Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời báo Ấn Độ: TQ sẽ tấn công Ấn Độ vào 2017

12/09/2012 07:38
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - "Trước năm 2017, Trung Quốc có thể tấn công Ấn Độ, hơn nữa có khả năng Pakistan thừa cơ gây phiền phức cho Ấn Độ".
Binh sĩ Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự Trung-Ấn (ảnh tư liệu).
Binh sĩ Trung Quốc tham gia diễn tập quân sự Trung-Ấn (ảnh tư liệu).

Ngày 10/9, tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc có bài viết cho rằng, ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt kết thúc chuyến thăm Ấn Độ vài ngày, các phương tiện truyền thông Ấn Độ tiếp tục nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn tin ngày 8/9 từ tờ “Hindustan Times” có bài viết so sánh về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Trang mạng “Bình luận Âu-Á” tiết lộ, 3 năm trước, Quân đội Ấn Độ từng tiến hành một cuộc diễn tập quân sự nhằm vào Trung Quốc, khi đó đã đưa ra kết luận là: Đến năm 2017, Trung Quốc có thể tấn công Ấn Độ. Trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ, hầu như mỗi một sự kiện đều được so sánh với Trung Quốc, điều này được chuyên gia cho là Ấn Độ cảm thấy không tự tin.

Ấn Độ có thói quen so sánh sức mạnh quân sự Trung-Ấn

Việc so sánh sức mạnh quân sự giữa Trung-Ấn của tờ “Hindustan Times” trước tiên được bắt đầu từ chi tiêu quân sự.

Theo bài báo, chi tiêu quân sự năm 2012 được Trung Quốc công bố là 106,41 tỷ USD, nhưng chi tiêu thực tế có thể gấp đôi con số này. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Ấn Độ chỉ có 35,09 tỷ USD.

Tháng 5/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony nói với Quốc hội nước này rằng, Bộ Quốc phòng sẽ tìm kiếm 8,18 tỷ USD bổ sung.

Theo đó, chi tiêu quân sự của Ấn Độ sẽ từ 1,9% tăng lên 2,35% GDP. Một số chuyên gia thậm chí kêu gọi chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ phải đạt 3% GDP để đuổi kịp các bước hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc.

Máy bay MiG-23 của Ấn Độ trong lễ duyệt binh.
Máy bay MiG-23 của Ấn Độ trong lễ duyệt binh.

Theo bài báo, Không quân Trung Quốc có 3.500 máy bay chiến đấu, nhưng hầu hết là thiết kế lỗi thời, Không quân Ấn Độ chỉ sở hữu hơn 600 máy bay chiến đấu.

Trong khi Ấn Độ có 135 tàu chiến, thì Hải quân Trung Quốc có tới gần 400 tàu chiến, nhưng Hải quân Trung Quốc thiếu khả năng tác chiến tầm xa, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hiện vẫn ở giai đoạn chạy thử, Trung Quốc cuối cùng phải triển khai 4-5 tàu sân bay.

Theo một biểu đồ do trang mạng này cung cấp, về tên lửa chiến lược, tên lửa đạn đạo DF-31 có tầm phóng 14.000 km của Trung Quốc có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới, còn tên lửa Agni-5 có tầm phóng 5.000 m của Ấn Độ hiện vẫn đang thử nghiệm; Trung Quốc sở hữu 2 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, gồm tàu lớp Hạ kiểu cũ và tàu lớp Tấn mới nhất, còn Ấn Độ chỉ có một chiếc tàu Arihant vừa mới hạ thuỷ chứ chưa thử nghiệm. Về xe tăng, Trung Quốc có 9.000-10.000 chiếc, còn Ấn Độ chỉ có 3.500 chiếc.

Quân đội thường dùng diễn tập tạo khoảng cách

Khác với chuyện quân sự trên giấy của truyền thông Ấn Độ, Quân đội Ấn Độ sử dụng diễn tập quân sự thực binh để đánh giá sức chiến đấu giữa quân đội hai nước Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo tiết lộ ngày 5/9 của trang mạng “Bình luận Âu-Á”, năm 2009, Ấn Độ đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự hết sức bí mật, mang tên “Divine Matrix”, cuộc diễn tập này chủ yếu dùng để phân tích mối đe doạ của Trung Quốc đối với Ấn Độ, kết luận được rút ra là: Trước năm 2017, Trung Quốc có thể tấn công Ấn Độ, hơn nữa có khả năng Pakistan thừa cơ gây phiền phức cho Ấn Độ.

Cụm máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc
Cụm máy bay chiến đấu J-10 Trung Quốc

Bài báo cho rằng, năm 2009, Lục quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở biên giới Trung-Ấn, thời gian kéo dài hơn 2 tháng, binh sĩ tham diễn gần 50.000 người, mục tiêu chủ yếu là kiểm tra khả năng ứng phó của Quân đội Trung Quốc ứng phó với bất cứ sự kiện bất ngờ nào ở Tây Tạng và các khu vực biên giới khác.

Đáp trả, Lục quân Ấn Độ đã tổ chức cuộc diễn tập “Divine Matrix”. Cuộc diễn tập này cho thấy, thông qua các cơ sở quân sự kiên cố và hạ tầng cơ sở quân sự không ngừng được nâng cấp ở khu vực lân cận biên giới Trung-Ấn, Quân đội Trung Quốc có thể phát động tập kích rất nhanh mà không đưa ra bất cứ lời cảnh báo nào.

Căn cứ vào bài học rút ra từ cuộc diễn tập, Ấn Độ thậm chí quyết định triển khai quân đội trong môi trường địa lý khắc nghiệt nhất, bao gồm ở núi cao, đỉnh núi tuyết, hang núi sâu và các tuyến đường nguy hiểm.

Ngoài ra Quân đội Ấn Độ cũng đã tăng cường triển khai ở khu vực biên giới phía đông bắc, ngoài máy bay chiến đấu MiG-21, đại đội tên lửa và máy bay do thám không người lái, Ấn Độ còn có kế hoạch triển khai 2 phi đội máy bay chiến đấu Su-30MKI ở căn cứ Tezpur, vị trí căn cứ này cách bang Arunachal (Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng) 150 km về phía nam.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A của Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A của Pháo binh 2 Trung Quốc
Tên lửa Agni-5 Ấn Độ có thể bao trùm lãnh thổ Trung Quốc.
Tên lửa Agni-5 Ấn Độ có thể bao trùm lãnh thổ Trung Quốc.

Tâm trạng nước lớn và tâm lý nước nhỏ

Hoàn cầu thời báo cho rằng, mấy năm gần đây, bất kể là Quân đội Ấn Độ hay truyền thông Ấn Độ, đều hay lấy Trung Quốc ra để so sánh. Khi tên lửa chiến lược Agni-5 vừa phóng thành công, đã có phương tiện truyền thông Ấn Độ vội vã tuyên bố, Agni-5 có thể tấn công Bắc Kinh, Trung Quốc.

Ở khu vực biên giới trên đất liền, cơ quan tình báo của họ quan tâm chặt chẽ tới hợp tác quân sự Trung Quốc-Pakistan, mua riêng máy bay do thám/trinh sát không người lái tiên tiến của Israel triển khai ở biên giới Trung-Ấn.

Ấn Độ còn xây dựng phi đội máy bay do thám/trinh sát không người lái ở khu vực kề sát eo biển Malacca, tập trung theo dõi “trạm radar Trung Quốc” (Myanmar gọi) và tuyến đường hàng hải của Trung Quốc. Trong khi đó, nhất cử nhất động của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương càng tác động tới dây thần kinh của người Ấn Độ.

Có chuyên gia phân tích cho rằng, Ấn Độ “sốt sắng” quá mức với Trung Quốc đã có sự hỗn độn một loại tâm trạng nước lớn và tâm lý nước nhỏ - Hoàn Cầu thời báo tuyên truyền.

Điều này cũng có liên quan tới cái bóng từ sự thất bại trong cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn năm 1962. Trong cuộc xung đột đó, Quân đội Ấn Độ tràn đầy lòng tin đã dễ dàng bị sụp đổ, vì vậy, hai chữ “Trung Quốc” luôn kích thích dây thần kinh của người Ấn Độ.

Tờ “Thời báo châu Á” trực tuyến từng cho rằng, là một nước lớn của khu vực châu Á, vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trên sân khấu chính trị thế giới ngày càng lớn, đặc biệt là quan hệ với các nước khu vực xung quanh ngày càng ổn định, hoàn thiện. Điều này đã khiến cho Ấn Độ ghen tị.
Tàu ngầm hạt nhân 092 lớp Hạ, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân 092 lớp Hạ, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu mới 094 lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược kiểu mới 094 lớp Tấn, Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân Arihant đầu tiên do Ấn Độ tự sản xuất.
Tàu ngầm hạt nhân Arihant đầu tiên do Ấn Độ tự sản xuất.
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-II của Ấn Độ, thuê của Nga.
Tàu ngầm hạt nhân Chakra-II của Ấn Độ, thuê của Nga.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)