Tàu ngầm TQ không sánh được loại Liên Xô sản xuất cách đây 20 năm

15/11/2012 12:31
Việt Dũng
(GDVN) - Christensen dẫn nội dung báo cáo của Cục Tình báo, Bộ Hải quân Mỹ cho biết, tính năng chạy êm của tàu ngầm lớp Tấn thậm chí còn không bằng tàu ngầm do Nga chế tạo 20 năm trước.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc - trang bị tên lửa đạn đạo JL-2
Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc - trang bị tên lửa đạn đạo JL-2

Ngày 14/11, “Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung” trình báo cáo thường niên cho Quốc hội Mỹ, nhưng nội dung báo cáo đã sớm được các phương tiện truyền thông, báo chí tiết lộ, đưa tin.

Báo cáo cho rằng, lực lượng tấn công hạt nhân được hình thành bởi tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 sẽ tạo ra mối đe dọa cho Mỹ.

Nhưng trang mạng tạp chí “Popular Mechanics” cho rằng, Mỹ có nhiều cách để ngăn chặn mối đe dọa này. Ngoài ra, có chuyên gia Mỹ cho rằng, tính năng chạy êm của tàu ngầm lớp Tấn thậm chí không bằng trình độ 20 năm trước của Nga, nếu gặp Mỹ sẽ ngồi “chờ chết”.

Tờ tạp chí “Popular Mechanics” đã liệt kê ra một số phương pháp ngăn ngừa mối đe dọa từ Trung Quốc, đó là: Trước hết, nếu vệ tinh Mỹ dò tìm được tàu ngầm Trung Quốc rời bến cảng, tàu ngầm Mỹ có thể sẽ chờ phục sẵn ở Thái Bình Dương, chuẩn bị một cuộc chơi “mèo vờn chuột” dưới biển.

“Nếu tàu ngầm Trung Quốc triển khai, tàu ngầm tấn công Mỹ có thể sẽ tiến hành theo dõi” – Hans Christensen, chuyên gia của Hội các nhà khoa học Mỹ nói.

Tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng lên từ tàu ngầm Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo JL-2 được phóng lên từ tàu ngầm Trung Quốc

Thứ hai, tầm phóng của tên lửa phóng ngầm JL-2 khoảng 4.500 dặm Anh (khoảng 7.242 km), điều này có nghĩa là tên lửa JL-2 khó mà tấn công nước Mỹ khi triển khai ở bờ biển Trung Quốc.

Nếu triển khai khu vực cách phía tây Hawaii khoảng 1.000 dặm Anh (khoảng 1.609 km), tên lửa JL-2 có thể tấn công Los Angeles, nhưng nếu muốn đưa Washington vào phạm vi tấn công, tên lửa này phải triển khai ở khu vực cách bờ biển phía tây nước Mỹ khoảng 1.500 dặm Anh (khoảng 2.414 km).

Trong khi đó, đối với tàu ngầm Trung Quốc, làm thế nào để sống sót ở vùng biển ngoài Trung Quốc là một vấn đề.

Lực lượng được Nhật Bản và Mỹ triển khai ở Thái Bình Dương có thể dò tìm được tàu ngầm Trung Quốc: Tàu ngầm Trung Quốc nếu muốn kéo gần khoảng cách, mon men ra khơi tạo mối đe dọa đối với lãnh thổ Mỹ, thì không thể không phải lẩn tránh chúng.

Christensen dẫn nội dung báo cáo của Cục Tình báo, Bộ Hải quân Mỹ cho biết, tính năng chạy êm của tàu ngầm lớp Tấn thậm chí còn không bằng tàu ngầm do Nga chế tạo 20 năm trước.

Ông nói: “Tiếng ồn của chúng quá lớn , khó tránh được hệ thống săn ngầm của Mỹ”, “lực lượng tàu ngầm Mỹ huấn luyện theo dõi đối với tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đã trải qua thời gian hơn 60 năm. Trên cơ sở đó, nếu tàu ngầm Trung Quốc có thể thoát chết từ chiến tranh, sống sót lâu dài, tôi sẽ cảm thấy ngạc nhiên. Đối với tôi, chúng sẽ ngồi chờ chết”.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ sẽ phục sẵn dưới lòng đại dương nếu tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc dám mon men ra khỏi cửa nhà?
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ sẽ phục sẵn dưới lòng đại dương nếu tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc dám mon men ra khỏi cửa nhà?

Ngoài ra, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ từng sử dụng hệ thống bộ cảm biến dưới nước được gọi là “hệ thống giám sát sonar” để theo dõi tàu ngầm Liên Xô, đến nay tuy số lượng bộ cảm biến được sử dụng có giảm đi, nhưng điều này vẫn có hiệu quả ở Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung vào nghiên cứu phát triển một công nghệ theo dõi thế hệ mới, dùng để góp phần xóa bỏ mối đe dọa của tàu ngầm Trung Quốc.

Chương trình săn ngầm do Cục dự án nghiên cứu cao cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ thực hiện sẽ chế tạo vệ tinh phiên bản hải dương (biển), thiết bị nghe lén kiểu robot của nó có thể hoạt động ở cả vùng nước nông và vùng nước sâu, có khả năng phát hiện và theo dõi tàu ngầm của kẻ thù.

“Chiêu” cuối cùng để phòng ngừa những mối đe dọa tên lửa này chính là triển khai hệ thống đánh chặn trên bộ ở bang Alaska.

Hệ thống này nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo do CHDCND Triều Tiên phóng, nhưng Christensen cho rằng, hệ thống này cũng có khả năng đánh chặn tên lửa phóng ngầm, song tiền đề là cự ly bay của tên lửa cách rất xa.

Tên lửa đánh chặn GBI của hệ thống phòng thủ tên lửa đoạn giữa trên bộ Mỹ (GMD), có thể đánh chặn đầu đạn tên lửa xuyên lục địa ngoài 5.000 km. Hiện nay, Mỹ đã triển khai 30 quả tên lửa đánh chặn ở căn cứ không quân Vandenberg, miền trung bang California và Fort Greely, bang Alaska.
Tên lửa đánh chặn GBI của hệ thống phòng thủ tên lửa đoạn giữa trên bộ Mỹ (GMD), có thể đánh chặn đầu đạn tên lửa xuyên lục địa ngoài 5.000 km. Hiện nay, Mỹ đã triển khai 30 quả tên lửa đánh chặn ở căn cứ không quân Vandenberg, miền trung bang California và Fort Greely, bang Alaska.
Việt Dũng