Tên lửa đạn đạo của Nga khai hoả là để cảnh báo, răn đe Mỹ, NATO?

03/11/2013 08:31
Việt Dũng
(GDVN) - Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo chiến lược/ phóng ngầm, tên lửa phòng không/chiến thuật... khẳng định năng lực đáp trả hạt nhân hiệu quả.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol RS-12M của Nga
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol RS-12M của Nga

Sau khi NATO khởi công xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa châu Âu tại miền nam Romania được 2 ngày, Nga đã tiến hành răn đe đối với NATO.

Ngày 30 tháng 10, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Vladimir Putin, Lực lượng ngăn chặn hạt nhân chiến lược, Lực lượng phòng thủ vũ trụ-bầu trời, Hải quân và Lực lượng hàng không tầm xa của Nga đã tổ chức một cuộc diễn tập chiến lược quy mô lớn, thể hiện sức mạnh to lớn của Nga với NATO.

Tờ "Quan điểm" Nga dẫn lời Thư ký thông tin của Tổng thống Nga Peskov ngày 30 tháng 10 cho biết, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã hoàn thành cuộc kiểm tra và diễn tập tấn công của Lực lượng ngăn chặn hạt nhân chiến lược, Lực lượng phòng thủ vũ trụ-bầu trời, Hải quân và Lực lượng hàng không tầm xa.

Ông Peskov cho biết: “Trong thời gian diễn tập đã tiến hành phóng một loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đã kiểm tra hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Tất cả tên lửa phóng rất thuận lợi, đã bắn trúng thành công mục tiêu dự định”.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20V Nga
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20V Nga

Cục quản lý thông tin Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết: “Trong thời gian diễn tập, Lực lượng tên lửa chiến lược đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol RS-12M ở bãi phóng hàng không vũ trụ Plesetsk, đồng thời phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-20V (NATO gọi là Satan) ở khu vực đông Orenburg, 2 quả tên lửa chiến lược này đều bắn trúng mục tiêu dự định ở trường bắn Kula, bán đảo Kamchatka.

Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Bryansk và Thánh Georgi Bách thắng của Hải quân Nga đã lần lượt phóng tên lửa đạn đạo ở dưới lòng biển Barents và biển Okhotsk, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu dự định thành công. Đồng thời, Lực lượng phòng thủ vũ trụ-bầu trời đã phóng tên lửa phòng thủ tên lửa tầm gần ở bãi diễn tập của Kazakhstan, đã bắn trúng thành công mục tiêu tên lửa đạn đạo mô phỏng.

Lực lượng phòng thủ vũ trụ-bầu trời ở trường bắn Kapustin Yar cũng đã tiến hành phóng hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S, S-300 và S-400, đã đánh lui cuộc tấn công tên lửa trên không quy mô lớn của địch, tiêu diệt tổng cộng 15 mục tiêu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mô phỏng ở các loại khoảng cách và độ cao. Ngoài ra, cũng đã phóng 4 quả tên lửa chiến thuật Iskander và Tochka-U”.

Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S Nga
Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S Nga

Trong cuộc diễn tập, Quân đội Nga thông qua các hoạt động phóng thử này đã xác nhận trình độ sẵn sàng chiến đấu và độ tin cậy của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga và tính hiệu quả của tất cả hệ thống chỉ huy của lực lượng hạt nhân chiến lược.

Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Litovkin cho biết, tiến hành kiểm tra định kỳ đối với tình hình sẵn sàng chiến đấu của lực lượng ngăn chặn hạt nhân chiến lược và phòng không là rất cần thiết. "Lực lượng này phải luôn luôn giữ được trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Trong tình hình Mỹ tiến hành tấn công tên lửa hạt nhân đối với Nga, có thể nhanh chóng tiến hành đáp trả. Hệ thống cảnh báo sớm chiến lược và tấn công tên lửa là lực lượng hạt nhân chiến lược chủ yếu của nước tôi, là sự bảo đảm chủ yếu của an ninh quốc gia".

Ruslan Pukhov, chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, cuộc diễn tập này không chỉ là để kiểm tra trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang quốc gia, đồng thời cũng là phát đi một tín hiệu với kẻ thù tiềm tàng, khẳng định sức mạnh to lớn của Nga. Làm cho Mỹ và NATO hiểu rõ, Nga có năng lực tiến hành đáp trả hạt nhân hiệu quả đối với họ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga

Trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 31 tháng 10 cho rằng, diễn tập lực lượng hạt nhân chiến lược quy mô lớn này của Nga được tiến hành trong bối cảnh căn cứ hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ chính thức khởi công ở Romania, vì vậy có chuyên gia cho rằng, đây chủ yếu là biện pháp đối phó với hành động này của NATO.

Căn cứ phòng thủ tên lửa do Mỹ xây dựng ở Romania dự kiến đến năm 2015 đưa vào sử dụng. Đây là một bước đi quan trọng thúc đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ, đánh dấu việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền bắt đầu khởi động.

Mỹ sẽ triển khai tên lửa đánh chặn SM-3 ở căn cứ này, Mỹ cho biết, mục tiêu của căn cứ này là đánh chặn tên lửa Iran tấn công châu Âu, nhưng Nga cho rằng, đây là một bước đi quan trọng làm suy yếu năng lực răn đe chiến lược của Nga do Mỹ tiến hành.
Tên lửa phòng không S-300 của Nga
Tên lửa phòng không S-300 của Nga
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M Nga
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M Nga
Việt Dũng