TQ sẽ dùng máy bay ném bom H-6K để ngăn chặn Mỹ can thiệp Biển Đông?

04/10/2013 09:27
Đông Bình
(GDVN) - "Nhiệm vụ tác chiến thực tế nhất hiện nay lực lượng ném bom của Hạm đội Nam Hải là duy trì ưu thế trên không ở Biển Đông, ngăn chặn Mỹ can thiệp...".
Biên chế máy bay H-6K giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tư sở hữu máy bay ném bom chiến lược.
Biên chế máy bay H-6K giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tư sở hữu máy bay ném bom chiến lược.

H-6K có thể mang theo 20 quả bom dẫn đường vệ tinh

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 10 có hai bài viết về máy bay ném bom H-6K Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc đang không ngừng khai thác tiềm lực của máy bay ném bom H-6K, tương tự như Mỹ tìm cách khai thác hết tiềm lực của máy bay ném bom B-52.

Không quân Trung Quốc chủ yếu coi H-6K là máy bay phóng tên lửa hành trình, hiện có thể mang theo tên lửa hành trình CJ-10 được công bố năm 2012. Tên lửa CJ-10 có tầm phóng đạt 2.000 km, phương thức dẫn đường có thể sử dụng dẫn đường quán tính cộng với dẫn đường vệ tinh, độ chính xác có thể đạt khoảng 10 m.

Theo bài báo, H-6K có thể mang theo 6 quả tên lửa hành trình tầm xa, khoang đạn ở thân máy bay còn có thể treo 1 quả, uy lực mạnh. Trên thế giới, máy bay chiến đấu ném bom châu Âu tuy có thể mang theo trên 10 tấn, nhưng lại không thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa, trong khi đó, H-6K có hành trình tầm xa và được trang bị tên lửa hành trình tầm xa, nên nó có năng lực tấn công và răn đe chiến lược.

Trong trường hợp không mang theo tên lửa hành trình tầm xa, H-6K có thể mang theo 20 quả bom lớp 500 kg dẫn đường vệ tinh hoặc dẫn đường laser, có năng lực tấn công chiến thuật.

Phạm vi tác chiến được cho là của máy bay ném bom H-6K Trung Quốc trên bản đồ sơ lược
Phạm vi tác chiến được cho là của máy bay ném bom H-6K Trung Quốc trên bản đồ sơ lược

Trong khi đó, theo tạp chí "Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương" Hồng Kông tiết lộ, nội bộ Mỹ luôn có những tranh cãi về các loại vũ khí có thể tạo ra mối đe dọa cho tàu sân bay của họ, trong đó có tên lửa đạn đạo chống hạm, tàu sân bay Trung Quốc, nhưng, đến nay, tên lửa đạn đạo chống hạm vẫn chỉ là phỏng đoán, muốn đối đầu với tàu sân bay hoàn thiện của Mỹ còn phải chờ thời gian rất dài. Do đó, hiện nay, sự chú ý của dư luận lại chuyển tới cụm máy bay ném bom Trung Quốc từng bị coi thường.

Chuyên gia hàng đầu Mark Stokes của Viện nghiên cứu "Chương trình 2049", cơ quan Mỹ chuyên nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc, từng cho rằng, Trung Quốc đã đổi động cơ và lắp thêm trang bị tác chiến điện tử tiên tiến, phát triển ra máy bay ném bom H-6K, dưới sự chi viện của hệ thống tình báo, chỉ huy, kiểm soát, những máy bay phóng tên lửa trên không này sẽ tạo ra mối đe dọa cho Hải quân Mỹ.

Mark Stokes cho rằng, về môi trường chiến lược biển Trung Quốc trong 20 năm tới, H-6K vẫn là thủ đoạn hiệu quả nhất để Trung Quốc ngăn chặn lực lượng đột kích trên biển-trên không mạnh của Mỹ. Ông nói thêm, đặc điểm ngoại hình của tên lửa hành trình trang bị cho H-6K rất giống với tên lửa Kh-55 của Nga, trong khi đó, Kh-55 là "át chủ bài" của quân Nga khi đối phó với tàu sân bay cỡ lớn và căn cứ chiến lược trên đất liền của đối phương.

Máy bay ném bom H-6K bay thử
Máy bay ném bom H-6K bay thử

Báo Hồng Kông từng cho biết, ngoài H-6K, Trung Quốc còn có một loại máy bay H-6M dùng riêng cho lực lượng hàng không Hải quân, mục đích tác chiến chính là mang theo tên lửa chống hạm YJ-62, tiến hành tiêu diệt triệt để các mục tiêu trên biển ngoài 300-350 km.

Ba hạm đội lớn của Trung Quốc, trong đó có Hạm đội Nam Hải đều có lực lượng máy bay ném bom. Đáng chú ý, lực lượng ném bom của Hạm đội Nam Hải có nhiệm vụ tác chiến thực tế nhất hiện nay là đảm bảo ưu thế tấn công của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, ngăn chặn hạm đội tàu sân bay Mỹ can thiệp từ bắc Biển Đông cũng như toan tính trong tương lai của Bắc Kinh tại khu vực này.

Do Trung Quốc cải tiến thành công máy bay ném bom H-6, lực lượng này sẽ trở thành đội quân tiên phong chiến lược mới của Quân đội Trung Quốc.

Nhật lo ngại máy bay ném bom H-6 Trung Quốc

Tờ "Tình hình Hàng không" Nhật Bản số tháng 8 đã đề cập đến khả năng nổ ra xung đột Trung-Nhật ở đảo Senkaku, có đưa ra giả thuyết cho rằng "Trung Quốc sở hữu trên 100 máy bay ném bom H-6, một khi chiến tranh nổ ra, các căn cứ tuyến đầu, trạm radar và máy bay ném bom của Nhật Bản sẽ  có nguy cơ bị tiêu diệt ".

Máy bay ném bom H-6K trang bị 6-7 quả tên lửa hành trình tầm xa
Máy bay ném bom H-6K trang bị 6-7 quả tên lửa hành trình tầm xa

Ngày 8 tháng 9, cơ quan thông tin của Bộ Tham mưu liên quân Nhật Bản cho biết, cùng ngày 2 máy bay ném bom H-6 Trung Quốc bay qua vùng biển quốc tế giữa đảo Okinawa và đảo Miyako, bay ra Thái Bình Dương, sau đó lại bay trở về bằng đường cũ, đã bị 2 máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản theo dõi, chụp ảnh. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản công khai thông tin về máy bay ném bom Trung Quốc tiếp cận trong những năm gần đây.

Về vấn đề này, quan chức thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, máy bay của họ gần đây bay ra Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện là sự sắp xếp thường lệ trong kế hoạch năm, không nhằm vào bất cứ quốc gia và mục tiêu cụ thể nào, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Trung Quốc có quyền tự do bay ở vùng biển có liên quan. Trong tương lai, Quân đội Trung Quốc vẫn sẽ tổ chức hoạt động thường lệ tương tự theo kế hoạch.

H-6 là "kết tinh" khi quan hệ Trung-Xô mật thiết. Năm 1956, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev phê chuẩn cho Cục thiết kế Tupolev chuyển giao công nghệ sản xuất máy bay ném bom tầm trung Tu-16 hoàn toàn mới cho Trung Quốc. Tháng 9 năm 1959, chiếc H-6 đầu tiên sử dụng linh kiện Liên Xô lắp ráp đã bàn giao cho lực lượng hàng không của Hải quân Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau này quan hệ Trung-Xô bị đổ vỡ, vấn đề nội địa hóa H-6 bị ảnh hưởng. Chiếc H-6 hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo đầu tiên phải đến năm 1966 mới hoàn thành, vô cùng vất vả.

Máy bay H-6K mang theo tên lửa hành trình
Máy bay H-6K mang theo tên lửa hành trình

H-6 ra đời đã phát huy vai trò to lớn trong lĩnh vực quốc phòng, có thể mang theo vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, có thể dùng làm phương tiện tấn công của hải quân, có thể dùng làm máy bay tiếp dầu, máy bay trinh sát/tác chiến điện tử, phương tiện phóng máy bay không người lái, thử nghiệm động cơ và phóng tên lửa hành trình chiến lược. Việc thử nghiệm quả bom khinh khí đầu tiên của Trung Quốc cũng do máy bay H-6 tiến hành.

Theo tờ "Tình hình Hàng không" Nhật Bản, Trung Quốc từng bán số lượng nhỏ máy bay ném bom H-6 cho Iraq và Ai Cập. Trong cuộc "chiến tranh 4 ngày" nổ ra ở Ai Cập và Libya vào năm 1977, Ai Cập đã sử dụng máy bay ném bom H-6, đây là hoạt động ứng dụng chiến đấu thực tế sớm nhất của H-6.

Hiện nay, phiên bản H-6 đỉnh nhất của Không quân và lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc là máy bay ném bom H-6K "Chiến Thần" được công khai vào năm 2007. So với máy bay H-6 trước đó, H-6K có mức độ cải tiến rất lớn, hầu như có thể coi là loại máy bay hoàn toàn mới.

Máy bay ném bom H-6K Chiến Thần
Máy bay ném bom H-6K Chiến Thần

Trước hết, H-6K sử dụng động cơ phản lực D-30-KP2 của Nga, thay cho động cơ phản lực WP-8 kiểu cũ, lực đẩy của D-30-KP2 đạt 12,5 tấn, hơn động cơ WP-8 là 3 tấn, lượng tiêu hao nhiên liệu nhỏ hơn nhiều. Bán kính tác chiến của H-6K từ 1.800 km tăng mạnh lên 3.000 km, đã mở rộng rất lớn phạm vi tấn công của Không quân Trung Quốc.

Thứ hai, H-6K đã tiến hành cải tiến lớn thân máy bay, đầu máy bay đổi sang lồng chỉnh lưu thuôn dài hoàn toàn đóng kín, nhằm lắp thêm radar đa năng. Dưới đầu máy bay đã có thêm một thiết bị quang điện có vỏ bọc (electro-optical pod), từ đó làm cho máy  bay này có năng lực tìm kiếm mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày và đêm, đồng thời có thể cung cấp chỉ thị mục tiêu cho bom dẫn đường vệ tinh hoặc dẫn dường laser.

Đuôi máy bay đã tháo bỏ pháo, cải tạo thành lồng chỉnh lưu hoàn toàn đóng kín tương tự như đầu máy bay. Chuyên gia quân sự dự đoán, bên trong đã lắp thiết bị tác chiến điện tử mới.

Máy bay ném bom H-6K Chiến Thần
Máy bay ném bom H-6K Chiến Thần

Thứ ba, khoang lái của H-6K được thực hiện "thủy tinh hóa", số liệu bay quan trọng và điều khiển hỏa lực đều hiển thị ở màn hình hiển thị tinh thể lỏng màu số hóa cỡ lớn (LCD), đã làm giảm gánh nặng cho phi công. H-6K cũng đã được Trung Quốc nghiên cứu tăng cường khả năng liên kết dữ liệu, có thể tiến hành truyền tin cho cấp trên hoặc phương tiện khác trong trạng thái bí mật.

Tuy nhiên, các tính năng này chủ yếu do truyền thông Trung Quốc tuyên truyền, chưa có căn cứ chính xác nào thể hiện những điều này ngoại trừ những lời lẽ trên giấy báo.

Cuối cùng, theo tuyên truyền của TQ, H-6K sử dụng rất nhiều vật liệu composite và vật liệu hợp kim nhẹ mới, không những đã tăng cường kết cấu sườn máy bay, kéo dài tuổi thọ máy bay, mà còn làm giảm trọng lượng máy bay, năng lực tải đạn từ 9 tấn tăng lên 12 tấn.

Theo bài báo, nhân tố quan trọng kìm hãm Trung Quốc sản xuất máy bay H-6K chính là Trung Quốc có nhập khẩu ổn định động cơ phản lực D-30-KP2 của Nga hay không. Theo báo Nga, nhân tố này hiện nay đã bị loại trừ, vì Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 240 động cơ phản lực D-30-KP2, có thể dùng để sản xuất trên 100 máy bay H-6K hoàn toàn mới.

Máy bay ném bom chiến lược H-6K bay trên bầu trời
Máy bay ném bom chiến lược H-6K bay trên bầu trời
Đông Bình