TQ sắp có tàu thám hiểm phá băng tự chế tạo đầu tiên

08/10/2011 14:25
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Không muốn phụ thuộc vào nước ngoài cộng với tham vọng lâu dài, chế tạo tàu phá băng thám hiểm Nam-Bắc Cực đầu tiên là một bước đi lớn của TQ.

Tân Hoa xã ngày 7/10 đưa tin, triển khai thám hiểm khoa học ở Bắc Cực và Nam Cực, tàu “Tuyết Long” sẽ không phải độc lập tiến hành như trước, Trung Quốc sắp tự chế tạo được chiếc tàu phá băng đầu tiên dùng cho thám hiểm khoa học ở vùng địa cực, Cục Hải dương Quốc gia sẽ công khai trưng cầu ý kiến của người dân tìm tên cho chiếc tàu này.

Tàu phá băng thám hiểm khoa học cực địa Tuyết Long
Tàu phá băng thám hiểm khoa học cực địa Tuyết Long

Theo Tần Vi Giá, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Thám hiểm Địa cực, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, hiện nay, dự án chế tạo tàu phá băng thám hiểm khoa học địa cực đầu tiên của Trung Quốc đã được Ủy ban Phát triển Cải cách Quốc gia Trung Quốc phúc đáp chính thức, hiện đang bước vào giai đoạn thực thi, sắp triển khai đấu thầu thiết kế quốc tế ở trong và ngoài nước, đồng thời sẽ tự sản xuất ở trong nước.

Theo thiết kế, Cục Hải dương Quốc gia sẽ chính thức đưa ra phương án trưng cầu ý kiến đặt tên vào tháng 11 tới.

Được biết, tàu phá băng thám hiểm khoa học địa cực mới của Trung Quốc trong tương lai sẽ cùng với tàu thám hiểm khoa học địa cực “Tuyết Long” đồng thời thực hiện thám hiểm khoa học ở Bắc Cực và Nam Cực.

Hai tàu phá băng này còn có thể hợp tác khảo sát biển khác ở trong nước, có thể hợp tác theo các chương trình đưa ra, tổ hợp thành đội tàu thám hiểm khoa học địa cực hiện đại.

Tàu phá băng cực địa Tuyết Long của Trung Quốc ở Nam Cực
Tàu phá băng cực địa Tuyết Long của Trung Quốc ở Nam Cực

Trung Quốc triển khai công cuộc thám hiểm khoa học địa cực đã 27 năm, tổng cộng đã sử dụng 3 thế hệ tàu thám hiểm. Năm 1984, chiếc tàu thám hiểm Nam Cực được Trung Quốc triển khai lần đầu tiên là tàu “Hướng Dương Hồng 10”, chiếc tàu thông thường này có lượng choán nước đầy là 13.000 tấn, không có khả năng phá băng.

Năm 1986, đoàn thám hiểm Nam Cực Trung Quốc bắt đầu sử dụng tàu thám hiểm khoa học “Cực Địa”, nó vốn là tàu chở hàng có khả năng chống băng lớp 1A do nhà máy đóng tàu Rauma, Phần Lan chế tạo.

Trung Quốc mua và cải tạo nó thành tàu thám hiểm khoa học Nam Cực. Con tàu này đã nghỉ hưu vào năm 1994 sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ thám hiểm với 6 chuyến đi Nam Cực.

Tàu thám hiểm khoa học cực địa “Tuyết Long” mà Trung Quốc hiện đang sử dụng được mua từ Ukraine năm 1993, dài 16,7 m, lượng choán nước đầy 21.000 tấn, được trang bị hệ thống vận hành, định vị và dẫn đường hiện đại, có khả năng liên tục phá băng dày 1,1 m (gồm tuyết dày 0,2 m) với tốc độ 1,5 hải lý/giờ, có thể mang theo đoàn khảo sát 120 người, chủ yếu đảm đương 3 nhiệm vụ lớn là vận chuyển tiếp tế vật tư cho Trạm thám hiểm Nam Cực, thay thế thành viên thám hiểm khoa học và khảo sát đại dương Nam-Bắc Cực.

Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)