Tân Hoa xã: Nga - Trung Quốc khó có thể cùng hợp tác phòng thủ tên lửa

27/08/2012 06:51
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Hiện nay, Mỹ đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở nhiều khu vực, trong đó có Đông Á, tạo sức ép lớn cho Trung Quốc.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 của Trung Quốc.

“Mỹ tạo ra cái bẫy để nước khác sai lầm” - Tân Hoa xã tuyên truyền

Tân Hoa xã dẫn lời Doãn Trác, Thiếu tướng, chuyên gia quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Chuyên gia Thông tin hóa Hải quân Trung Quốc bàn về việc Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á.

Khi bàn về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Doãn Trác cho rằng, Mỹ không ngừng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, muốn hướng nước khác bỏ nhiều kinh phí cho phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, từ đó quên đi phát triển lực lượng thông thường, đây là một cái bẫy làm lạc đường.

Theo Doãn Trác, công nghệ tên lửa của Trung Quốc có đột phá hay không hoàn toàn không phải là nhân tố mang tính quyết định làm cho Mỹ tái bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa.

Bắt đầu từ thập niên 1960, Trung Quốc đã có tên lửa xuyên lục địa, đến thập niên 1970, tên lửa xuyên lục địa của Trung Quốc đã bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Khi đó Mỹ đang cân nhắc vấn đề phòng thủ tên lửa, Tổng thống Mỹ Reagan cùng cha con Tổng thống Bush sau này đã liên tục cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa.

Sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa chủ yếu là sự tính toán về chiến lược, bảo đảm an ninh tuyệt đối của bản thân. Bất kể là đối phương có tên lửa thế nào thì cũng cố gắng bảo đảm đánh chặn đầu đạn, đây là thiết kế sơ bộ khi đó của Mỹ.

Nhưng, hiện nay, ý tưởng này chưa chắc thực hiện được, do Mỹ không có khả năng tài chính cho việc này. Ngoài ra, Mỹ cũng chưa có khả năng tiến hành theo dõi tất cả mọi tên lửa bắn tới, từ đó phân biệt đâu là đầu đạn thật, đâu là đầu đạn giả.

Không thể phân biệt thì không thể đánh chặn nhiều tên lửa như vậy, theo đó Mỹ không có khả năng đánh chặn toàn bộ.

Tàu khu trục phòng không Trung Quốc phóng tên lửa đối không.
Tàu khu trục phòng không Trung Quốc phóng tên lửa đối không.

Doãn Trác cho rằng, Mỹ không ngừng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chủ yếu có 2 mục đích: Một là Mỹ nâng cao xác suất đánh chặn đối với những nước có tương đối ít tên lửa hạt nhân như Trung Quốc, có thể làm giảm khả năng răn đe hạt nhân của đối phương, làm cho nó không còn đáng tin cậy.

Hai là tạo một cái bẫy, buộc đối phương bỏ ra nhiều kinh phí để đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Nếu lấy kinh phí quân sự có hạn tập trung theo hướng đó, thì sẽ không có kinh phí phát triển lực lượng thông thường, trong khi đó những tên lửa này và vũ khí hạt nhân này hoàn toàn không có vai trò thực sự gì trong chiến đấu thực tế.

Doãn Trác cho rằng: “Nói chung, chúng ta có cảm giác hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có ý đồ dẫn dắt sự phát triển những nước đang phát triển – những nước sơ bộ có khả năng răn đe hạt nhân như Trung Quốc hoặc Ấn Độ đi tới ngã rẽ (con đường sai lầm). Nhưng, hệ thống này không có tác dụng đối với Nga, bởi vì Mỹ không thể đánh chặn được toàn bộ tên lửa đạn đạo của Nga, tổn thất nó gây ra cho Mỹ là không thể chịu được”.

Hệ thống phòng không phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Hệ thống phòng không phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Nga-Trung không có khả năng phòng thủ tên lửa chung

Khi bàn về khả năng Trung-Nga hợp tác tiến hành phòng thủ tên lửa, Doãn Trác cho rằng, cơ bản không có khả năng này.

Lý do là tiến hành phòng thủ tên lửa nhất định phải có quan hệ đồng minh quân sự, nếu không rất khó tiến hành phòng thủ như vậy.

Doãn Trác cho rằng, nếu cùng phòng thủ tên lửa thì phải có hệ thống vũ khí, hệ thống thông tin thống nhất. Tức là tín hiệu tự động truyền, tự động tiến hành kết nối, sau đó đưa ra số liệu, cho biết vũ khí mà bạn phải đánh chặn, điều này đòi hỏi thể chế giữa hai bên, tiêu chuẩn về máy tính đều phải thống nhất.

"Nếu không phải là đồng minh quân sự, liệu ai có thể hy sinh bản quyền sở hữu trí tuệ của mình, để sử dụng tiêu chuẩn và phương pháp xử lý thông tin của người khác?" - Doãn Trác.

Hiện nay, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu đều lấy hệ thống của Mỹ làm chính. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ không lấy hệ thống của Nga làm chính, Nga cũng sẽ không lấy hệ thống của Trung Quốc làm chính.

“Ngoài ra, nếu tiến hành hợp tác phòng thủ tên lửa, giữa hai bên còn phải có một số mật mã cùng khóa. Nếu không phải là quan hệ đồng minh quân sự, tuyệt đối sẽ không hợp nhất đến mức độ này. Tôi nghĩ, người đưa ra ý tưởng này là đang mơ ban ngày” – Doãn Trác đánh giá.

Tàu khu trục phòng không 051C của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục phòng không 051C của Hải quân Trung Quốc.
Radar phòng thủ tên lửa tầm xa của Nga.
Radar phòng thủ tên lửa tầm xa của Nga.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của quân Mỹ, trang bị tên lửa đạn đạo.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của quân Mỹ, trang bị tên lửa đạn đạo.
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)