Tiết lộ về số lượng máy bay trên tàu sân bay Liêu Ninh của TQ

10/09/2014 15:14
Bình Nguyên
(GDVN) - Các máy bay chiến đấu J-15 Cá mập bay cũng là bản sao chép máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Không quân Nga.

Trang Defense News có trụ sở tại Washington ngày 1/9/2014 có bài phân tích cho biết, Hải quân Trung Quốc cần phải có thêm nhiều loại máy bay chuyên dụng để có thể hình thành và hỗ trợ cho phi đội máy bay tác chiến trên tàu sân bay Liêu Ninh của nước này. Hiện tại, phi đội máy bay trên tàu sân bay duy nhất của TQ chưa thể có khả năng tác chiến.

Chiến đấu cơ J-15
Chiến đấu cơ J-15

Theo Defense News, trên một bản tin mới được tờ Bưu điện Thượng Hải đăng tải hôm 28/8 vừa qua, Cao Dongwei – một chuyên gia hải quân của Trung Quốc đã tiết lộ rằng số lượng máy bay được biên chế trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc gồm  36 chiếc tất cả.

Trong 36 máy bay này có 24 chiếc tiêm kích J-15 (biệt danh cá mập bay), 6 trực thăng săn ngầm Z-18F, 4 trực thăng cảnh báo sớm Z-18 và 2 trực thăng cứu hộ Z-9.

Một chuyên gia khác là Roger Cliff đến từ Trung tâm Sáng kiến an ninh châu Á trực thuộc Hội đồng Đại Tây Dương bình luận rằng mỗi thành phần đơn lẻ, thậm chí ngay chính bản thân chiếc hàng không mẫu hạm mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc đều có xuất sứ, nguồn gốc nước ngoài.

Những hệ thống vũ khí hình thành nên tàu sân bay Liêu Ninh đều không phải sản phẩm do Trung Quốc nghiên cứu ra. Bản thân chiếc tàu có xuất xứ từ Liên Xô, nội thất và trang bị Trung Quốc.

Các máy bay chiến đấu J-15 Cá mập bay cũng là bản sao chép máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Không quân Nga.

Trong khi đó, các loại trực thăng săn ngầm, cứu hộ đều là thiết kế được Trung Quốc dập khuôn từ thiết kế của hãng trực thăng châu Âu Eurocopter.

Richard Fisher – chuyên gia phân tích về sự phát triển của quân đội Trung Quốc tại diễn đàn Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế thì cho rằng phi đội tác chiến trên tàu sân bay của Trung Quốc phản ánh sự cân bằng giữa máy bay chiến đấu và các loại máy bay hỗ trợ.

Chuyên gia này cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ tương tự như những gì Hải quân Liên Xô trước đây đã trải qua trong Chiến tranh Lạnh.

Mục đích ban đầu của Trung Quốc khi khai thác con tàu này là cung cấp khả năng phòng thủ tăng cường, hỗ trợ tối đa cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân hoạt động bí mật trên các vùng biển.

Richard Fisher nhận định rằng, tàu sân bay Liêu Ninh khó có thể cạnh tranh được với Mỹ, nếu Bắc Kinh muốn đối chọi với các hạm đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ, Trung Quốc sẽ phải cần đến sự trợ giúp nhiều hơn từ các cơ sở quân sự bố trí trên mặt đất.

Điểm hạn chế hiện nay của tàu sân bay Liêu Ninh là thiếu các máy bay săn ngầm cũng như máy bay mang radar tầm xa cánh cố định.

Richard Fisher tin rằng Trung Quốc đang tìm cách khắc phục thiếu hụt này trong biên chế của các tàu sân bay mà Bắc Kinh đang chế tạo và sẽ sử dụng trong tương lai bởi có các báo cáo cho rằng Trung Quốc đang thiết kế các tàu sân bay với kích thước lớn hơn loại đã mua từ Ucraine.

Điểm đáng chú nữa như đã từng được đề cập nhiều lần là tàu sân bay Liêu Ninh cũng là thành phần quan trọng nằm trong ý đồ thôn tính toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc và đây cũng chính là điểm nóng ẩn chứa xung đột tiềm tàng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines.

Bình Nguyên