Tại sao Ấn Độ và Nhật Bản muốn tự chế máy bay thế hệ 5?

20/05/2011 02:36
(GDVN) – Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn tự mình nghiên cứu, chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 để chứng tỏ vị thế, sức mạnh nước lớn, muốn tự bảo đảm an ninh cho quốc gia

(GDVN) – Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn tự mình nghiên cứu, chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 để chứng tỏ vị thế, sức mạnh nước lớn, muốn tự bảo đảm an ninh cho quốc gia mình…

Cơ quan phát triển hàng không Ấn Độ (Aeronautical Development Agency, ADA) tiết lộ, họ đã gửi dự án chế tạo máy bay tiêm kích tầm trung thế hệ thứ 5 AMCA lên Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Dự kiến, chi phí để nghiên cứu, chế tạo loại máy bay này sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD trích từ nguồn ngân sách quốc phòng.
 

Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 AMCA của Ấn Độ
Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 AMCA của Ấn Độ

Theo lời người đứng đầu ADA kiêm Giám đốc chương trình phát triển không quân Ấn Độ cho biết, số tiền này sẽ được chi để chế tạo 2 mô hình trưng bày và 7 biến thể, trong đó chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của dòng máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sẽ bắt đầu cất cánh vào năm 2017.

Về phần mình, vào tháng 5/2006, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho công bố những bức ảnh mô hình thử nghiệm với kích cỡ đầy đủ của loại máy bay tiêm kích ATD-X sau khi đưa ra tuyên bố sẽ tiếp tục chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Shinshin dựa trên phiên bản của ATD-X.

Năm 2007, Nhật Bản đã tiến hành tất cả 40 đợt bay dành cho máy bay tiêm kích ATD-X. Trong quá trình thử nghiệm, máy bay đã chứng tỏ được khả năng cơ động linh hoạt, tác chiến nhanh, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.

Sau khi thử nghiệm xong, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định thống nhất một số nghiên cứu lẻ tẻ trước đó thành một chương trình lớn cấp quốc gia và bắt đầu triển khai thực thi vào năm 2010.
 

Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Shinshin của Nhật Bản
Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 Shinshin của Nhật Bản

Trước đó, chương trình nghiên cứu hệ thống điều khiển và động cơ cho máy bay mới đã được triển khai từ năm 2009. Các chuyến bay thử nghiệm tiếp theo sẽ được tiến hành trong năm 2011.

Mục đích đầu tiên của ATD-X khi đi vào hoạt động là đối phó với các loại máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của một số nước, trong đó có T-50 PAK FA của Nga do tập đoàn Sukhoi chế tạo.

ATD-X có chiều dài thân 14 m, chiều dài sải cánh 9 m và trọng lượng khi cất cánh là 8 tấn. Trong thời điểm hiện nay, Nhật Bản đang sở hữu 2 phiên bản máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, song vẫn chưa tiến hành bay thử nghiệm, có thể là vào năm 2014 mới bắt đầu.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao cả Ấn Độ và Nhật Bản lại muốn tự mình nghiên cứu, chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 trong khi nếu mua lại của Nga hay Mỹ thì sẽ rẻ hơn rất nhiều tính cả về kinh tế lẫn công sức bỏ ra.

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích của Nga thì vấn đề này có 3 nguyên nhân chủ yếu:

Một, Ấn Độ và Nhật Bản đều là những nước lớn trong khu vực và quốc tế. Do vậy, để có được vị thế trên trường quốc tế, họ phải có khả năng tự bảo đảm cho an ninh của mình mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía các cường quốc khác.

Nếu họ mua một loại vũ khí hay phương tiện kỹ thuật quân sự của một nước nào đó thì mục đích chính chỉ là làm cơ sở để hỗ trợ cho công việc nghiên cứu trong nước nhằm chế tạo ra các sản phẩm quân sự riêng mang tính đặc thù của quốc gia.

Hai, Nhật Bản và Ấn Độ là những quốc gia đang muốn mở rộng phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình ra khu vực và trên thế giới. Điều này tất cả các nước đều biết, chẳng lẽ Nga và Mỹ lại không biết.

Do vậy, Nga và Mỹ sẽ không nhiệt tình giúp đỡ cho các đối thủ tiềm năng của mình. Đó cũng là lý do khiến sự giúp đỡ của Nga và Mỹ cho hai quốc gia này rất hạn chế. Trong tình thế này, cách tốt nhất là phải dựa vào chính mình.

Ba, việc phát triển và mở rộng tổ hợp quân sự là một trong những yếu tố chứng tỏ sức mạnh của quốc gia. Hơn nữa, buôn bán vũ khí, phương tiện quân sự là một trong những ngành thương mại thu được nhiều lợi nhuận nhất hiện nay.

Do vậy, thay vì bỏ tiền ra để mua sản phẩm của Nga hoặc Mỹ thì hai quốc gia này quyết định tự nghiên cứu, chế tạo, tự bảo đảm nhu cầu đất nước để tiến tới trong tương lai gần có thể là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí công nghệ cao.

{iarelatednews articleid='2696,2665,2289,2185,1810,1540,1116,1013'}

Hữu Kỷ - Nhật Minh (tổng hợp)