Động thái đáng chú ý:

TQ trang bị toàn bộ tàu ngầm hạt nhân Project 094 cho Hạm đội Nam Hải?

08/11/2013 09:48
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc triển khai toàn bộ tàu ngầm hạt nhân Project 094 ở Biển Đông do có 3 điều kiện có lợi, nhưng loại tàu này dễ bị dò tìm hơn cả tàu Delta Nga.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược (ảnh minh họa)
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược (ảnh minh họa)

Tờ "Pháp chế văn tụy báo" Trung Quốc cho biết, gần đây, Trung Quốc lần đầu tiên công khai lực lượng tàu ngầm hạt nhân, đã gây thu hút sự chú ý của truyền thông phương Tây.

Bất kể là truyền thông Trung Quốc hay các nước khi đưa tin về lực lượng này đều nhấn mạnh, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Trung Quốc hiện đã có năng lực tiến hành tuần tra mang tính răn đe trên phạm vi lớn, thậm chí coi đây là một mối đe dọa.

Nhưng, "Công ty dự đoán chiến lược" (STRATFOR) Mỹ gần đây đưa ra báo cáo "Năng lực hạt nhân không ngừng phát triển của Trung Quốc" cho rằng, tuy trong mấy năm qua, trong lực lượng hạt nhân "tam vị nhất thể" của Trung Quốc, lực lượng hạt nhân trên biển đã có sự phát triển dài, nhưng vẫn bị hạn chế rất lớn do yếu tố địa lý và công nghệ, còn có khoảng cách tương đối lớn so với các nước hàng đầu, khó răn đe có hiệu quả đối với Mỹ.

Công nghệ tàu ngầm hạt nhân có khoảng cách tương đối lớn so với Mỹ

Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đã tiến hành đưa tin về lực lượng tàu ngầm hạt nhân bí ẩn của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã để cho một loạt chuyên gia quân sự của họ lên trên các diễn đàn báo chí mạng nhấn mạnh, tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đến nay đã có thể tiến hành tuần tra mang tính răn đe trên phạm vi lớn.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược SSBN 742 lớp Ohio Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược SSBN 742 lớp Ohio Hải quân Mỹ

Báo cáo của "Công ty dự báo chiến lược" Mỹ cho rằng, thông tin mới này thực ra hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Trong báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 11 năm 2012, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung từng chỉ ra năng lực hạt nhân "tam vị nhất thể" của Trung Quốc.

Báo cáo này trước khi đưa ra không lâu, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã nhấn mạnh, về quân sự, Trung Quốc đã đạt được một loạt tiến bộ, trong đó có triển khai tên lửa đạn đạo phóng ngầm mới trước năm 2014.

Báo cáo cho rằng, nhấn mạnh tiến bộ của Trung Quốc dĩ nhiên quan trọng, nhưng đồng thời cũng cần hiểu được nhân tố hạn chế của họ. Hiện nay, Trung Quốc muốn răn đe đối thủ thì phải dựa vào kho vũ khí hạt nhân mặt đất.

>> Trung Quốc thường xuyên gây áp lực mỗi khi Nga bán vũ khí cho Việt Nam

Trung Quốc xây dựng năng lực hạt nhân "tam vị nhất thể", đặc biệt là tham vọng phát triển kho vũ khí tên lửa hạt nhân phóng ngầm, có liên quan đến việc Trung Quốc có khát vọng tăng cường năng lực răn đe đối với các nước lớn hạt nhân khác, đặc biệt là Mỹ, Nga và Ấn Độ.

Cùng với việc Mỹ, Nga và Ấn Độ không ngừng nâng cao độ chính xác và hiệu năng của kho vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã kiên định hơn quyết tâm tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của họ. Một kho vũ khí hạt nhân trên biển đáng tin cậy sẽ tăng cường rất lớn năng lực ứng phó với đợt tấn công hạt nhân đầu tiên cho Trung Quốc, tức là Trung Quốc có năng lực tấn công hạt nhân lần thứ hai.

Ngoài ra, đối với Bắc Kinh, năng lực răn đe hạt nhân trên biển cũng liên quan đến uy tín của họ, bởi vì hiện nay trên thế giới chỉ có số ít quốc gia sở hữu loại năng lực này.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey của Hải quân Nga.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey của Hải quân Nga.

Báo cáo cho rằng, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ quan trọng trên phương diện phát triển năng lực răn đe hạt nhân chiến lược trên biển, nhưng so với những nước hàng đầu, đặc biệt là Mỹ, vẫn tồn tại khoảng cách tương đối lớn.

Lấy tên lửa làm ví dụ, báo cáo cho rằng, tên lửa đạn đạo phóng ngầm thế hệ thứ nhất Cự Lang-1A (JL-1A) của Trung Quốc có tầm phóng 2.500 km, hiện vẫn được cho là tên lửa chủ lực của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.

Trong khi đó, tên lửa đạn đạo phóng ngầm chủ lực của Hải quân Mỹ có tầm bắn gấp 4 lần. Mặc dù Trung Quốc hiện đang nghiên cứu chế tạo tên lửa thế hệ thứ hai, tầm bắn có thể đạt 7.000-8.000 km, nhưng những thông tin liên quan còn ít. Dư luận chỉ biết là, tên lửa này có thể có năng lực tác chiến hạn chế trước năm 2014.

Ngoài ra, Trung Quốc còn lạc hậu so với nước khác về công nghệ tàu ngầm hạt nhân. Báo cáo cho rằng, ngoài 1 tàu ngầm hạt nhân Project 092 lớp Hạ chủ yếu dùng để thử nghiệm, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Quân đội Trung Quốc hoàn toàn là tàu ngầm Project 094 lớp Tấn. Tàu ngầm lớp này có tổng cộng 4 chiếc, chiếc đầu tiên hạ thủy vào năm 2004, hiện đã chế tạo, hoàn thành 3 chiếc.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược HMS Vengeance S-31 lớp Vanguard của Hải quân Anh
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược HMS Vengeance S-31 lớp Vanguard của Hải quân Anh

Báo cáo cho rằng, tàu ngầm Project 094 được cải tiến so với Project 092, nhưng vẫn "bình thường" trên nhiều mặt, nhất là về công nghệ chạy êm. Tính năng chạy êm rất quan trọng đối với sự sống sót của tàu ngầm.

Theo một báo cáo của cơ quan tình báo Hải quân Mỹ, tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn thậm chí dễ bị dò tìm hơn cả tàu ngầm lớp Delta của Liên Xô vào thập niên 70 của thế kỷ trước.

Yếu tố địa lý

Mặc dù đã đạt được tiến bộ nhất định về công nghệ, nhưng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc vẫn đang đối mặt với sự hạn chế về địa lý, tức là Quân đội Trung Quốc chỉ có sau khi an toàn chạy qua chuỗi đảo thứ nhất, tiến vào vùng biển của Philippines, mới có thể thực sự có được năng lực răn đe hạt nhân trên biển toàn cầu.

Báo cáo cho rằng, mặc dù đợi đến khi phiên bản sớm của tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 bắt đầu đi vào hoạt động, tàu ngầm hạt nhân của Quân đội Trung Quốc hoạt động ở biển Hoa Đông hoặc chuỗi đảo thứ nhất "vẫn không thể tấn công lãnh thổ Mỹ hoặc Tây Âu".

Đối với tàu ngầm Trung Quốc, con đường có khả năng nhất tiến ra Thái Bình Dương là đi qua eo biển Luzon. Eo biển này nằm ở giữa Đài Loan và Philippines, trực tiếp thông ra biển Philippines.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Typhoon của Hải quân Nga.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Typhoon của Hải quân Nga.

Báo cáo cho rằng, so với những eo biển giữa Đài Loan và Nhật Bản, eo biển Luzon an toàn hơn với tàu ngầm TQ, bởi vì Philippines vẫn chưa có năng lực tác chiến săn ngầm, trong khi đó, năng lực săn ngầm của Đài Loan cũng tương đối có hạn, nhất là so với Nhật Bản. Một nguyên nhân khác là, Mỹ hoàn toàn không đồn trú lực lượng thường trực ở Đài Loan hoặc Philippines giống như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù như vậy, eo biển Luzon cũng không phải hoàn toàn an toàn. Thứ nhất, Đài Loan đang ra sức tăng cường năng lực tác chiến chống tàu ngầm của họ. Đến tháng 8 năm 2015, Đài Loan sẽ sở hữu 12 máy bay tuần tra P-3C Orion, máy bay này sẽ triển khai ở một sân bay miền nam Đài Loan, dùng để triển khai tác chiến chống tàu ngầm, rất thích hợp cho theo dõi eo biển Luzon.

Ngoài ra, do tàu ngầm Project có tiếng ồn tương đối lớn, tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ tuần tra ở eo biển Luzon cũng sẽ có thể làm tốt chuẩn bị đầy đủ, phát hiện và bám theo tàu ngầm Trung Quốc bất cứ lúc nào.

Báo cáo cho rằng, các loại hạn chế trên, ở mức độ rất lớn, đã khiến cho Hải quân Trung Quốc áp dụng một "chiến lược pháo đài" ở xung quanh Biển Đông.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta VI của Hải quân Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta VI của Hải quân Nga

Cho đến nay, tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Trung Quốc chủ yếu trang bị cho Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Bắc Hải có 1 tàu ngầm Project 092 và 1 tàu ngầm Project 094, còn các tàu ngầm Project 094 khác triển khai ở Hạm đội Nam Hải.

Theo báo cáo, Trung Quốc xây dựng căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Hải Nam cho thấy, căn cứ này chủ yếu dùng để hỗ trợ cho hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông. Đối với tác chiến tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo, Biển Đông đã tạo một số điều kiện có lợi cho Quân đội Trung Quốc.

Trước hết, khác với biển Hoa Đông hoặc biển Hoàng Hải, Biển Đông cách ra những cơ sở săn ngầm của Hàn Quốc và Nhật Bản (những nước có thực lực săn ngầm rất mạnh) và quân Mỹ (triển khai ở hai nước này).

Thứ hai, so với vùng biển phía đông nhỏ hẹp hơn của Trung Quốc, Biển Đông sẽ cung cấp không gian cơ động tương đối lớn cho tàu ngầm Quân đội Trung Quốc. Hơn nữa, khác với biển Hoa Đông, Quân đội Trung Quốc có thể vươn ra đại dương từ nhiều địa điểm trên Biển Đông.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Project 094 của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Project 094 của Hải quân Trung Quốc

Nói cách khác, Biển Đông không chỉ đã cung cấp một khu vực hoạt động tương đối an toàn cho Hải quân Trung Quốc, mà còn tạo thuận lợi tương đối lớn cho Trung Quốc triển khai hành động đột phá bao vây trong tương lai, bất kể là đi qua eo biển Luzon hay các tuyến đường hàng hải khác như biển Sulu, eo biển Karimata.

Bài báo cho rằng, bất kể là ở biển Hoa Đông, Biển Đông hay biển Hoàng Hải, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc không lâu nữa đều sẽ tạo ra mối đe dọa hiệu quả đối với Nga và Ấn Độ. Nhưng nếu muốn duy trì trạng thái răn đe hạt nhân trên biển đối với Tây Âu và Mỹ, lực lượng tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc vẫn cần vượt qua được chuỗi đảo thứ nhất, vươn tới vùng biển rộng lớn.

Từ phi Trung Quốc xây dựng được một lực lượng tàu ngầm hạt nhân "tàng hình đầy đủ", có thể "vươn tới biển Philippines thường xuyên" với đội ngũ nhân viên có tố chất và có sự hỗ trợ cần thiết, hoặc nghiên cứu phát triển được tên lửa đạn đạo phóng ngầm có tầm bắn đủ để bao trùm lãnh thổ Mỹ, nếu không, họ chỉ có thể dựa vào lực lượng hạt nhân chiến lược trên đất liền, lấy đó làm thủ đoạn răn đe hạt nhân chính đối với Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Resolution, Anh
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Resolution, Anh
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Lafayette, Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Lafayette, Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Le Triomphant, Hải quân Pháp
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Le Triomphant, Hải quân Pháp
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược L Inflexible Hải quân Pháp
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược L Inflexible Hải quân Pháp
Đông Bình