Tình hình ở Ucraine: “Ai hành động trước sẽ lĩnh hậu quả”

03/03/2014 14:25
Lê Dũng Cường
(GDVN) - Hình ảnh biếm họa trước đây mô tả cựu TT Mỹ khi dắt tay Tổng thống Gruzia chọc giận chú gấu Nga và hậu quả là cựu TT Gruzia Sakavili đã bị cắn tơi tả...

Những ngày gần đây, báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị và những dấu hiệu leo thang khó lường ở Ucraine, đặc biệt là khi xuất hiện những đội quân vũ trang “không rõ nguồn gốc” đang hiện diện ở nước cộng hòa thuộc Ucraine – Crimea.

Lực lượng được cho là quân đội Nga ở Crimea
Lực lượng được cho là quân đội Nga ở Crimea

Những binh sỹ không mang phù hiệu quốc gia, phiên hiệu đơn vị, xuất xứ nhưng được trang bị các loại vũ khí, phương tiện di chuyển của Nga đã hiện diện và dường như đang làm nhiệm vụ gìn giữ trật tự tại bán đảo Crimea.

Theo báo chí quốc tế, đây là lực lượng quân sự của Nga hoặc chí ít là lực lượng vũ trang thân Nga được lệnh điều động đến bảo vệ các trụ sở hành chính cũng như một số địa điểm trung chuyển lớn ở Crimea như sân bay ở Simferopol khi tình hình tại đây đang có những diễn biến phức tạp.

Các phương tiện truyền thông của cả Nga và phương Tây cũng chưa đưa một thông tin nào đề cập lực lượng vũ trang "lạ" ở Crimea gây ra các xáo trộn hay bạo lực tại khu vực này.

Theo ghi nhận, chủ yếu họ đang làm nhiệm vụ duy trì trật tự trong bối cảnh có hai luồng quan điểm trái chiều nhau, trong đó 1 ủng hộ chính quyền Kiev mới (chiếm số ít), 1 ngả hẳn về phía Nga.

Nga không thể không hành động

Một số nhận định cho rằng đây chắc chắn là lực lượng vũ trang của Moscow mặc dù quân đội Nga chưa có tuyên bố chính thức ngoại trừ thông tin Bộ Ngoại gia Nga phát đi hôm 28/2 nói rằng quyết định điều quân đến Ucraine của Tổng thống Putin đã được Nghị viện nước này chấp thuận.
 
Lý do là Moscow muốn đưa lực lượng vũ trang đến Crimea để bảo vệ công dân (tại Crimea, người dân tộc Nga chiếm đa số) và cơ sở, lợi ích quốc gia của mình khi tình hình chính trị ở Kiev thay đổi, đặc biệt là khi Tổng thống Ucraine Yanukovych bị lật đổ.

Trong những ngày gần đây, chính quyền lâm thời Kiev cũng đã lên tiếng cảnh báo, ngăn chặn Nga thực hiện các hoạt động quân sự tại Crimea, thậm chí tân chính quyền Ucraina còn lên tiếng tố cáo Nga thực hiện hành động mà họ gọi làm "xâm lược", đồng thời kêu gọi Liên minh châu Âu, Hội đồng bảo an, Mỹ giúp sức ngăn chặn.

Thậm chí, nhiều phương tiện truyền thông còn dự đoán, tình hình tại Ucraine và hành động của Nga hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tàn khốc, có hơi hướng gần giống cuộc chiến ngắn ngày giữa Nga và Gruzia năm 2008 khi Tbilisi đưa quân đánh Nam Ossetia sau khi Nga chính thức công nhận độc lập hai khu vực ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia.

Khi được hỏi về tình hình tại Ucraine, đặc biệt là tại Crimea hiện nay, một nhà quan sát ở Hà Nội cho biết, hiện trạng chính trị ở Ucraine hiện nay đã bị thay đổi đặc biệt là sau khi ông Yanukovych bị lật đổ Nga sẽ khó có thể can thiệt vào nền chính trị ở Kiev khi họ quyết tâm ngả về châu Âu.

Tuy nhiên, với Crimea (nước cộng hòa tự trị thuộc Ucraine) thì hoàn toàn khác, Nga hiện tại vẫn chủ động tại đây, bởi chính quyền nơi này đa số là người thân Moscow, hơn nữa, phần đông người dân ở đây là người gốc Nga, chắc chắn họ sẽ ủng hộ phong trào ly khai mới được khởi xướng cách đây không lâu.

Điều này hoàn toàn có thể liên tưởng đến 2 nước cộng hòa tự trị Nam Ossetia và Abkhazia.của Gruzia khi họ tuyên bố li khai và được Nga ủng hộ năm 2008.

Sự kiện Tổng thống Ucraine Yanukovych bị lật đổ đúng vào lúc Nga đang tiến hành Thế vận hội Olympic - điều này chắc chắn đã được tính toán và Moscow cũng vì vậy mà hơi bất ngờ. Tuy nhiên, Kremlia cũng đang ngay lập tức hành động sau khi sự kiện thế vận hội gần kết thúc.

Theo nhà quan sát, Moscow có thể đã buộc phải chấp nhận để vuột Ucraine khỏi tầm ảnh hưởng trong không gian chiến lược của mình bởi người trong tương lai giới lãnh đạo mới ở Kiev dù thế nào họ cũng đã ngả về châu Âu, đặc biệt là khi Kiev bị Moscow gây khó khăn về các nguồn cung năng lượng, tài chính, ngoại giao...xuất phát từ thái độ của Ucrane khi họ đang muốn "vùng vằng bỏ đi".

Mặc dù vậy, khu vực bán đảo Crimea thì hoàn toàn khác, Nga không chấp nhận mất nó bởi các lý do sau: Người gốc Nga sinh sống ở đây rất nhiều; cơ sở quân sự của quân đội Nga đang hiện diện tại Sevastopol, thành phố cảng phía Tây của bán đảo Crimea.

Đây là tổng hành dinh của lực lượng hải quân Nga thuộc Hạm đội Biển Đen đóng ở Ucraine (theo hiệp định Nga - Craine), cũng chính là địa bàn chiến lược nơi quân đội Ngà bày binh bố trận, triển khai lực lượng bảo vệ biên giới phía Tây giáp châu Âu của mình.

Nga hiện có hai hạm đội hải quân ở cả Biển Đen và Biển Baltic
Nga hiện có hai hạm đội hải quân ở cả Biển Đen và Biển Baltic

Hơn nữa, lực lượng quân sự tại đây (Hạm đội Biển Đen ở phía Nam)  là 1 trong hai gọng kìm (cùng Hạm đội Baltic ở phía Bắc) hình thành vòng cung bảo vệ phần lãnh thổ phía Tây của nước Nga rộng lớn.

Nếu Nga không hành động tại Crimea (điều quân, củng cố, công nhận chính quyền) thì sớm muộn Ucraine cũng sẽ gây khó dễ cho Nga trong việc thuê mướn căn cứ, cũng như cân nhắc hủy bỏ thỏa thuận cho Moscow.

Nếu sự thể diễn ra đúng như vậy, an ninh của Nga sẽ bị đe dọa, NATO ngày càng tiến sát hơn về phía Nga. Đứng giữa châu Âu càng về sau sẽ càng cô độc, bất an.

Chính vì vậy, có thể nhận định rằng, xuất phát từ lợi ích chiến lược cũng như lợi ích tức thời của mình, Kremlia không thể không hành động cho dù ngay lập tức Moscow đã bị Mỹ lên án, các nước Eu dọa tảy chay Hội nghị thượng đỉnh G8 cùng các cáo buộc can thiệp khác.

Đứng trước lợi ích quốc gia cũng như đảm bảo không gian chiến lược, nói trắng là là an ninh sống còn của mình Moscow buộc phải lựa chọn phương án hành động và không chịu khoanh tay đứng nhìn.

Trang bị, quân phục của lực lượng vũ trang ở Crimea có bề ngoài giống hệt xuất sứ Nga
Trang bị, quân phục của lực lượng vũ trang ở Crimea có bề ngoài giống hệt xuất sứ Nga

Ai hành động trước sẽ lĩnh hậu quả

Nhà quan sát ở Hà Nội cho rằng, trong tình thế hiện nay, nếu Ucraine dùng biện pháp quân sự đối với người Nga ở Crimea thì chắc chắn họ sẽ vấp phải phản ứng, có thể là rất mạnh và tàn khốc từ lực lượng vũ trang của Nga cũng giống như trường hợp Gruzia năm 2008.

Tuy nhiên, Moscow sẽ bình tĩnh và không hành động trước bởi không ai muốn dư luận quốc tế chỉ trích mình (cũng có thể vì thế mà lực lượng vũ trang đang có mặt ở Crimea vẫn đang "không đeo phù hiệu"), hơn nữa, không ai có thể đoán trước kết cục của xung đột khơi mào là gì? Ai dám chắc các quốc gia châu Âu không nhảy và cuộc, chưa bàn đến lực lượng Mỹ - quốc gia không đứng về phía Nga là Eu và Ucraine.

Việc triển khai lực lượng hùng hậu ở Crimea dưới sự cho phép của quốc hội Nga cũng đã là áp lực rất lớn đối với tất cả những người, quốc gia, thế lực chính trị đang muốn nhúng tay vào vấn đề của Ucraine.

Đương nhiên, tân chính quyền của Kiev cũng nhận thức được vấn đề này, họ sẽ không hành động một khi không có sự ủng hộ của EU và Mỹ. Thậm chí, chỉ mình Mỹ ủng hộ Ucraine hành động cũng rất khó để chống lại cường quốc quân sự như Nga.

Biếm họa về cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008
Biếm họa về cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008

Điều này khiến người ta liên tưởng ngay đến hình ảnh biếm họa quốc tế mô tả ông W.Bush – cựu Tổng thống Mỹ khi dắt tay Tổng thống Gruzia vào thăm sở thú, chọc giận một chú gấu (Nga) ở trong lồng và hậu quả là cựu Tổng thống Gruzia Sakavili đã bị cắn xé tơi tả, hình ảnh hết sức thảm bại.

Hình ảnh này ám chí trận chiến ngắn ngày năm 2008 khi Gruzia ra tay với Nam Ossestia  và bị quân đội Nga đưa quân đánh vào tận thủ phủ Tbilisi mặc dù lãnh đạo Gruzia được Tổng thống W. Bush giật dây (để thử phản ứng của Nga).

Đặc biệt cảnh giác đối với các điểm nóng khác

Đối với Việt Nam, khu vực Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa hiện đang là tâm điểm bị các bên nhảy vào tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc nên cần hết sức lưu ý.

Trong lúc thế giới đang đổ dồn về cuộc khủng hoảng Ukraine và chờ đợi các nước đi tiếp theo của Nga cũng như phản ứng của các bên, rất có thể có những hành động bất ngờ, đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, cục diện ở Biển Đông, trong đó việc Trung Quốc đơn phương áp đặt khu nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông là một nguy cơ.

Thời gian gần đây Bắc Kinh nhiều lần úp mở về khả năng này. Giới quan sát nhìn chung nhận định, khó có thể xảy ra xung đột quân sự hay chiến tranh ở Biển Đông trong thời điểm hiện nay, nhưng những hành vi phi quân sự, bán quân sự hòng chớp thời cơ để thay đổi thực trạng, chiếm quyền kiểm soát trên thực địa hoàn toàn có thể xảy ra.

Chúng ta không thể lơ là, mất cảnh giác. Điều này đã từng xảy ra ở Hoa Đông cũng như trong quá khứ mà điển hình là quần đảo Hoàng Sa năm 1979.

Báo điện tử GDVN sẽ chuyển tải đến độc giả những hình ảnh mới nhất về lực lượng được cho là lính Nga ở Ucraine trong 1 bản tin tiếp theo. Xem tại ĐÂY.

Lê Dũng Cường