Tàu ngầm ở Biển Đông và "hiệu ứng bàn hình chữ nhật"

15/02/2015 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Báo TQ vừa đe dọa như vậy vừa tô vẽ mối đe dọa từ tàu ngầm từ láng giềng, phản ánh ưu thế phi đối xứng, khả năng răn đe bành trướng có hiệu quả của tàu ngầm.
Tàu ngầm thông thường cải tiến Type 035G lớp Minh, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường cải tiến Type 035G lớp Minh, Hải quân Trung Quốc

Mạng sina Trung Quốc ngày 7 tháng 2 có bài viết cho rằng, tàu ngầm rốt cuộc phát huy vai trò gì ở Biển Đông? Tình hình chung phát triển tàu ngầm của các nước ven Biển Đông cho thấy, mặc dù các nước đã quyết tâm phát triển tàu ngầm và các nước Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã có kết quả trong phát triển tàu ngầm, nhưng tổng số tàu ngầm của các nước láng giềng ở Biển Đông cũng không đọ nổi số lượng (tàu ngầm) của 1 nước - Trung Quốc.

Theo bài báo, sự phát triển tàu ngầm của Trung Quốc đã có từ lâu, ngay từ năm 1950 đã đưa ra phương châm phát triển tàu ngầm. Hiện nay Trung Quốc đã có hơn 60 chiếc tàu ngầm, bao gồm 4 loại tàu ngầm hạt nhân và 7 loại tàu ngầm động cơ thông thường, tổng số tàu ngầm đứng thứ ba thế giới.

Tàu ngầm Trung Quốc thường sử dụng 3 con số cụ thể để đại diện cho loại cỡ của nó như Type 092, Type 094, phương thức đặt tên tàu ngầm theo các triều đại của Trung Quốc được lưu truyền trên mạng có nguồn gốc từ NATO, Trung Quốc hoàn toàn không thừa nhận.

Tàu ngầm của Trung Quốc biên chế cho các hạm đội lớn như Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải, triển khai ở khu vực Biển Đông chủ yếu là Hạm đội Nam Hải, số lượng tàu ngầm của hạm đội này có nhiều cách nói khác nhau, tài liệu công khai cho thấy chủ yếu bao gồm 3 tàu ngầm hạt nhân Type 094, 8 tàu ngầm tấn công lớp 035, 4 tàu ngầm tấn công Type 039 và 4 tàu ngầm lớp Kilo.

Tàu ngầm thông thường Type 039 của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường Type 039 của Hải quân Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia triển khai tàu ngầm có số lượng nhiều nhất và là nước duy nhất, đầu tiên triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông trong số các nước ven Biển Đông, hơn nữa đã tiển khai tên lửa Cự Lang-2 tầm bắn 8.000 m, tên lửa này có thể lắp đầu đạn hạt nhân, có khả năng đe dọa hạt nhân trên biển, trang bị cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược (Type 094), các nước xung quanh đều nằm trong phạm vi tiêu diệt của nó.

Ngoài ra, số lượng tàu ngầm động cơ thông thường khác có thể mang theo tên lửa và ngư lôi rất nhiều, năng lực tấn công mạnh. Ở khu vực Biển Đông, bất kể là về tính năng hay về số lượng tàu ngầm, Trung Quốc đều chiếm ưu thế tuyệt đối.

Như vậy, vấn đề đã đến, tại sao Trung Quốc to xác lại tỏ ra "bị động" trong vấn đề Biển Đông? Đằng sau việc các nước chủ trương chủ quyền ở Biển Đông chạy đua phát triển tàu ngầm đang có tính toán gì?

Theo bài báo, trước hết, các nước ven Biển Đông cạnh tranh phát triển tàu ngầm có nguyên nhân trực tiếp là tính "bí mật" và "chí tử" của tàu ngầm và sự quanh co, phức tạp của các vùng biển ở Biển Đông.

Tận dụng sự che lấp của nước và trang bị vũ khí luôn đổi mới, tàu ngầm được mệnh danh là "sát thủ dưới nước", là trang bị tác chiến hải quân duy nhất kết hợp các tính năng như tàng hình, tập kích bất ngờ, chắc chắn, cơ động và khả năng kiên trì hoạt động, có khả năng răn đe rất mạnh, so với xây dựng một hạm đội mặt nước đắt đỏ, vài chiếc tàu ngầm là sự lựa chọn tốt nhất khi tài chính không tốt và muốn bảo vệ an ninh biển của mình.

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc

Ngoài ra, tuyến đường hàng hải ở khu vực Biển Đông quanh co, đảo và đá ngầm trải rộng, thích hợp cho tàu ngầm phục kích, sự phát triển tàu ngầm và năng lực săn ngầm của phần lớn các nước ven Biển Đông nằm trong giai đoạn khởi đầu, phát triển vài chiếc tàu ngầm sẽ có khả năng hình thành "ưu thế phi đối xứng", đối với những nước có chủ trương lãnh thổ ở Biển Đông và tài chính không tốt, phát triển tàu ngầm quả thực là sự lựa chọn thiết thực về lợi ích kinh tế.

Thứ hai, hình thái xung đột tranh đoạt quần đảo ở Biển Đông là "dễ phòng thủ, khó tấn công". Việt Nam, Philippines, Indonesia và Brunei không chỉ gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), có ưu thế địa lý, việc chiếm lĩnh thực tế các đảo đá ngầm của họ cũng có ưu thế chiến lược.

Tình hình địa lý này có thể dùng "hiệu ứng bàn hình chữ nhật" (rectangular table effect) để hình dung, những người nằm ở vị trí đầu của chiếc bàn dài hình chữ nhật luôn ngoài tầm với trước một đầu khác của chiếc bàn, còn những người nằm ở vị trí trung tâm của chiếc bàn có thể vươn tới hai đầu của chiếc bàn một cách dễ dàng.

Biển Đông chính là vung biển hẹp dài tương tự chiếc bàn dài, Trung Quốc nằm ở đầu bắc của chiếc bàn, trong khi đó, Việt Nam, Philippines và Brunei nằm ở trung tâm của chiếc bàn dài, chính sự phân bố địa lý này làm cho mức độ khó khăn và cái giá phải trả trong cái gọi là "bảo vệ chủ quyền" (tham vọng đường lưỡi bò phi pháp) của Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với các nước xung quanh khác.

Trên phương diện giải quyết tranh chấp Biển Đông và "thu hồi (tiếp tục ăn cướp) chủ quyền lãnh thổ, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc đông đảo, nhưng cũng hoàn toàn không phải có thể tùy ý thích làm gì thì làm. Đây là một tầng nghĩa khác trong phát triển tàu ngầm của các nước chủ trương chủ quyền khác ở Biển Đông.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Hải quân Trung Quốc

Thứ ba, năng lực săn ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông hạn chế. Trọng điểm truyền thống săn ngầm của Hải quân Trung Quốc là bảo vệ an toàn tuyến đường, quân cảng, ngăn chặn bị tàu ngầm đối phương phục kích.

Cùng với phạm vi hoạt động của lực lượng tàu chiến hải quân từng bước mở rộng, bảo vệ an toàn của biên đội tàu chiến trở thành trọng điểm săn ngầm, Hải quân Trung Quốc đã trang bị mấy chục máy bay trực thăng săn ngầm, tiến hành tìm kiếm, áp chế tàu ngầm đối phương ở khu vực tuyến đường đi qua của biên đội, bảm đảm cho biên đội an toàn đi qua.

Nhưng, phạm vi kiểm soát của máy bay trực thăng có hạn, chỉ có thể dùng để bảo vệ bản thân biên đội, khó mà mở rộng phạm vi kiểm soát, đồng thời máy bay trực thăng có tốc độ bay chậm, khó mà kịp thời ứng phó săn ngầm, mục tiêu có thể thoát đi trước khi máy bay trực thăng bay tới nơi.

Cuối cùng, đằng sau các nước chủ trương chủ quyền ở Biển Đông là bàn cờ đối chọi nhau vô cùng phức tạp giữa các nước lớn.

Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã xây dựng đồng minh quân sự với Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Australia, xây dựng nên chuỗi đảo phong tỏa Trung Quốc, hình thành hiện diện phía sau ở châu Á-Thái Bình Dương. Sau cuộc khủng hoảng tài chính, sự suy yếu của phương Tây và phát triển nhanh chóng của châu Á đặc biệt là của Trung Quốc tạo ra sự đối lập rõ rệt, đã dẫn đến Mỹ mạnh mẽ "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" và tìm cách chia hưởng sự phát triển của châu Á-Thái Bình Dương.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, lấy tranh chấp Biển Đông làm lý do, ủng hộ các nước chủ trương chủ quyền Biển Đông phát triển tàu ngầm nhằm ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, dồn ép không gian biển của Trung Quốc là cách làm quen dùng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, để phát triển thương mại vũ khí, Nga cũng lôi cuốn vào trong đó, bán tàu ngầm cho nước chủ trương chủ quyền Biển Đông (Việt Nam), làm ngư ông đắc lợi. Các nước chủ trương chủ quyền Biển Đông được các nước lớn ủng hộ và tạo thuận lợi, phát triển tàu ngầm càng có chỗ dựa.

Cùng với số lượng tàu ngầm của các nước như Việt Nam, Indonesia không ngừng tăng nhiều, năng lực tác chiến dưới nước của các nước xung quanh Biển Đông được tăng cường rõ rệt, đối kháng quy mô nhỏ vốn chỉ giới hạn ở tàu cảnh sát biển và tàu cá tham gia có khả năng phát triển thành xung đột quân sự quy mô lớn .

Ngoài ra, một khi những tàu ngầm nhập khẩu này được vận hành toàn diện, tiến hành các hoạt động phong tỏa khu vực ở các căn cứ quân sự ngoài đường bờ biển của họ, độ khó giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng.

Đông Bình