tàu ngầm Trung Quốc - loại vũ khí có thể lấy cảng của Pakistan làm căn cứ, 5 tàu ngầm lớp Agosta do Pháp chế tạo hiện có của Pakistan thậm chí sẽ lên đường hỗ trợ Trung Quốc.

Thông qua những nhân tố chiến lược này sẽ có thể đánh giá được năng lực hàng không tác chiến săn ngầm cần có để thực hiện nhiệm vụ tác chiến săn ngầm của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Có thể suy đoán, Hải quân Ấn Độ sẽ cần thành lập ít nhất 2 lá chắn tác chiến săn ngầm, thực hiện nhiệm vụ tuần tra ven bờ phía đông và phía tây khu vực này, đồng thời cần duy trì đầy đủ nguồn lực dự phòng để chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ tình huống nào.

Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương
Tàu ngầm hạt nhân Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương

Nếu như tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu là 75% thì có thể dự đoán Hải quân Ấn Độ sẽ cần 40 - 48 máy bay tuần tra trên biển tầm xa, những máy bay tuần tra này có thể phân làm 5 - 6 phi đội, mỗi phi đội bao gồm 8 máy bay.

Không ai nói tác chiến săn ngầm trên biển sẽ trở nên đơn giản và rẻ tiền. Nhưng, môi trường chiến lược châu Á không ngừng thay đổi đã bắt đầu buộc Ấn Độ phải đánh giá lại những nguồn lực cần thiết cho việc duy trì vị thế của họ ở Ấn Độ Dương. Do các bước hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc rất nhanh, cho nên, Ấn Độ cần huy động nguồn lực săn ngầm nhanh hơn.

Đông Bình