Tiềm lực khoa học của Nhật Bản khiến cả thế giới phải nể phục

19/10/2012 07:05
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
(GDVN) - Điều này là do Nhật Bản có ngành chế tạo phát triển, họ biết tính toán về tính “lưỡng dụng” của các trang bị hạng nặng.
Xe tăng thế hệ thứ tư, mới nhất, tiên tiến nhất Type-10 của Nhật Bản.
Xe tăng thế hệ thứ tư, mới nhất, tiên tiến nhất Type-10 của Nhật Bản.

Ngày 16/10, nhà nghiên cứu Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long đã tham gia chương trình truyền hình “Không-thời gian quốc phòng” trên đài phát thanh nhân dân Trung ương Trung Quốc, đã phân tích về sức mạnh quân sự của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.

Đỗ Văn Long cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất là lực lượng có quy mô binh lực lớn nhất trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, khả năng tác chiến tổng hợp tương đối mạnh, có vai trò răn đe rất mạnh trong tác chiến phòng thủ lãnh thổ, tính năng một số vũ khí như xe tăng, pháo đã vượt vũ khí cùng loại của quân Mỹ.

Theo Đỗ Văn Long, ngành chế tạo Nhật Bản phát triển, tiềm lực chiến tranh không thể đánh giá thấp, việc sản xuất tất cả những trang bị hạng nặng đều đã xem xét tới lưỡng dụng - quân sự và dân sự; các doanh nghiệp sản xuất ô tô, sản phẩm điện tử… của Nhật Bản có thể chuyển sang sản phẩm hàng quân dụng bất cứ lúc nào nếu xảy ra các trường hợp bất lợi như “có chuyện” ở xung quanh.

Nhật Bản coi trọng xây dựng trang bị chiến đấu trên bộ và lực lượng tác chiến cơ động

Hiện nay, cùng với sự thay đổi không ngừng của hình thái chiến tranh, rất nhiều quốc gia đặt trọng điểm xây dựng quân đội vào hải quân và không quân, nhưng Nhật Bản vẫn rất coi trọng xây dựng lực lượng trên bộ.

Chẳng hạn xe tăng, rất nhiều nước không còn coi trọng xây dựng lực lượng xe tăng nữa, nhưng Nhật Bản vẫn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển xe tăng kiểu mới. Chẳng hạn xe tăng Type-10 bắt đầu được biên chế vào mùa hè năm 2012. Tại sao Nhật Bản lại làm như vậy?

Xe tăng chiến đấu Type-90 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Xe tăng chiến đấu Type-90 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Đỗ Văn Long cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản luôn là một lực lượng tác chiến có trang bị tốt, quy mô thích hợp, khả năng tác chiến cơ động rất mạnh.

Trong các loại vũ khí đánh bộ, xe tăng chắc chắn là vũ khí quan trọng nhất, khả năng cơ động của nó lại là yêu cầu cốt lõi của chiến tranh hiện đại.

Trọng lượng chiến đấu của xe tăng Type-10 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản bắt đầu tiếp cận xe chiến đấu bộ binh hạng nặng của nước ngoài, làm cho khả năng tác chiến cơ động của xe tăng-loại trang bị hạng nặng này được cải thiện chưa từng có.

Trong tương lai, nếu ở xung quanh Nhật Bản “có chuyện”, ở các hòn đảo tây nam “có chuyện”, trang bị chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ có thể được vận chuyển đường không, đường biển một cách nhanh chóng tới nơi xảy ra xung đột, đưa vào tác chiến.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản còn rất coi trọng xây dựng khả năng tác chiến cơ động cao, kiểu lập thể (ba chiều), không chỉ có vũ khí bọc thép trên bộ có khả năng cơ động và khả năng tác chiến tổng hợp rất mạnh, mà còn có rất nhiều khả năng tác chiến tổng hợp trên không – đặc biệt là máy bay trực thăng tấn công có khả năng tấn công đối đất rất mạnh.

Sự phát triển máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản rất nhanh. Hiện nay không chỉ trang bị máy bay trực thăng tấn công thế hệ mới AH-1 do Mỹ chế tạo, mà còn trang bị máy bay trực thăng tấn công hạng nặng AH-64D.

Máy bay trực thăng chống tăng AH-1 và pháo cao xạ tự hành Type-87 trong một cuộc diễn tập tấn công liên hợp.
Máy bay trực thăng chống tăng AH-1 và pháo cao xạ tự hành Type-87 trong một cuộc diễn tập tấn công liên hợp.

Vai trò răn đe rất mạnh trong tác chiến phòng thủ lãnh thổ

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản chủ yếu phụ trách các nhiệm vụ như chiến đấu mặt đất, phòng không mặt đất, đổ bộ và tác chiến chi viện đường không tầm gần. Như vậy, sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản rốt cuộc như thế nào?

Đỗ Văn Long cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất có vị trí rất quan trọng trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tổng quân số của Lực lượng Phòng vệ là 250.000 người, trong đó Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đã chiếm 140.000 quân. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đang đóng vai trò quan trọng về sức mạnh răn đe trong phòng thủ lãnh thổ.

So với Lực lượng Phòng vệ Trên không và Lực lượng Phòng vệ Biển, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất mặc dù khả năng điều động tầm xa tương đối yếu, cũng không có nhiều trang bị công nghệ cao, nhưng có ưu thế quy mô, có vai trò răn đe rất mạnh trong tác chiến phòng thủ lãnh thổ.

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đang nâng cao các khả năng điều động binh lực và tác chiến cơ động. Trong tương lai, trong tác chiến giành giật đảo đá, chẳng hạn như tranh đoạt đảo Senkaku với Trung Quốc, hoặc tranh đoạt quần đảo Nam Kuril với Nga, đều đòi hỏi điều động lực lượng tiện lợi nhất, có khả năng cơ động và khả năng tác chiến tổng hợp mạnh nhất trong Lực lượng Phòng vệ Mặt đất.

Về ý nghĩa này, tác chiến tấn công-phòng thủ đảo đá, tác chiến quy mô nhỏ là khả năng cốt lõi trong xây dựng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.

Máy bay trực thăng tấn công AH-64D của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản
Máy bay trực thăng tấn công AH-64D của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản

Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng rất coi trọng đối với tác chiến ở ngoài biên giới, chẳng hạn những hoạt động gìn giữ hòa bình trong những năm gần đây, Nhật Bản đều tích cực tham gia, hơn nữa trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng trang bị tốt hơn.

Trước đây, trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có mang theo súng máy hay không còn gây tranh cãi, họ sẽ cho rằng loại vũ khí này quá nặng, không phù hợp với thân phận nước bại trận của Nhật Bản, nhưng đến thời gian chiến tranh Iraq, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã mang xe bọc thép hạng nặng tới Iraq, thậm chí còn muốn đưa xe tăng Type-90 đến Iraq.

Điều này có nghĩa là, về tác chiến ở nước ngoài, Nhật Bản đã rất coi trọng xây dựng khả năng cơ động, khả năng cảnh giới và khả năng tác chiến tổng hợp. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất tác chiến xuyên biên giới, đột phá hạn chế của chính sách “chuyên phòng thủ” cũng sẽ trở thành một xu thế phát triển quan trọng.

Nhiều loại vũ khí tác chiến trên bộ như xe tăng, pháo có tính năng vượt vũ khí quân Mỹ

Trước đây, không ít người cho rằng, Nhật Bản là người khổng lồ về kinh tế, người tham vọng về chính trị, người lùn về quân sự.

Nhưng, trải qua nửa thế kỷ phát triển, có bình luận cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đặc biệt là Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đã từ lực lượng phòng thủ (mà trước đây chỉ có thể dùng để tự vệ) phát triển thành lực lượng tác chiến mặt đất (đi hàng đầu thế giới), tính năng của một bộ phận vũ khí đã vượt vũ khí cùng loại của Mỹ.

Máy bay trực thăng vận tải CH-47J của Lực lượng Phòng vệ
Máy bay trực thăng vận tải CH-47J của Lực lượng Phòng vệ

Đỗ Văn Long lấy ví dụ cho rằng, tính năng tổng hợp của xe tăng Type-90 hiện có của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã vượt xe tăng M1A1 của Mỹ; trong khi đó xe tăng Type-10 mới tiến bộ hơn, thông qua áp dụng công nghệ xe tăng M1A2 của Mỹ, tính năng đã được nâng cao về chất, hệ thống kiểm soát hỏa lực, hệ thống thông tin, hệ thống liên kết dữ liệu, hệ thống thông tin của nó đều tốt hơn M1A2, độ linh hoạt trong tấn công, khả năng tấn công, hiệu quả tiêu diệt tổng hợp đối với mục tiêu của nó đều được tăng cường rất lớn.

Máy bay trực thăng tấn công AH-1 và AH-64 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, trải qua cải tiến, khả năng phát hiện mục tiêu, khả năng tấn công chính xác mục tiêu mặt đất của nó cũng đã được cải thiện rất lớn.

Ngoài ra, tên lửa chống tăng của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đều có khả năng chống hạm, không chỉ có thể tiến hành tấn công các mục tiêu xe tăng và bọc thép, mà còn có thể tấn công các tàu chiến cỡ nhỏ, trong thời điểm then chốt/quan trọng của thời chiến, còn có thể đóng vai trò của lính thủy đánh bộ, thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bờ biển.

Hiện nay, nhìn vào cuộc diễn tập Fuji và các cuộc diễn tập của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, pháo áp chế của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản có trình độ công nghệ rất cao.

Pháo FH-70 mà Nhật Bản sẽ nhập của Thụy Điển làm trang bị chủ lực, loại pháo này là pháo tiên tiến nhất châu Âu, thông qua tiếp thu công nghệ của loại pháo này, Nhật Bản cải tiến đưa ra pháo tự hành 155 mm, tầm phóng và độ chính xác của pháo cải tiến đã vượt pháo tự hành M109A6 Paladin của Mỹ.

Pháo FH-70 của Nhật Bản, nhập của Thụy Điển
Pháo FH-70 của Nhật Bản, nhập của Thụy Điển

Ngoài ra, về khả năng tấn công tầm xa, Nhật Bản cũng đã trang bị hệ thống phóng rốc-két đa nòng kiểu M270 do Mỹ chế tạo, loại tên lửa này sau khi được Nhật Bản cải tiến, đã có bố cục kết hợp hỏa lực tầm xa, tầm trung và tầm gần, hơn nữa còn vượt vũ khí Mỹ về tầm phóng, tấn công chính xác và uy lực.

Không thể đánh giá thấp tiềm lực chiến tranh của Nhật Bản

Số liệu của một cuộc điều tra cho thấy, Nhật Bản hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm quân sự, một khi có nhu cầu, trong 1 năm Nhật Bản có thể sản xuất được 20.000-30.000 xe tăng, hơn 10.000 khẩu pháo, hơn 10.000 máy bay, tàu chiến các loại có tổng lượng giãn nước 9 triệu tấn, hơn 13 triệu súng ống - giống như một công xưởng quân sự khổng lồ, đây phải chăng có nghĩa là Nhật Bản có tiềm lực chiến tranh tương đối mạnh?

Đỗ Văn Long cho rằng, tiềm lực chiến tranh của Nhật Bản không thể đánh giá thấp. Việc sản xuất các trang bị hạng nặng trong nước của Nhật Bản đều đã tính tới lưỡng dụng – quân sự và dân sự, chẳng hạn những doanh nghiệp sản xuất xe tải hạng nặng của Nhật Bản đều có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất xe tăng hoặc xe chiến đấu bộ binh; nhà máy sản xuất súng, pháo của Nhật Bản, ngoài sản xuất hàng quân sự, còn có được nâng đỡ bởi các chương trình hàng hóa dân dụng.

Hệ thống rốc-két phóng loạt M270 của Mỹ, đã bán cho Nhật Bản
Hệ thống rốc-két phóng loạt M270 của Mỹ, đã bán cho Nhật Bản

Một khi xảy ra những trạng thái bất lợi như “có chuyện” ở xung quanh Nhật Bản, bước vào trạng thái chiến tranh, những doanh nghiệp này của Nhật Bản có thể lập tức chuyển sang sản xuất hàng quân sự. Như vậy, việc sản xuất các loại ô tô của Nhật Bản trên thực tế chính là hình thức ban đầu của các loại nhà máy sản xuất xe chiến đấu, bất cứ nước nào cũng không có loại tiềm lực này.

So với các nước khác, ngành chế tạo của Nhật Bản đi ở hàng đầu. Hiện nay, cùng với việc Nhật Bản từng bước “cởi trói” và nới lỏng “Ba nguyên tắc” trong xuất khẩu vũ khí, việc xuất khẩu vũ khí trong tương lai của Nhật Bản có khả năng sẽ trở thành một phương hướng quan trọng để Nhật Bản cải thiện trình độ kinh tế nước này.

Chiếc “van” này một khi được mở ra, khả năng Nhật Bản sau đó có thể xuất khẩu ra nước ngoài không còn là ô tô Toyota, Mitsubishi và đồ điện nữa, mà là xe tăng Type-10 hoặc các loại xe bọc thép.

Từ ô tô đến xe tăng, từ đồ điện dùng cho đời sống hàng ngày đến hệ thống thông tin quân dụng của Nhật Bản, thực ra giữa chúng chỉ cách một lớp giấy cửa sổ, một khi lớp giấy này bị đâm, tiềm lực chiến tranh của Nhật Bản sẽ không thể coi thường.

Máy bay trực thăng đa dụng UH-60JA Nhật Bản
Máy bay trực thăng đa dụng UH-60JA Nhật Bản
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)