Thượng tá TQ: Cần lập vùng cấm bay để Myanmar biết thế nào là đau đớn

18/03/2015 09:01
Đông Bình
(GDVN) - Theo Nhạc Cương, Trung Quốc cần dùng thủ đoạn “củ cà rốt + cây gậy lớn” để Myanmar nếm mùi đau khổ, lập vùng cấm bay tiếp quản không phận Myanmar...
Ngày 13 tháng 3 năm 2015, báo chí Trung Quốc cho biết, Không quân Trung Quốc điều động nhiều tốp máy bay chiến đấu tuần tra biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn ce.cn TQ)
Ngày 13 tháng 3 năm 2015, báo chí Trung Quốc cho biết, Không quân Trung Quốc điều động nhiều tốp máy bay chiến đấu tuần tra biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn ce.cn TQ)

Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông, Trung Quốc ngày 14 tháng 3 đăng bài viết nhan đề “Thượng tá: Không quân cần lập vùng cấm bay, máy bay chiến đấu Myanmar vượt biên giới thì trực tiếp bắn rơi”.

Bài viết dẫn lời Thượng tá Nhạc Cương, chuyên gia vấn đề quân sự, cựu quan chức Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc cho rằng, Quân đội Trung Quốc sử dụng lực lượng răn đe không đủ, giao thiệp ngoại giao đã thất bại, bởi vì sự việc liên tục tái diễn. Phải hiểu rõ bản chất của Chính phủ Myanmar, mặc dù hiện do Tổng thống Thein Sein được dân bầu lên nắm quyền, nhưng đằng sau vẫn có lực lượng quân sự chi phối.

Nhạc Cương lu loa cho rằng, Chính phủ Myanmar hiện nay là một chính phủ “cực kỳ hiếu chiến”, không chỉ áp dụng “vũ lực hung hăng” với Trung Quốc, mà còn từng tiến hành “thăm dò vũ lực” đối với Ấn Độ.

Nhạc Cương cho rằng, đối với Myanmar, Trung Quốc cần sử dụng thủ đoạn “củ cà rốt + cây gậy lớn”. Không chỉ cho củ cà rốt, mà còn phải sử dụng “cây gậy lớn” khi cần thiết. Lấy “đấu tranh” để có được sự đoàn kết thì đoàn kết mới có được, lấy thỏa hiệp để đoàn kết thì đoàn kết mất đi.

Myanmar lệ thuộc vào Trung Quốc, cũng lệ thuộc vào Mỹ và Nhật Bản, nhưng Mỹ và Nhật Bản còn lâu mới có ưu thế địa lý như Trung Quốc, vì vậy, Trung Quốc cần “dám kiên quyết đáp trả, kiên quyết trừng phạt”, không sợ họ xa lánh nhất thời đối với Trung Quốc.

Lực lượng tên lửa HQ-12 của Không quân Trung Quốc được cho là đã điều đến biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Lực lượng tên lửa HQ-12 của Không quân Trung Quốc được cho là đã điều đến biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Nhạc Cương cho rằng, vì lợi ích thực tế to lớn và quan hệ địa-chính trị, Myanmar không thể không quay trở lại, vì vậy, Trung Quốc tiến hành kiềm chế và nhẫn nhịn hoàn toàn không phải là một phương thức rất tốt để duy trì quan hệ tốt này. Hiện nay, chỉ cho “củ cà rốt” là không cao tay, là thất sách. Trung Quốc cần sử dụng cả “củ cà rốt” và “cây gậy lớn”. Nếu không tiến hành đáp trả kiên quyết đối với hành vi thách thức chủ quyền và tôn nghiêm của Trung Quốc này, việc ở “cửa nhà” làm không xong, thì làm sao có thể nói đến “1 vành đai, 1 con đường”, làm sao có thể “vươn ra ngoài”.

Với đầu óc tỏ ra hung hăng, Nhạc Cương cho rằng, phải làm cho Myanmar cảm thấy “đau đớn”, giao thiệp ngoại giao không phải là vạn năng, nhưng giao thiệp ngoại giao cũng cần thiết, nhưng chỉ là đi đầu và chỉ là một phương diện, cần phải trừng phạt “hung thủ”. Quân đội Trung Quốc cần “ra tay” để cho máy bay quân sự Myanmar chấm dứt bay tới gần Trung Quốc, thiết lập “vùng cấm bay”.

Theo Nhạc Cương, Không quân Trung Quốc cần tăng cường điều động máy bay chiến đấu, chỉ cần máy bay chiến đấu đối phương hiện diện ở đó thì phải luôn có máy bay chiến đấu Trung Quốc ở đó. Đồng thời điều động thêm lực lượng tên lửa đối không tầng trời thấp, tiến hành triển khai tuyến đầu, chẳng hạn tên lửa tầm trung HQ-16, loại tên lửa này có thể tấn công vài chục km, có thể tiêu diệt máy bay đối phương. Như vậy, về ngoại giao phải làm cho họ trừng phạt “hung thủ”, về quân sự phải lập ra “vùng cấm bay” để máy bay quân sự của họ dừng bay.

Cần triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa phòng không tầng trời thấp, duy trì “trạng thái sức ép cao”, một khi máy bay quân sự Myanmar ném bom, bất kể có làm chết người trong vùng cấm hay không thì Trung Quốc cũng “lập tức bắn rơi”, chỉ có như vậy thì mới có thể đem lại “lòng tin” cho người dân đối với quốc phòng, sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ.

Lực lượng tên lửa HQ-12 của Không quân Trung Quốc được cho là đã điều đến biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Lực lượng tên lửa HQ-12 của Không quân Trung Quốc được cho là đã điều đến biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Tờ “Tầm nhìn” Trung Quốc ngày 15 tháng 3 cũng có bài viết cho rằng, sau khi máy bay quân sự Myanmar ném bom gây ra thương vong ở lãnh thổ Trung Quốc, Không quân Trung Quốc đã điều động nhiều tốp máy bay chiến đấu cất cánh, tiến hành cảnh cáo, xua đuổi máy bay quân sự Myanmar. Bài báo khoe khoang và hung hăng cho rằng, lực lượng quân sự Trung Quốc “có thừa khả năng” bảo vệ mình. Nếu tình hình không được kiểm soát có hiệu quả, tiếp tục xấu đi, “thiết lập vùng cấm bay ở Myanmar, do lực lượng quân sự Trung Quốc giám sát, “tiếp quản không phận miền bắc Myanmar có lẽ là biện pháp giải quyết tốt nhất”.

Theo bài báo, Quân đội Myanmar từ lâu đã tìm cách kiểm soát trên không đối với toàn bộ lãnh thổ Myanmar. Lần này phát động tấn công đối với khu vực Kokang có thể gọi là đã tích lũy được rất nhiều nguồn lực chính trị và quân sự. Lực lượng ủng hộ đằng sau cũng rất phức tạp. Có dư luận cho rằng, khu vực Kokang là nơi có chính quyền địa phương do người Hoa kiểm soát, do đó, “khu vực Kokang có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc, Trung Quốc cần kiên quyết ủng hộ chính quyền vũ trang khu vực Kokang, thậm chí điều quân can thiệp cũng không quá đáng”.

Theo bài báo, về căn bản, vấn đề Kokang là công việc nội bộ của Myanmar. (Trung Quốc) đồng tình với người gốc Hán ở Myanmar “hoàn toàn có thể hiểu được”, nhưng do nguyên nhân này mà tiến hành ủng hộ vô điều kiện đối với chính quyền vũ trang khu vực Kokang, thậm chí ủng hộ việc Trung Quốc tấn công Myanmar chắc chắn là thiếu tư duy chiến lược và ấu trĩ.

Bài báo cho rằng, Myanmar và Trung Quốc là láng giềng, thậm chí gần với quan hệ “đồng minh”. Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn kiên trì cung cấp viện trợ như khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, máy móc hạng nặng và thiết bị đồng bộ cho Myanmar, đồng thời trên cơ sở cùng có lợi, giúp Myanmar tiến hành xây dựng hạ tầng cơ sở.

Lực lượng tên lửa HQ-12 của Không quân Trung Quốc được cho là đã điều đến biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
Lực lượng tên lửa HQ-12 của Không quân Trung Quốc được cho là đã điều đến biên giới Trung Quốc-Myanmar (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)

Nhưng, quan hệ láng giềng này đã gặp “nhiều trở ngại” cùng với việc ngoại giao Mỹ tiến vào Myanmar trong bối cảnh chiến lược “quay trở lại châu Á”. Ý đồ chiến lược thống nhất lãnh thổ của Quân đội Myanmar cũng trở nên rất phức tạp trong khi Mỹ xâm nhập, rất khó đoán định.

Theo bài báo, “không can thiệp công việc nội bộ của nước khác” là nguyên tắc ngoại giao cơ bản của Trung Quốc. Nguyên tắc này hỗ trợ không ít cho hợp tác kinh tế với bên ngoài của Trung Quốc, cũng là thể hiện quan trọng diện mạo tinh thần của Trung Quốc với tư cách là một “nước lớn”.

Nhưng, “bảo vệ lãnh thổ quốc gia và an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân càng là quốc sách của Trung Quốc”. Myanmar là “đối tác nhỏ”, “bằng hữu nhỏ” có ý nghĩa chiến lược ở biên giới phía nam của Trung Quốc, vì vậy vấn đề nội bộ đã bùng phát chiến tranh trong nước, hàng vạn dân chạy sang Trung Quốc, có thể nói Trung Quốc đều đã hiểu đầy đủ và phối hợp tích cực. Nhưng, theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, nhiều lần xảy ra sự việc gây thương vong tại lãnh thổ Trung Quốc là điều “không thể chấp nhận”.

Theo bài báo, thực ra, không chỉ có máy bay quân sự Quân đội Myanmar vượt biên, gần 1 tuần qua, máy bay chiến đấu Myanmar ít nhất 4 lần đột nhập lãnh thổ Trung Quốc. Thậm chí có 1 máy bay chiến đấu Quân đội Myanmar rơi vỡ sau khi ném bom ở không phận Trung Quốc.

Chiến sự ở khu vực Kokang, miền bắc Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Chiến sự ở khu vực Kokang, miền bắc Myanmar (nguồn mạng sina TQ)

Bài báo cho rằng, vị trí chiến lược đặc biệt và tình hình nội bộ phức tạp của Myanmar khiến cho Trung Quốc “rất khó xử” trong vấn đề liên quan đến Myanmar. Myanmar án ngữ eo biển Malacca, phía tây có thể cản trở Ấn Độ mở rộng không gian tới Biển Đông, Đông Nam Á, phía bắc có thể cắt đứt liên hệ đất liền giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

Đồng thời, Myanmar còn trấn giữ cửa lớn phía nam của Trung Quốc. Myanmar vừa là con đường ra biển chiến lược tốt nhất ở tây nam của Trung Quốc, vừa có thể đem lại sự thuận tiện lớn nhất cho Trung Quốc cân bằng lợi ích ở Ấn Độ Dương, bảo vệ an toàn tuyến đường hàng hải. Vị trí chiến lược này cũng là nền tảng hiện thực để Trung Quốc-Myanmar thực hiện láng giềng hữu nghị, không xâm phạm nhau dài mấy chục năm.

Nhưng, bài báo cho rằng, Quân đội Myanmar phải nhận thức đầy đủ, càng có vị trí chiến lược quan trọng như vậy thì càng phải tự thu xếp ổn thỏa. Đối với Chính phủ Trung Quốc, tất cả đều không có gì quan trọng bằng an ninh quốc gia, an ninh lãnh thổ, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Trung Quốc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, nhưng hiểu rất rõ về giới hạn lợi ích của mình.

Chiến sự ở khu vực Kokang, miền bắc Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Chiến sự ở khu vực Kokang, miền bắc Myanmar (nguồn mạng sina TQ)
Rất nhiều dân tộc thiểu số Myanmar có lực lượng vũ trang riêng (nguồn ce.cn)
Rất nhiều dân tộc thiểu số Myanmar có lực lượng vũ trang riêng (nguồn ce.cn)
Máy bay chiến đấu J-7 của Không quân Myanmar (nguồn báo Phượng Hoàng, TQ)
Máy bay chiến đấu J-7 của Không quân Myanmar (nguồn báo Phượng Hoàng, TQ)
Không quân Myanmar không kích quân phản loạn ở khu vực Kokang, miền bắc Myanmar - giáp Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Không quân Myanmar không kích quân phản loạn ở khu vực Kokang, miền bắc Myanmar - giáp Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Phần lớn máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Myanmar do Trung Quốc chế tạo (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Phần lớn máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Myanmar do Trung Quốc chế tạo (nguồn báo Phượng Hoàng, Hồng Kông)
Đông Bình