Thương vụ bán Su-35 cho Trung Quốc và những bài học Moscow cảnh giác

08/03/2012 14:05
Trịnh Tuân (Theo vpk.name)
(GDVN) - TSAMTO cho biết rằng trước khi quyết định bán Su-35 cho Trung Quốc, Nga cần xem xét lại những bài học kinh nghiệm trong các thương vụ Su-27 và S-300.

Liên quan đến việc Nga đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35 cho Trung Quốc trị giá 4 tỉ đôla và hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400, các chuyên gia của TSAMTO lưu ý rằng trước khi đưa ra các quyết định cuối cùng, Nga cần phải xem xét đến kinh nghiệm của người Trung Quốc trong việc sao chép vũ khí của Liên Xô/Nga.

Theo TSAMTO, ngay cả việc đưa ra những thủ tục hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ cũng không chắc chắn tuyệt đối rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các cam kết này.

Rõ ràng, việc bổ sung thêm một số điều khoản ngoài phạm vi các giao ước thông thường là điều hết sức cần thiết.

Mặc dù hợp đồng cung cấp Su-35 cho Trung Quốc là một thương vụ vô vùng béo bở (trị giá 4 tỉ đôla), tuy nhiên Nga sẽ có nhiều tổn thất trong thị trường của nước thứ ba, trong trường hợp chúng bị Trung Quốc sao chép đặc biệt là động cơ và hệ thống điện tử của máy bay chiến đấu.

Ngoài ra, câu hỏi  về đảm bảo an ninh, an toàn cho chính nước Nga cũng đã được đặt ra như một vấn đề tối quan trọng.

Bắc Kinh đã cạnh tranh với Nga trên thị trường vũ khí ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, cung cấp các sản phẩm quân sự với chi phí thấp hơn so với Nga, bất chấp việc kể từ đầu những năm 1990, Trung Quốc cùng với Ấn Độ, là những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga.

Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất của máy bay chiến đấu Su-27/Su-30 với khoảng 178 chiếc, bao gồm 38 máy bay Su-27SK  một chỗ ngồi, 40 máy bay huấn luyện Su-27UBK hai chỗ ngồi, 76 máy bay đa nhiệm Su-30MKK và 24 máy bay Su-30MK2.

Theo thống kê, hiện Trung Quốc có khoảng 283 máy bay chiến đấu mang thương hiệu “Sukhoi”.

Năm 1996, Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất 200 máy bay Su-27SK với điều kiện không được phép phép xuất khẩu sang nước thứ ba.

Đến cuối năm 2007, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 105 máy bay này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau này về việc cung cấp tiếp 95 Su-27SK còn lại đã đi vào ngõ cụt.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã từ chối thực hiện thương vụ tiếp theo của hợp đồng, mà thay vào đó, họ tạo ra một bản sao của Su-27SK, đó là máy bay chiến đấu J-11.

Trung Quốc, trong một thời gian dài, được xem là khách hàng lớn nhất của hệ thống phòng không Nga, bắt đầu vào đầu những năm 1990.

Trong năm 1993, Trung Quốc lần đầu tiên được cung cấp hai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU. Năm 1994, nước này đã ký hợp đồng thứ hai, theo đó quân đội Trung Quốc vào năm 1996 đã nhận được 4 tiểu đoàn tên lửa S-300PMU-1.

Trong khuôn khổ 2 bản hợp đồng kể trên, Trung Quốc cũng đã nhận được 35 tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M1 (14 tổ hợp vào năm 1997, 13 tổ hợp vào năm 1999-2000 và 8 tổ hợp vào năm 2001).

Tháng 4/2002, Trung Quốc ký kết hợp đồng cung cấp hai hệ thống tên lửa hải đối không tầm xa S-300FM Rif-M (SA-N-6) lắp trên khu trục hạm Type 052B do Trung Quốc đóng. Việc giao hàng được thực hiện trong năm 2002-2003.

Trong năm 2004, hợp đồng ký kết năm 2001 đã được hoàn thành, theo đó, Nga đã giao cho Trung Quốc 4 tiểu đoàn tên lửa S-300PMU-1.

Trong tháng 8 năm 2004, Rosoboronexport đã ký với Trung Quốc thỏa thuận cung cấp các tên lửa S-300PMU-2 Favorit.

Đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của Favorit, đánh dấu thời kỳ vũ khí Liên bang Nga bắt đầu tiến vào thị trường thế giới kể từ năm 2001.

Trong năm 2007-2008, Trung Quốc đã nhận được 2 bộ khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E2, 8 hệ thống tên lửa phòng không 90ZH6E2, 1 tổ hợp tên lửa điều khiển 48N6E2 và các thiết bị hỗ trợ  kỹ thuật khác.

Tháng 12 năm 2005, hợp đồng với cung cấp loạt S-300PMU-2 Favorit thứ hai được ký kết với trị giá 1 tỉ đôla. Việc giao hàng được thực hiện trong năm 2008-2010.

Bản hợp đồng hải quân đầu tiên ký năm 1992, Trung Quốc đặt đóng hai tàu ngầm tấn công chạy động cơ diesel lớp Kilo (Type 877EKM). Hai tàu được đóng tại nhà máy Krasnoye Sormovo (Niizhny Novgorod) và chuyển giao trong tháng 2 và tháng 11/1995.

Sau đó, Trung Quốc ký mua thêm 2 tàu ngầm Kilo cải tiến (project 636) đóng ở nhà máy Admiralty (Saint Petersburg) và chuyển giao lần lượt trong năm 1997-1998. Ước tính, trị giá 4 tàu ngầm khoảng 1 tỷ USD.

Ngày 03/5/2002, Rosoboronexport ký hợp đồng đóng 8 tàu ngầm Kilo (Type 636) trang bị hệ thống tên lửa diệt hạm Club-S với tổng trị giá 1,6 tỷ USD.

Năm 1999-2000, Trung Quốc đã được bàn giao hai tàu khu trục lớp 956E với tên lửa chống tàu siêu âm 3M-80E Moskit. Theo hợp đồng thứ hai trong năm 2005-2006, Hải quân trung Hoa đã nhận được 2 khu trục hạm tiên tiến 965EM.

Trung Quốc cũng đã được cung cấp rất nhiều loại máy bay trực thăng khác nhau, cũng như vũ khí trang thiết bị cho quân đội, bao gồm các hệ thống MLRS Smerche, pháo có điều khiển Krasnopol-M, tổ hợp tên lửa chống tăng dẫn hướng Metis, Konkurs và các loại vũ khí khác. Gần đây hợp đồng cung cấp 9 trực thăng Ka-28 và 9 trực thăng Ka-31 đã được hoàn thành.

Trong những năm qua, Bắc Kinh đã hạn chế hợp tác với Nga trong việc mua sắm trang thiết bị quân sự. Điều này là do năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tăng lên một cách đáng kể, trong đó, bằng những phương pháp của riêng mình, Trung Quốc đã thành công trong việc sao chép nhiều loại vũ khí của Nga.

Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc

Cần lưu ý rằng trong thời gian tới, Nga sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc trên thị trường châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, những nước hầu như không thể đủ khả năng để mua vũ khí đắt tiền do phương Tây sản xuất.

Trước đó, Nga đã từng cạnh tranh thành công với Trung Quốc về giá cả. Nhưng hiện tại quân đội Nga đã tăng chi phí vũ khí trang thiết bị quân sự để "bắt kịp"  với phương Tây cho nên, Bắc Kinh đã có cơ hội “hất cẳng” Nga để độc chiếm thị trường của một số quốc gia có ngân sách quân sự hạn chế.

Trên thị trường thế giới, chi phí vũ khí của Trung Quốc thấp hơn từ 20 đến 40%  so với Nga. Do đó, Trung Quốc luôn sẵn sàng cung cấp các sản phẩm với khoản thanh toán ưu đãi bao gồm việc tài trợ, cho vay, và trả góp.

Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng, dự kiến đến năm 2020, nước này sẽ hoàn toàn tự cung tự cấp tất cả các thiết bị quân sự cho quân đội của mình.

Đặc biệt, Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc chính xác (China National Precision Machinery Import and Export Corporation – CPMIEC) đã đề xuất để đấu thầu hệ thống phòng không tầm xa HQ-9  ho Thổ Nhĩ Kỳ. CPMIEC phải cạnh tranh với các đại gia đến từ Nga và Mỹ (Lockheed Martin/ Raytheon) để có thể chiến thắng trong bản hợp đồng này.

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện một số chương trình trong lĩnh vực hàng không quân sự. Đó là các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, bao gồm tiêm kích trên hạm J-15 (bản sao Su-33), máy bay trực thăng tấn công, máy bay AWACS, máy bay huấn luyện siêu thanh L-15 và máy bay vận tải. Ngoài ra, Trung Quốc còn quan tâm đến việc phát triển UAV.

Trung Quốc hiện đang cung cấp cho thị trường thế giới một số lượng lớn các trang thiết bị hải quân, xe bọc thép, MLRS, radar phòng không, MANPADS, tên lửa chống tàu, chống tăng.

Thị trường chính cho các sản phẩm quân sự Trung Quốc trước tiên phải kể đến Pakistan, nước chiếm khoảng một nửa kim ngạch xuất khẩu quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu.

Thị trường lớn thứ hai, đem lại cho Trung Quốc không ít lợi nhuận, đó là thị trường các nước như Myanmar, Venezuela và Ai Cập và thậm chí cả Iran.

Ngoài ra,  Ma-rốc, Ả-rập Xê-út và Ecuador....cũng là những nước nhập vũ khí với số lượng lớn từ Trung Quốc.

Theo dự báo, Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa sự hiện diện của mình trên thị trường của các nước như Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan, Kenya, Nigeria, Đông Timor, Peru, Bangladesh, Ghana và Argentina....trở thành nước xuất khẩu vũ khí “đáng gờm” của Mỹ và Nga.

Trịnh Tuân (Theo vpk.name)