Tàu sân bay Trung Quốc xuống Biển Đông diễn tập phát đi tín hiệu gì?

24/12/2013 10:15
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc sẽ định kỳ triển khai tàu sân bay ở Biển Đông khẳng định vị thế nước lớn, thể hiện cơ bắp và khả năng tầm xa và đòi hỏi chủ quyền...
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc

Tân Hoa xã ngày 22 tháng 12 dẫn hãng tin Reuters có bài viết cho rằng, trong tháng này, một chiếc tàu chiến Trung Quốc hộ tống tàu sân bay Liêu Ninh đã ép một chiếc tàu tuần dương tên lửa Mỹ phải quay đầu, tránh xung đột.

Các quan chức quân sự và nhà phân tích khu vực cho rằng, cuộc diễn tập tổ chức ở ngoài đảo Hải Nam không chỉ là lần đầu tiên Trung Quốc điều tàu sân bay đến Biển Đông - khu vực tranh chấp, mà còn là lần đầu tiên nó cùng tiến hành diễn tập với cụm chiến đấu tàu  hộ tống triển khai tương tự như tàu sân bay Mỹ.

Chuyên gia phân tích chiến lược Australia, nhà sáng lập Quỹ khoa học công nghệ Canberra Rose Babic cho rằng: "Điều này có liên quan đến khả năng của Hải quân Trung Quốc, nhưng nó cũng có ý nghĩa chính trị rõ rệt. Thông qua điều tàu sân bay đến Biển Đông, Trung Quốc khẳng định vị thế nước lớn với khu vực này. Còn tín hiệu phản ứng của Mỹ là: nhớ rằng, chúng tôi vẫn ở đây, chúng tôi vẫn là lực lượng mạnh nhất".

Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc

Từ lâu, tàu sân bay Liêu Ninh luôn là tượng trưng cho mở rộng quân bị của Hải quân Trung Quốc.

Sau khi ngân sách quân sự liên tục tăng 2 con số trong 20 năm, các nhà lãnh đạo Hải quân Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa để hỗ trợ cho lợi ích kinh tế có phạm vi liên tục mở rộng của họ và đòi hỏi lãnh thổ (bất hợp pháp) ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Việc triển khai tàu sân  bay Liêu Ninh - hạt nhân của cụm chiến đấu tàu sân bay là bước đi đầu tiên của Trung Quốc, sau đó đến năm 2020, Trung Quốc sẽ còn triển khai vài chiếc tàu sân bay tự chế.

Đầu năm nay, báo cáo thường niên về hiện đại hóa quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc chỏ ằng, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo phải 15 năm nữa mới đưa vào triển khai.

Tuy có chuyên gia quân sự cho rằng, một số công trình chế tạo trước đã khởi công, nhưng cũng không có chứng cứ xác thực chứng minh, tàu sân bay đầu tiên Trung Quốc đã được khởi công thuận lợi ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, đảo Trường Hưng, ngoại ô Thượng Hải. Kế hoạch chuẩn xác chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc là bí mật quốc gia.

Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài, Trung Quốc
Tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài, Trung Quốc

Tiêu điểm quan tâm hiện nay là tàu Liêu Ninh làm thế nào nắm được nội dung cốt lõi của chương trình tàu sân bay. Điều này không những có nghĩa là máy bay cất/hạ cánh trên đường băng, mà là hải quân phải đưa ra chiến lược và lý luận cần thiết để bảo trì, tiếp tế tương ứng.

Tháng trước, khi tàu sân bay USS George Washington Mỹ tham gia diễn tập ở Biển Đông, sĩ quan Mỹ cho biết: "Tàu sân bay là một sự nghiệp hết sức gian khổ, phức tạp và đắt tiền".

Vị sĩ quan này nói: "Làm tốt tất cả phải mất thời gian rất nhiều, rất nhiều năm, trong khi đó chúng tôi vẫn đang nỗ lực trên phương diện này". Do không được quyền phát biểu với báo chí, nên vị sĩ quan này yêu cầu không tiết lộ danh tính.

Theo truyền thông Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh rời khỏi Thanh Đảo, biển Hoang Hải để thử nghiệm, huấn luyện, trọng điểm công tác ban đầu là hoạt động bay của máy bay chiến đấu J-15, nguyên mẫu của loại máy bay chiến đấu này là máy bay chiến đấu Su-33 Nga, mục đích thiết kế là dùng cho đường băng kiểu nhảy cầu của tàu sân bay Liêu Ninh.

Tàu khu trục số hiệu 529 Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu khu trục số hiệu 529 Trung Quốc (ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, dự  kiến, liên đội máy bay tàu sân bay đến năm 2015 hoặc muộn hơn mới có thể chính thức đưa vào triển khai.

Tuy nói trước đây tàu Liêu Ninh điều động đều có tiếp tế và hộ tống của tàu khác, nhưng ngày 26 tháng 11 rời khỏi đảo Hải Nam trên Biển Đông, đánh dấu nó lần đầu tiên triển khai diễn tập ở ngoài khơi với cụm chiến đấu tàu sân bay.

Lần này, tham gia diễn tập có các tàu khu trục Thẩm Dương và Thạch Gia Trang, cùng các tàu hộ vệ Yên Đài và Duy Phường. Theo truyền thông Trung Quốc, nó sẽ sử dụng một căn cứ hải quân ở Tam Á, căn cứ này được sử dụng riêng cho tàu sân bay.

Tùy viên quân sự sứ quán khu vực này cho rằng, nhìn vào công tình ở Tam Á, tàu Liêu Ninh sẽ định kỳ đến Biển Đông. Tam Á còn có một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, căn cứ này có thể dùng để bảo vệ tàu ngầm tấn công hạt nhân của tàu sân bay này.

Tàu ngầm Kilo Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu ngầm Kilo Trung Quốc (ảnh minh họa)

Một tùy viên quân sự quốc gia châu Á ở Hồng Kông cho rằng: "Đối với tôi, điều này một việc tệ hại. Sự tính toán trung tâm của Trung Quốc ở Biển Đông là làm thế nào để nhất thể hóa hành động tác chiến tàu sân bay của họ - vì vậy chúng tôi theo dõi chặt chẽ bất kỳ những thông tin nào có liên quan có thể biết".

Đông Bình