TQ sẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương để đối phó Mỹ

30/06/2012 09:43
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Mỹ thực sự đang đẩy nhanh sử dụng các căn cứ cũ và mới ở Đông Nam Á ngăn chặn Trung Quốc, trong khi Trung Quốc sẽ phát triển hải-không quân.
Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” cho rằng, Lầu Năm Góc quay trở lại Đông Nam Á, tàu chiến Mỹ sẽ sử dụng những cảng biển Đông Nam Á mà trước đây buộc phải từ bỏ, mục đích chính là ngăn chặn Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc sẽ tăng cường sức mạnh tác chiến của hải quân ở Thái Bình Dương.

“Thời báo Hoàn Cầu” cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đều muốn tránh đối đầu trực tiếp, vì vậy Trung Quốc sẽ căn cứ vào chiến lược mới quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, cố gắng mở rộng hợp tác với Nga.

Máy bay B-52 của Mỹ
Máy bay B-52 của Mỹ


Theo báo này tự nhận định, kế hoạch chuẩn bị quay trở lại các căn cứ cũ trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam của quân Mỹ sắp trở thành hiện thực (? - PV). Căn cứ vào chiến lược mới châu Á-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ, Mỹ đặc biệt coi trọng tăng cường hợp tác với Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Lầu Năm Góc hy vọng thuê sân bay U-Tapao của Thái Lan, một sân bay từng triển khai máy bay ném bom B-52 vào thập niên 1960-1970, đáp ứng nhu cầu mới.

Tờ “Bưu điện Washington” dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, điều quan tâm nhất của Washington là tàu chiến Mỹ ra vào bến cảng của Thái Lan thường xuyên hơn, ngoài ra còn chuẩn bị tăng cường hợp tác tình báo với Thái Lan, theo dõi, giám sát từ trên không đối với tàu thuyền vận tải thương mại và quân sự qua lại.

Còn với Việt Nam, tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến thăm căn cứ hải quân và không quân ở vịnh Cam Ranh, đã nói một cách không giấu giếm rằng, những căn cứ này có tiềm năng to lớn.

Trong Chiến tranh Việt Nam, điểm tựa lớn nhất của quân Mỹ ở châu Á là căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark của Philippines, hiện nay Mỹ đang sử dụng tích cực hơn các căn cứ này.

Hoàn Cầu báo cho rằng, "Mỹ tăng cường tiếp xúc quân sự với các nước Đông Nam  Á đã có hiệu quả rõ rệt. Tàu chiến Mỹ bắt đầu thăm thường xuyên hơn tới các cảng của các nước này, tổ chức diễn tập quân sự liên hợp (-PV). Hơn nữa, Chính phủ Obama hy vọng, trong tương lai quân Mỹ có thể tăng cường giao lưu quân sự thường xuyên hơn với Thái Lan, Việt Nam và Philippines".

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey nói, quân Mỹ không chuẩn bị tái chiếm đóng các căn cứ cũ ở Đông Nam Á, hoặc xây dựng các căn cứ mới, quân Mỹ không cắm cờ Mỹ ở khắp nơi trên phạm vi toàn thế giới, mà chỉ muốn tăng nhanh sự luân phiên lực lượng đóng quân của quân Mỹ.

Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ muốn thuê sân bay U-Tapao để nghiên cứu "tầng mây và khí tượng". Trong hình là máy bay khoa học địa cầu ER-2 có tầm bay cao, nguyên mẫu là máy bay do thám U-2 của Mỹ.
Cục Hàng không vũ trụ Quốc gia Mỹ muốn thuê sân bay U-Tapao để nghiên cứu "tầng mây và khí tượng". Trong hình là máy bay khoa học địa cầu ER-2 có tầm bay cao, nguyên mẫu là máy bay do thám U-2 của Mỹ.

Hoàn Cầu báo cho rằng, mặc dù Chính phủ Obama chính thức phủ nhận có ý đồ ngăn chặn Trung Quốc, nhưng trên thực tế, đằng sau kế hoạch có liên quan đến các căn cứ quân sự Đông Nam Á của Mỹ, quyết định ngăn chặn Trung Quốc ở châu Á rất rõ ràng, hơn nữa Mỹ còn muốn tiến hành một cuộc “đánh cờ” lâu dài.

Một căn cứ quan trọng khác ở Đông Nam Á của Hải quân Mỹ chính là Singapore, nơi chốt giữ yết hầu eo biển Malacca. Mỹ có kế hoạch triển khai 4 tàu chiến đấu duyên hải kiểu mới và định kỳ thăm Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác.

Khi phân tích Trung Quốc đối phó thế nào với chiến lược mới quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Moscow, Carneyev cho rằng, bất luận là Mỹ hay Trung Quốc, đều không muốn xảy ra xung đột quân sự trực tiếp, nhưng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả, trước hết là tăng chi tiêu quốc phòng, tiếp tục thực hiện hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là xây dựng hải quân và không quân có khả năng điều động lực tầm xa ra nước ngoài.

Mặc dù về trình độ trang bị công nghệ, Quân đội Trung Quốc kém xa Quân đội Mỹ, nhưng Trung Quốc có khả năng tăng ngân sách quân sự, còn Mỹ buộc phải cắt giảm chi tiêu quân sự, khoảng cách giữa hai bên sẽ thu hẹp dần.

Ngoài ra, Trung Quốc vẫn sẽ thông qua các thủ đoạn chính trị, ngoại giao để bảo vệ lợi ích chiến lược của họ. Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ với các nước có quan hệ truyền thống như Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka.

Điều phải chỉ ra là, trong rất nhiều trường hợp, các nước Đông Nam Á phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, chứ không phải là Mỹ, vì vậy họ hoàn toàn không muốn cùng Mỹ đạt được một thỏa thuận có thể đe dọa quan hệ của họ với Trung Quốc. Ngoài ra, để đối phó với Mỹ, nước đang tích cực quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với Nga.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc.
Hạm đội Hải quân Trung Quốc.
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)