Tiếng chuông chùa ở Trường Sa

23/01/2012 18:28
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân
Ở Trường Sa có những công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh giúp người lính đảo cảm thấy gần gũi với đất liền.

Ở Trường Sa có những công trình mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh giúp người lính đảo cảm thấy gần gũi với đất liền. Đó là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và chùa Trường Sa.

Lễ chùa là nét đẹp tâm linh của nhân dân trên đảo Trường Sa
Lễ chùa là nét đẹp tâm linh của nhân dân trên đảo Trường Sa

Thành thông lệ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa thường xuyên đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính báo công và hứa với Người,

dù khó khăn đến đâu thì quân – dân luôn đoàn kết, vững tin, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ là nơi mọi người thường xuyên lui tới thắp hương tưởng nhớ những tấm gương anh dũng hi sinh vì nghĩa lớn.

Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cán bộ, chiến sĩ ra thay quân cùng 26 phóng viên vừa đặt chân lên đảo đã được Thượng tá Phạm Quang Trung,

Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn dẫn đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đoàn còn sang vãn cảnh ngôi chùa linh thiêng tọa lạc ở vị trí trung tâm đảo.

Trước không gian lịch sử văn hóa giữa muôn trùng sóng nước, chúng tôi cảm thấy mình trở nên thư thái hơn, cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp tâm linh, thuần khiết của người Việt.

Nơi hải đảo xa xôi với nhịp sống tươi trẻ, lạc quan, yêu đời của người chiến sĩ và đồng bào là không gian tĩnh lặng của những ngôi chùa thiêng liêng. Nét đẹp tinh xảo, cổ kính, thuần Việt ấy làm ấm lòng vong linh những người đã khuất và tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những người đang sống.

Các ngôi chùa ở Trường Sa chủ yếu xây dựng theo phong cách truyền thống với kết cấu một gian, hai chái. Mái chùa cong vút trên nền trời.

Chùa được làm bằng các loại gỗ quý hiếm từ Nghệ An, Thanh Hóa. Đáng chú ý, chính điện của ngôi chùa nào cũng hướng về Thủ đô Hà Nội.
Điều đó muốn nói lên tấm lòng người dân đất Việt từ bao đời nay vẫn luôn hướng về nguồn cội. Thế nên, bất cứ ai đặt chân tới những ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn đều có chung một cảm giác bình yên, thánh thiện và ấm áp như ở đất liền.

Từ trong sâu thẳm lòng mình của mỗi người dân Việt Nam yêu nước chân chính, thì những ngôi chùa linh thiêng, tĩnh lặng giữa trùng khơi là bằng chứng có giá trị về bản sắc văn hóa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Thượng tá Trần Trung Hưng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây khẳng định, những ngôi chùa ở Trường Sa đã giúp cư dân trên các đảo thường xuyên đến cầu an phước lành cho gia đình, tộc họ.

Trường Sa luôn vững vàng trước điệp trùng sóng gió
Trường Sa luôn vững vàng trước điệp trùng sóng gió

Theo đó, đời sống tâm linh, tự do tín ngưỡng của người dân trên đảo được đáp ứng kịp thời. Bao giờ cũng vậy, ngư dân Trường Sa trước mỗi chuyến ra khơi lại lên chùa lễ Phật, cầu cho người đi biển “thuận buồm xuôi gió” và luôn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tự bao giờ, hình ảnh về ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đã góp phần hình thành nên một nét đẹp truyền thống mang tính tâm linh giữa trùng khơi, đồng hành với quân – dân huyện đảo, giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà, vững tin giữ đảo...

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân