Tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc có thể trang bị động cơ hạt nhân?

23/02/2013 12:59
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc được cho là bắt đầu nghiên cứu công nghệ lõi tàu chiến động cơ hạt nhân và có thể ứng dụng chế tạo tàu sân bay nội địa.
Ý tưởng tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc (ảnh: báo Phương Đông, TQ)
Ý tưởng tàu sân bay thế hệ tiếp theo của Trung Quốc (ảnh: báo Phương Đông, TQ)

Tờ tuần san “Business Standard” Ấn Độ vừa có bài viết cho rằng, trong thời điểm dư luận có nhiều phỏng đoán về việc Bắc Kinh chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân, Trung Quốc đã phê duyệt cấp tiền phát triển công nghệ lõi cho tàu chiến động cơ hạt nhân.

Bài báo dẫn nguồn tin từ Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc (một trong hai nhà máy đóng tàu chủ yếu của Trung Quốc) cho biết, một cơ quan nghiên cứu của họ đã được nhà nước phê duyệt và được cấp tiền, chính thức bắt đầu bắt tay nghiên cứu công nghệ lõi của tàu động cơ hạt nhân.

Đại tá Đỗ Văn Long, nhà nghiên cứu cao cấp, Viện khoa học quân sự, Quân đội Trung Quốc nói với tờ “Nhật báo Trung Quốc” rằng, so với tàu động cơ thông thường, tàu chiến động cơ hạt nhân có hành trình xa hơn, đáng tin cậy hơn, vì vậy công nghệ hạt nhân của Trung Quốc trong tương lai có khả năng sẽ ứng dụng vào chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Dư luận Trung Quốc dựa vào tuyên bố này phỏng đoán, Trung Quốc có thể sẽ phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân của họ. Bài viết của tờ “Nhật báo Trung Quốc” còn dẫn thông tin từ blog của một blogger như sau: “Tôi cho rằng, việc nghiên cứu này chắc chắn sẽ mở đường cho tàu sân bay động cơ hạt nhân của chúng tôi”.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson (CVN-70) của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson (CVN-70) của Hải quân Mỹ

Theo bài báo, năm 2012, Trung Quốc đã biên chế cho hải quân nước họ tàu sân bay động cơ thông thường đầu tiên. Hiện nay, con tàu này vẫn đang được thử nghiệm. Đỗ Văn Long cho rằng, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ trang bị động cơ hạt nhân.

Ông chỉ ra, Trung Quốc đã nắm được công nghệ và khả năng công nghiệp chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân. Ông nói: “Chúng tôi đã sở hữu tàu ngầm hạt nhân, điều này cần công nghệ tiên tiến hơn và khả năng chế tạo, cho nên phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân hoàn toàn không khó khăn”.

Đại tá Lý Kiệt, nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu học thuật quân sự, Hải quân Trung Quốc cũng cho rằng, Trung Quốc “rất có thể” sẽ trang bị động cơ hạt nhân cho chiếc tàu sân bay thứ hai của họ. Ông cho biết, Trung Quốc đã nắm chắc phần lớn công nghệ quan trọng cho chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân. Nhưng, Lý Kiệt còn nói thêm, Trung Quốc vẫn cần giải quyết một số vấn đề về công nghệ.

Tàu sân bay USS Enterprise của Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu vào tháng 12/2012. Mỹ hiện còn sở hữu 10 tàu sân bay và chúng đều là tàu sân bay động cơ hạt nhân. Ngoài Mỹ, tàu sân bay Charles de Gaulle R91 của Hải quân Pháp cũng là tàu sân bay động cơ hạt nhân, đây cũng là chiếc tàu nổi động cơ hạt nhân đầu tiên của Pháp.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp
Tàu sân bay động cơ hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp
Đông Bình