Thời báo Hoàn Cầu viết gì về Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp?

09/10/2013 10:42
Việt Dũng
(GDVN) - Điện Biên Phủ là một thành phố nhỏ của Việt Nam hiện nay, khu vực giáp giới với Lào, về chiến lược, nếu muốn tìm được một cứ điểm chiến lược có thể kiểm soát chặt chẽ biên giới ba nước Trung Quốc-Việt Nam-Lào ở Việt Nam, thì chỉ có Điện Biên Phủ...
Đại tướng huyền thoại của Việt Nam - Võ Nguyên Giáp
Đại tướng huyền thoại của Việt Nam - Võ Nguyên Giáp

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 8 tháng 10 có bài viết cho rằng, cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam, người sáng lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần ngày 4 tháng 10 (theo giờ địa phương) tại Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đây gợi nhớ cho Việt Nam và phương Tây về lúc sinh thời của ông, có 3 điểm đến nay vẫn được người Việt Nam say sưa kể về ông: Thứ nhất, tham gia thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thứ hai, đánh thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thứ ba, là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tối cao của Việt Nam trước đây, đã dẫn dắt nhân dân đánh bại "chủ nghĩa đế quốc Mỹ", đã giành thắng lợi trong chiến tranh Việt Nam.
Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập với 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.

Thành lập Quân đội

Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại làng An Xá, tỉnh Quảng Bình, khi còn trẻ học ở trường Quốc học Huế nổi tiếng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng học ở đây. Năm 1938, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), trở thành cốt cán cách mạng đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Khi đó, Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) nằm dưới sự thống trị của thực dân Pháp, đã đến thời điểm sắp bùng nổ chiến tranh, phong trào độc lập dân tộc đang trên đà phát triển, đặc biệt là năm 1940 Pháp nhanh chóng bị đánh bại bởi cuộc tấn công chớp nhoáng của phát xít Đức, tháng 9, Quân đội Nhật Bản (đã đoạt được miền nam Trung Quốc) tiến vào Việt Nam.

Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.
Năm 1948, ở tuổi 37, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm đại tướng và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong ảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.

Quân Phát xít Nhật xâm lược, về khách quan, đã mở ra hình thức đấu tranh mới cho các nhà cách mạng Việt Nam. Năm 1941, các phong trào cách mạng ở Việt Nam quyết định lấy Đảng Cộng sản làm chủ thể, thành lập "Việt Nam độc lập đồng minh hội" (gọi tắt là Việt Minh), lãnh đạo phong trào du kích chống Nhật, chống Pháp.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, trong một khu rừng (Trần Hưng Đạo) ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp tổ chức lại đội quân thành "Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", giới sử học phổ biến coi "đội tuyên truyền" này là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau này Chính phủ Việt Nam định ngày này là ngày thành lập Quân đội Việt Nam.

Vài ngày sau, Võ Nguyên Giáp và 33 chiến sĩ độc lập tay cầm dao sắt và súng có ngòi cổ đã tập kích 2 trạm gác quân Pháp cô lập, đã nổ phát súng đầu tiên cho đấu tranh vũ trang. Năm 1945, Nhật Bản trên bờ vực sụp đổ, tháng 8 cùng năm, quân Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đã phát động cuộc khởi nghĩa, sau đó, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập tại Hà Nội.

"Con hổ Điện Biên Phủ"

Năm 1946, Pháp - nước vừa chiến thắng phát xít Nhật không cam tâm mất đi Đông Dương, quyết định dùng vũ lực khôi phục trật tự thực dân vốn có. Lúc ban đầu khai chiến, quân Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy bị quân Pháp áp đảo ở khắp nơi. Đến năm 1947, quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, quân Việt Minh buộc phải quay trở lại với núi rừng, quay trở lại trạng thái chiến tranh du kích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trước khi đại tướng lên đường, Chủ tịch hỏi: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?", đại tướng trả lời: "Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Chủ tịch chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh". Cuối cùng, Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Trước khi đại tướng lên đường, Chủ tịch hỏi: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?", đại tướng trả lời: "Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Chủ tịch chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh". Cuối cùng, Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Nhà sử học người Mỹ Bernard Farl cho rằng: "Cả 4 năm, Võ Nguyên Giáp di chuyển đến núi rừng Việt Bắc, ông và những đồng chí của mình đi dép cao su được chế từ lốp ô tô, ăn rau củ trong rừng, đề phòng quân xâm lược Pháp. Nhưng ông không hề nao núng, sau đó nhớ lại giai đoạn này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ nói một cách hóm hỉnh rằng, thứ mệt nhất chỉ là rửa bát đĩa"...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Lào đi đến thắng lợi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Souphanouvong bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước Việt Lào đi đến thắng lợi.

Cùng với diễn biến của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chính phủ Pháp nóng lòng cứu vãn thế thua, tháng 5 năm 1953, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp mới nhậm chức Henri Navarre (Hăngri Nava) đưa ra kế hoạch tác chiến táo bạo, nội dung cốt lõi là chiếm đóng một trận địa kiên cố, cắt đứt tuyến đường giao thông được  chi viện từ phía Bắc của Việt Minh, mà trận địa được Nava vừa ý chính là Điện Biên Phủ nổi tiếng thế giới sau này.

Điện Biên Phủ là một thành phố nhỏ của Việt Nam hiện nay, khu vực giáp giới với Lào, về chiến lược, nếu muốn tìm được một cứ điểm chiến lược có thể kiểm soát chặt chẽ biên giới ba nước Trung Quốc-Việt Nam-Lào ở Việt Nam, thì chỉ có Điện Biên Phủ. Ngày 20 tháng 11 năm 1953, đơn vị tiên phong của Pháp với 1.800 quân đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Đứng trước tình hình chiến sự bất ngờ trở nên phức tạp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bình tĩnh phân tích, quyết định biến "nở hoa ở trung tâm" của người Pháp thành "bắt cá trong chậu". Ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tập trung binh lực ưu thế 4 sư đoàn, đồng thời sử dụng trọng pháo (được vận chuyển bí mật trước đó) nã đạn vào trận địa của quân Pháp, trong chớp mắt rất nhiều quân Pháp chưa kịp che chắn đã bị tiêu diệt.

Trải qua cuộc quyết chiến gần 2 tháng, bị Quân đội Việt Nam vây hãm trong thung lũng nhỏ hẹp, quân Pháp đã phải từ bỏ kháng cự, Pháp không thể tiếp tục tiến hành chiến tranh, đã ký Hiệp định Geneva với Việt Minh, hai bên lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới ngừng bắn. Chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm cho phương Tây biết đến Võ Nguyên Giáp, đặt cho ông biệt hiệu "Con hổ Điện Biên Phủ".

17 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ sung tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ.
17 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ sung tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ

Trong bối cảnh quốc tế của Chiến tranh Lạnh, tháng 8 năm 1964, Mỹ tạo dựng sự kiện vịnh Bắc Bộ để lấy cớ phát động cuộc tập kích đường không toàn diện đối với miền Bắc Việt Nam. Đối mặt với nước Mỹ có vũ khí trang bị mạnh và chiến thuật quân sự tiên tiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu chuẩn bị chiến dịch quy mô lớn, ông xác định thời gian tổng tiến công là cuối tháng 1 năm 1968, tức Tết Nguyên Đán (tết âm lịch).

Rạng sáng ngày 31 tháng 1, Quân đội Việt Nam (miền bắc) đã tổ chức cho 84.000 quân phát động tấn công. Mặc dù cuộc tổng tiến công đã thu được nhiều kết quả, nhưng thương vong rất nhiều… (Tuy nhiên, chiến dịch đã gây tiếng vang lớn, đánh bại Mỹ về mặt chiến lược và giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân phản đối chiến tranh tại Mỹ và trên toàn thế giới, buộc Hoa Kỹ phải ngừng ném bom miền bắc, ngồi vào bàn đàm phán và dần rút quân khỏi Việt Nam).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không cam chịu những tổn thất ban đầucủa cuộc "tổng tiến công mùa Xuân", ông nhẫn nại lựa chọn cơ hội mới. Năm 1972, Võ Nguyên Giáp quyết tâm tận dụng các nguồn lực quân sự viện trợ, tiếp tục phát động một đợt tiến công quy mô lớn, đợt tiến công này đặt tên là "Nguyễn Huệ". Trong giai đoạn đầu của cuộc tiến công (4 ngày), thế tiến công như chẻ tre, nhưng Quân đội Việt Nam đã vấp phải khó khăn khi Mỹ sử dụng máy bay ném bom B-52 tiến hành oanh tạc kiểu rải thảm.

Đại tướng duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.
Đại tướng duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.

Năm 1975, Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột.

Chính ông nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".

Bình thường hóa quan hệ Việt-Trung

Sau này, để thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt-Trung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò rất lớn. Năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham dự Lễ khai mạc Á vận hội Bắc Kinh, tuyên bố quan hệ Trung-Việt bình thường hóa.

Năm 2010, cán bộ và nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) tặng đại tướng bài thơ: "Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai".
Năm 2010, cán bộ và nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) tặng đại tướng bài thơ: "Đại tướng anh hùng dễ mấy ai/ Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài/ Thắng hai đế quốc, bách niên thọ/ Hoàn cầu có một, không có hai".

Ở Việt Nam, tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một sự ngưỡng mộ, khâm phục và tôn kính. Truyền thông phương Tây cho rằng, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng được cả bạn bè và kẻ thù kính phục. Thượng nghị sĩ Mỹ hiện nay là John McCain nhấn mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "kẻ thù đáng kính".


Việt Dũng