"Thỏa thuận thuê đất đai Trung Quốc - Pakistan sẽ đe dọa Ấn Độ"

21/03/2012 06:45
Đông Bình (Theo báo Phượng Hoàng)
(GDVN) - "Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Quân đội Trung Quốc có ý định xây dựng căn cứ quân sự ở phía bắc Pakistan; trong khi đang xây dựng một bến cảng ở Gwadar".
Bang Arunachal của Ấn Độ: Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng (ảnh lấy từ Internet).
Bang Arunachal của Ấn Độ: Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng (ảnh lấy từ Internet).


Tuần san “Tin tức Quốc phòng” kỳ mới nhất của Mỹ có bài viết nhan đề “Chuyên gia: Thỏa thuận đất đai Trung Quốc-Pakistan sẽ đe dọa Ấn Độ”.

Bài viết cho rằng, gần đây có tin cho biết, Pakistan có ý định cho Trung Quốc thuê một bộ phận khu vực Gilgit - Baltistan ở phía bắc, hiện nay nhà cầm quyền Ấn Độ vẫn chưa có bất cứ phản ứng nào đối với tin này.

Báo Mỹ viết, trong thời điểm quan hệ Mỹ-Pakistan ngày càng xấu đi, Viện Nghiên cứu Truyền thông Trung Đông Washington tiết lộ động thái trên sẽ tăng cường quan hệ chiến lược giữa Islamabad và Bắc Kinh.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ từ chối đưa ra bình luận về thông tin này, nhưng các chuyên gia quốc phòng Ấn Độ cho biết hành động này của Pakistan sẽ tạo ra mầm họa to lớn cho an ninh quốc gia Ấn Độ. Được biết, thời hạn thuê đất là 50 năm.

Theo tạp chí Mỹ, Chủ nhiệm đã nghỉ hưu của “Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ”, Chuẩn tướng Lục quân Gurmeet Kanwal cho biết: “Pakistan không có nhiều khả năng cho Trung Quốc thuê khu vực này, bởi vì đây không phải là sự quan tâm của họ”.

Tuy nhiên, chuyên gia Viện Nghiên cứu Phân tích Quốc phòng Ấn Độ Das cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, hành vi này có liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và khủng hoảng lòng tin của Ấn Độ đối với Trung Quốc.

Trung Quốc có nghĩa vụ ngừng các hoạt động ở đây, đồng thời cần đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy, chỉ nói phủ nhận thì hoàn toàn không đủ”.

Tháng 10/2011, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, Thượng tướng V.K. Singh quan tâm đến có một “lực lượng Trung Quốc” khoảng 4.000 người ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Khu vực Kashmir (ảnh lấy từ Internet)
Khu vực Kashmir (ảnh lấy từ Internet)


Ông nói: “Đội hình lực lượng này rất lớn, khoảng 3.000-4.000 người, trong đó có một số nhân viên phụ trách bảo vệ an ninh, rõ ràng đây là một lực lượng công trình”.

Khi được hỏi về những thông tin trên, một người phát ngôn của Quân đội Pakistan ở Islamabad trả lời rằng: “Đây là công việc giữa hai Chính phủ, Quân đội sẽ không bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng không thể liên hệ được”.

Tạp chí Mỹ viết, cựu Tùy viên quân sự Australia ở Islamabad, nhà phân tích Brain Crawley đã phủ nhận khả năng thuê đất lần này, ông nói: “Đối với Pakistan, hầu như không có nhiều khả năng cho bất cứ nước nào thuê đất.

Xây dựng hạ tầng cơ sở ở khu vực này chỉ là cải thiện đường sá, thực tế giống như sửa đường quốc lộ Karakoram, một số công nhân Trung Quốc làm việc ở đây, cũng có một số nhân viên kỹ sư của Quân đội Trung Quốc, nhưng không có lực lượng chiến đấu”.

Crawley còn cho biết: “Trung Quốc và Pakistan không thể liên kết phát động các hành động quân sự đối với Ấn Độ, vấn đề của bản thân Pakistan đã đủ nhiều rồi, ngoài dẹp loạn ở phía tây, còn phải bận rộn xử lý các vấn đề ở phía bắc và phía đông.

Báo Mỹ cho rằng, các nguồn tin từ Quân đội Ấn Độ cho biết, có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Quân đội Trung Quốc có ý định xây dựng căn cứ quân sự ở phía bắc Pakistan. Trong khi đó Trung Quốc đang xây dựng một bến cảng ở Gwadar ở ven biển Ả-rập, phía nam Pakistan.

Khu vực Gwadar của Pakistan.
Khu vực Gwadar của Pakistan.


Theo chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Nitin Mehta, nếu Pakistan cho Trung Quốc thuê khu vực Gilgit, chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng đối đấu giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Mehta cho biết, Ấn Độ từng xảy ra chiến tranh với cả Trung Quốc và Pakistan, cho nên hành động thiết lập căn cứ quân sự ở Pakistan của Trung Quốc có thể có nghĩa là hai nước láng giềng thù địch sẽ liên kết phát động chiến tranh đối với Ấn Độ.

Tạp chí Mỹ viết, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phân tích Quốc phòng Ấn Độ Ali Ahmed cho biết, hai nước Trung Quốc-Pakistan hoàn toàn sẽ không phát động tấn công đối với Ấn Độ ở khu vực Gilgit, nơi chủ yếu là đồi núi.

Ông nói: “Điều kiện địa lý của Gilgit không cho phép các chiến dịch quân sự có quy mô, một là cho dù thông qua biện pháp của con người hay biện pháp kỹ thuật, Ấn Độ đều có thể thăm dò được dấu hiệu của những hoạt động quân sự này. Hai là, do địa hình miền núi không có lợi cho điều động tập kết lực lượng”.

Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Mahindra Singh cho biết, cùng với việc tiến hành đối kháng quân sự với Trung Quốc và Pakistan, Ấn Độ cũng đang thay đổi chính sách ngoại giao phòng ngự nhất quán đối với Trung Quốc, trở nên có tính chủ động hơn.

Singh cho biết, sự thay đổi thái độ ngoại giao này có thể nhìn thấy từ khi Ấn Độ bắt đầu can thiệp vào vấn đề biển Đông.

Singh nói thêm rằng: “Chính phủ Mỹ ủng hộ Ấn Độ đóng một vai trò tích cực hơn ở châu Á, bởi vì Mỹ cũng cần dựa vào sức mạnh của Ấn Độ để ngăn chặn Trung Quốc”.

Hệ thống tên lửa phòng không Akash do Ấn Độ tự sản xuất.
Hệ thống tên lửa phòng không Akash do Ấn Độ tự sản xuất.


Báo Mỹ viết, cách đây không lâu, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony đã đến thị sát bang Arunachal (Trung Quốc gọi là khu vực nam Tây Tạng), hành động này đã làm nổi lên một cuộc chiến ngoại giao giữa hai nước Trung-Ấn.

Bắc Kinh đã đưa ra sự phản đối nghiêm khắc đối với hành động này, cho rằng khu vực này là lãnh thổ tồn tại tranh chấp song phương.

Đáp lại, ngày 26/2, Antony nói, Trung Quốc bình luận về chuyến thăm Arunachal của ông là “rất gây phản cảm”. Mục đích chuyến thăm lần này của Antony là tham dự hoạt động chào mừng tròn 25 năm thành lập bang Arunachal. Phía Trung Quốc cho biết, hành động này sẽ làm phức tạp hóa vấn đề biên giới.

Báo Mỹ cho rằng, hai bên Trung-Ấn đang đối mặt với tranh chấp đường biên giới dài nhất thế giới: Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với vùng lãnh thổ 92.000 km2 ở phía bắc Ấn Độ.

Hiện nay, biên giới hai nước Trung-Ấn được phân định thông qua một tuyến kiểm soát thực tế (LAC) dài 4.056 km: Đường biên giới này vừa không được đánh dấu trên mặt đất, vừa không được hai bên thừa nhận trên bản đồ.

Kể từ giữa thập niên 1980, hai bên đã tiến hành đàm phán nhiều lần về vấn đề biên giới, nhưng đều không đạt được tiến triển mang tính thực chất.

Tên lửa đạn đạo kiểu cơ động DF-21C của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo kiểu cơ động DF-21C của Trung Quốc.


Tạp chí Mỹ cho rằng, tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở củng cố phòng tuyến quân sự ở khu vực biên giới hai nước. Về quân bị, Hải quân Trung Quốc chi tiêu hàng năm khoảng 70 tỷ USD, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Ấn Độ vào khoảng 30 tỷ USD.

Một nhà phân tích độc lập Ấn Độ đã viết trong báo cáo “Không liên kết 2. 0: chính sách ngoại giao và chiến lược của thế kỷ 21” rằng: “Tình hình biên giới Trung-Ấn những năm qua cơ bản ổn định, nhưng Trung Quốc rất có khả năng sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ (đặc biệt là ở bang Arunachal và khu vực Ladakh).

Đồng thời, trong chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ áp dụng tất cả mọi biện pháp để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.


Đông Bình (Theo báo Phượng Hoàng)