Tham vọng phát triển không quân chiến lược của TQ ngày càng lộ rõ

20/01/2013 08:15
Đông Bình
(GDVN) - Với các loại nhu cầu hiện nay, Trung Quốc cần tới 300 máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn Y-20, tăng cường khả năng tác chiến khu vực...
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 xuất hiện trên đường băng của căn cứ Diêm Lương, Trung Quốc, do vệ tinh Mỹ chụp được.
Máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 xuất hiện trên đường băng của căn cứ Diêm Lương, Trung Quốc, do vệ tinh Mỹ chụp được.

Mạng sina Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho biết, máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn là một công cụ hiệu quả để bảo vệ lợi ích toàn cầu.

Y-20 của Trung Quốc đã ra đời đúng thời điểm, trong tương lai sẽ trở thành “hòn đá tảng” của “không quân chiến lược”, có thể giúp cho các lực lượng quân sự của Trung Quốc được điều động nhiều hơn tới khu vực cách xa lãnh thổ.

Nhìn vào các hình ảnh còn mơ hồ cho đến các hình ảnh vệ tinh do Mỹ chụp được, cộng với CG máy tính được vẽ chuyên nghiệp, máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn Y-20 của Trung Quốc đã từng bước cởi “mạng che mặt” và được dư luận rất quan tâm.

Là một trang bị mới được kết hợp giữa công nghệ trong nước và sao chép công nghệ nước ngoài, truyền thông cho rằng, sự xuất hiện của Y-20 đã mở ra “sân khấu” xây dựng không quân chiến lược cho Trung Quốc, ý nghĩa không thua kém gì tàu sân bay Liêu Ninh được hạ thủy vào năm 2012.

Máy bay vận tải Y-20 được bố trí kiểm tra trên đường băng
Máy bay vận tải Y-20 được bố trí kiểm tra trên đường băng

Theo bài báo, trong thế kỷ 21, khu vực tác chiến của quân đội một nước ngày càng rộng, “tiết tấu” chiến tranh ngày càng nhanh, đồng thời, không có nước nào không đi theo con đường “tinh binh”, quân số giảm rõ rệt nhưng sức chiến đấu đơn vị tăng nhanh.

Vì vậy, khả năng phản ứng nhanh, khả năng cơ động và khả năng tác chiến liên tục của quân đội ngày càng quan trọng. Thực hiện được những khả năng này, không nước nào không cần có sự bảo đảm của lực lượng vận tải đường không nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả cao. Vì vậy, máy bay vận tải cỡ lớn thực ra đã trở thành tấm “danh thiếp” của một cường quốc quân sự.

Máy bay vận tải quân dụng thường được phân thành máy bay vận tải chiến lược và máy bay vận tải chiến thuật, trong đó máy bay vận tải cỡ lớn thường là chỉ máy bay vận tải chiến lược có khả năng vận chuyển xuyên lục địa.

Đặc điểm của loại máy bay này là: khả năng tải trọng lớn, hành trình xa, trọng lượng cất cánh từ 150 tấn trở lên, tải trọng trên 40 tấn, hành trình vận chuyển bình thường trên 5.000 km, có thể tiến hành nhảy dù, dỡ hàng nhanh chóng, chủ yếu cất/hạ cánh ở các sân bay cỡ lớn và trung bình cách xa lãnh thổ, khi cần thiết cũng có thể triển khai ở sân bay dã chiến.

So sánh các loại máy bay vận tải cỡ lớn mang tính đại diện của thế giới.
So sánh các loại máy bay vận tải cỡ lớn mang tính đại diện của thế giới.

Hệ thống vận tải đường không quân dụng với nòng cốt là máy bay vận tải cỡ lớn, cùng với vận tải đường biển và đường bộ, đã tạo thành hệ thống vận tải quân sự hoàn chỉnh của một nước. So với các phương thức khác, ưu điểm lớn nhất của vận tải đường không là ở tốc độ.

Tốc độ tuần tra của máy bay vận tải quân dụng hiện đại cỡ lớn khoảng 500-900 km/giờ, gấp 15 lần tốc độ vận tải đường bộ, 25 lần vận tải đường biển, khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp vượt trội hơn so với hai phương thức vận tải sau.

Trong trường hợp cần phải điều động lực lượng, vũ khí, trang bị có số lượng lớn với tốc độ nhanh, máy bay vận tải cỡ lớn sẽ đóng vai trò chính, có thể bảo đảm cơ động chiến lược cho quân đội, giúp cho việc điều động chiến thuật được tiến hành có quy mô, nhanh chóng và bất ngờ.

Ngoài ra, vận tải đường không không bị ảnh hưởng bời điều kiện địa hình, thủy văn, có thể vượt qua rất nhiều trở ngại mà các phương thức vận chuyển khác cho là nơi nguy hiểm. Vì vậy, trong chiến tranh hiện đại, lực lượng vận tải hàng không quân dụng phần nào đã trở thành nhân tố quyết định thắng bại. Những quốc gia và thực thể chính trị muốn bảo vệ có hiệu quả lợi ích toàn cầu của họ sẽ không do dự trong phát triển máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn.

Máy bay vận tải quân dụng A-400M của Airbus
Máy bay vận tải quân dụng A-400M của Airbus

Nhìn vào tình hình thực tế của các nước, các loại máy bay được gọi là máy bay vận tải cỡ lớn gồm có: C-5, C-17 của Mỹ, An-22, An-124, An-225, IL-76 của Nga. Những nước có khả năng tự nghiên cứu chế tạo được loại máy bay này chỉ có Mỹ, Nga, số ít quốc gia EU và tổ chức quốc tế.

Điều cần nhấn mạnh là, một số loại máy bay vận tải được châu Âu và Nhật Bản đưa ra, cho dù tải trọng chưa đến 40 tấn, do công dụng chính của chúng tương tự máy bay của Mỹ, Nga, nên cũng có thể được đặt vào hàng ngũ máy bay vận tải chiến lược.

Máy bay vận tải quân dụng hiện đại cỡ lớn chuyên được thiết kế tuần tra dưới tốc độ âm thanh, hành trình bao trùm lên biên cương lãnh thổ rộng lớn, sau khi được tiếp dầu trên không, càng có tiềm năng tiến hành điều động lực lượng mang tính toàn cầu.

Máy bay vận tải của quân đội một nước, đặc biệt là số lượng trang bị, trình độ công nghệ và hiệu quả vận chuyển đương nhiên trở thành tiêu chí trực quan đo lường thực lực quốc phòng của nước đó.

Máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Mỹ.
Máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Mỹ.

Trên thực tế, những năm gần đây, hầu như trong tất cả các cuộc chiến tranh cục bộ, các loại máy bay bảo đảm chi viện với đại diện là máy bay vận tải cỡ lớn đều chưa vắng mặt, quy mô điều động gần như máy bay chiến đấu chủ lực, thậm chí được gọi là “chất xúc tác” cho tất cả các hành động quân sự, đã phản ánh đầy đủ vai trò thực sự của máy bay vận tải cỡ lớn trong tác chiến nhanh, cơ động và có chiều sâu lớn.

Có thể nói, việc ứng dụng phổ biến của máy bay vận tải cỡ lớn đã trực tiếp nâng cao khả năng cơ động và ứng biến của lực lượng vũ trang, đã tăng cường khả năng kiểm soát đối với tiến trình chiến tranh, đã nâng cao khả năng tác chiến liên tục cho quân đội.

Theo thống kê của Quân đội Mỹ, trong chiến tranh vùng Vịnh, sau khi nhận lệnh tham chiến, trong vòng 48 giờ, sư đoàn nhảy dù 82 của quân Mỹ lên các loại máy bay vận tải cỡ lớn, rời khỏi lãnh thổ, vượt qua hàng vạn km, là lực lượng cơ động nhanh đến chốt giữ trước ở Saudi Arabia. Theo sát là sư đoàn đột kích đường không 101, lực lượng này cũng nhanh chóng triển khai ở khu vực vùng Vịnh, đóng vai trò hết sức quan trọng cho việc triển khai thuận lợi tác chiến đối với Iraq.

Còn trong chiến tranh Iraq, máy bay vận tải cỡ lớn của Bộ Tư lệnh vận tải chiến lược Mỹ vô cùng tinh nhuệ, đã tiến hành 20.000 lượt bay, vận chuyển khoảng 300.000 lượt người, 120.000 tấn hàng. Khả năng vận tải đường không mạnh như vậy đã tạo điều kiện cho Washington thực hiện ý đồ chiến lược của họ, giúp cho họ có sách lược linh hoạt, đa dạng.

Máy bay vận tải tầm xa C-5 Galaxy Mỹ
Máy bay vận tải tầm xa C-5 Galaxy Mỹ

Chẳng hạn, khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho quân Mỹ sử dụng căn cứ không quân, 15 máy bay vận tải C-17 đã cất cánh từ Italia, chỉ mất 9 giờ đồng hồ, đã đưa lữ đoàn nhảy dù 173 với 1.000 binh sĩ nhảy dù đã lập tức đến Iraq, mở ra chiến tuyến phía bắc. Trong khi đó, nếu lựa chọn đường biển, khi đi hết hành trình thì chiến tranh đã kết thúc.

Tương tự, do trang bị công nghệ cao được ứng dụng rất nhiều trong chiến tranh hiện đại, lượng tiêu hao trang bị, đạn dược, nhiên liệu và các vật tư khác rất lớn, nếu không thể kịp thời tiếp tế và thay thế, rất có thể sẽ gây ảnh  hưởng bất lợi cho kết cục của chiến tranh.

Trong giai đoạn đầu của chiến tranh Iraq, do tốc độ điều động của sư đoàn bộ binh cơ giới 3 của quân Mỹ quá nhanh, việc tiếp tế hậu cần từng gặp khó khăn. Để nhanh chóng thoát khỏi tình hình bị động, quân Mỹ đã tiếp tục sử dụng máy bay vận tải cỡ lớn C-17, vận chuyển kịp thời cho sư đoàn này các vật tư như đạn dược, thực phẩm, thuốc.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong chiến tranh vùng Vịnh, quân Mỹ tổng cộng tiêu hao hơn 30 triệu tấn vật tư các loại, gấp gần 50 lần chiến tranh Triều Tiên. Do đó, nước lớn có tham vọng cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng bảo đảm vận tải đường không nhanh chóng, thông suốt và hiệu quả cao.

Máy bay vận tải hạng nặng An-225 Nga
Máy bay vận tải hạng nặng An-225 Nga

Trải qua hơn 30 năm phát triển tốc độ nhanh. Trong bối cảnh này, dư luận các nước không hề nghi ngờ về quyết tâm phát triển máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn của họ, chỉ có điều không có bằng chứng khẳng định sự tồn tại của loại máy bay này.

Mãi đến ngày 24/12/2012, trên diễn đàn quân sự Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra hình ảnh mơ hồ về máy bay vận tải cỡ lớn do Trung Quốc tự sản xuất, được cho là máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 đang tiến hành kiểm tra ở trung tâm thử nghiệm thuộc khu vực tây bắc.

Đầu năm nay, tạp chí Wired Mỹ cũng nhanh chóng đăng tải những hình ảnh mới về Y-20 chụp từ vệ tinh được bố trí trên đường băng sân bay, cho thấy nó sắp được bay thử lần đầu tiên.

Tờ “Jane’s Defense Weekly” cho rằng, Y-20 là máy bay vận tải chiến lược có thể tích rộng, cũng là cột mốc quan trọng trong kế hoạch nghiên cứu phát triển máy bay gần 20 năm qua. Máy bay này sử dụng 4 động cơ tua bin cánh quạt, chịu ảnh hưởng bởi nhiều sản phẩm hoàn thiện như IL-76 của Nga và C-17 của Mỹ.

Máy bay vận tải Y-20 Trung Quốc do dân mạng vẽ
Máy bay vận tải Y-20 Trung Quốc do dân mạng vẽ

Nhìn vào nhu cầu cứu nạn, tập kết và điều động lực lượng quân sự của Quân đội Trung Quốc, Trung Quốc sẽ cần đến máy bay Y-20 với số lượng rất lớn. Tiến độ nghiên cứu chế tạo máy bay quân dụng cỡ lớn của Trung Quốc rõ ràng đã vượt trước máy bay dân dụng cỡ lớn.

Bài báo cho rằng, sau khi nghiên cứu chế tạo thành công loại máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn này, không những sẽ tăng cường rất lớn khả năng điều động chiến lược cho Trung Quốc, mà còn giúp cho nước này tiến hành nhiều hơn các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, cứu trợ nhân đạo khi được Liên Hợp Quốc kêu gọi.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác, trên nền tảng của Y-20, Trung Quốc có khả năng chế tạo ra các phiên bản cải tiến phù hợp với các nhu cầu của họ. Chẳng hạn, không quân chiến lược cũng rất cần tới máy bay tiếp dầu trên không, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay trinh sát chiến lược tầm xa, máy bay tác chiến điện tử và máy bay đặc nhiệm.

Báo chí nước ngoài suy đoán, nhu cầu thực tế về số lượng máy bay Y-20 của Quân đội Trung Quốc ít nhất phải trên 300 chiếc, quy mô lớn như vậy đủ để 2 nhà máy chế tạo máy bay sản xuất hết công suất trong 10 năm.

Máy bay vận tải An-124 Ruslan Nga
Máy bay vận tải An-124 Ruslan Nga

Tờ tạp chí “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản cho rằng, tiếp sau máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31 của Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô và Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương, đơn vị thiết kế Y-20, Tập đoàn công nghiệp máy bay Tây An cũng đã gia nhập vào cuộc cạnh tranh này.

Tính năng của Y-20 chắc chắn mạnh hơn IL-76 được trang bị cho Quân đội Trung Quốc hiện nay, có thể vận chuyển được xe tăng chiến đấu Type 99A lớp 58 tấn nặng nhất của Quân đội Trung Quốc.

Máy bay này bay thử lần đầu tiên đã bước vào giai đoạn “đếm ngược”, “nó có ý nghĩa sâu xa đối với Trung Quốc, sẽ đưa Trung Quốc tiến thêm một bước quan trọng vào câu lạc bộ ưu tú hàng không-vũ trụ có khả năng độc lập nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải hạng nặng với hành trình xuyên châu lục”.

Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” cho rằng, sự xuất hiện của Y-20 có nghĩa là chương trình phức tạp của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc từng bước được thực hiện theo thời gian dự định. Đối với nước Trung Quốc, tăng cường số lượng máy bay vận tải quân dụng cỡ lớn không chỉ xuất phát từ mục đích quân sự, mà còn phù hợp với vai trò ảnh hưởng liên tục tăng lên của họ.

Trong tương lai, máy bay này có thể cải thiện rõ rệt khả năng tác chiến khu vực cho Quân đội Trung Quốc, giúp nước này ứng phó nhanh chóng với các tình trạng khẩn cấp, trong đó có bảo đảm an toàn cho công dân của họ ở nước ngoài.

Máy bay vận tải quân dụng hạng nặng tầm xa An-22 của Nga
Máy bay vận tải quân dụng hạng nặng tầm xa An-22 của Nga
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". 
Đông Bình