Su-30MKK Nga bán cho Trung Quốc có tính năng yếu nhất

13/03/2014 09:57
Việt Dũng
(GDVN) - Không quân Nga đồng thời mua 3 loại máy bay chiến đấu Su-30M2, Su-30SM và Su-35 có thể là để duy trì hoạt động của nhà máy và thu hút khách hàng.
Tờ "Người đưa tin công nghiệp quốc phòng" Nga ngày 12 tháng 3 đưa tin, các chuyên gia phương Tây của trang mạng "Chiến tranh rất nhàm chán" cho rằng, Không quân Nga đồng thời mua 3 loại máy bay chiến đấu phiên bản cải tiến của Su-27 gồm Su-30M2, Su-30SM và Su-35, tính hợp lý của vấn đề này đáng nghi ngờ.

Hiện nay, Nga đang sản xuất và mua sắm 3 loại máy bay chiến đấu tiên tiến, đều là phiên bản cải tiến sâu sắc của máy bay chiến đấu hạng nặng đa năng Su-27, do Cục thiết kế Sukhoi thiết kế, lần lượt sản xuất ở nhà máy Komsomolsk-on-Amur và nhà máy máy bay Irkutsk của Tập đoàn Irkut.

Chuyên gia phương Tây cho rằng, quyết định này tương đối kỳ lạ, có thể sẽ gia tăng rất nhiều chi tiêu tài chính. Trong khi đó, Không quân Mỹ hiện nay đang nỗ lực trang bị máy bay chiến đấu phiên bản thống nhất F-35 Lightning 2 trong khuôn khổ khái niệm JSF (máy bay chiến đấu tấn công liên hợp).

Người phát ngôn Không quân Mỹ tuyên bố, cần mua sắm 1.763 máy bay chiến đấu loại này, thay thế cho phần lớn máy bay còn đang phục vụ hiện nay, cải thiện khả năng tác chiến của Không quân.

Nga thì trái lại, hiện nay lại đồng thời mua sắm 3 loại máy bay chiến đấu hiện đại Su-30M2, Su-30SM và Su-35, lượng mua sắm mỗi loại chỉ vài chục chiếc.

Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga
Máy bay chiến đấu Su-30SM Nga

Bộ Quốc phòng Nga không giải thích nguyên tắc mua sắm máy bay chiến đấu nêu trên. Chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh số lượng xuất khẩu máy bay chiến đấu giảm xuống, động thái này có thể có liên quan đến mong muốn duy trì hoạt động của hai doanh nghiệp.

Sách lược này cũng sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với việc cải thiện sức chiến đấu của Không quân Nga, dù sao máy bay chiến đấu hiện có của Không quân Nga chủ yếu là những sản phẩm được bàn giao vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Ngoài ra, do máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới nhất T-50 đã được biết đến cả trong và ngoài nước, vì vậy Không quân Nga trang bị Su-30M2, Su-30SM và Su-35 ít được quan tâm.

Máy bay chiến đấu Su-30M2 được Không quân Nga trang bị đầu tiên, triển khai ở căn cứ không quân thành phố Krymsk, miền nam khu biên giới Krasnodar, hình ảnh lô đầu tiên xuất hiện vào tháng 12 năm 2011.

Tháng 11 năm 2013, căn cứ Domna không quân Nga nghênh đón 3 chiếc Su-30SM, tính đến cuối năm 2013, căn cứ này tổng cộng đã tiếp nhận 10 chiếc Su-30SM, năm 2014 sẽ còn bàn giao 10 chiếc khác, từ đó hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ thành lập 1 trung đoàn hàng không Su-30SM.

Tháng 2 năm 2014, lô máy bay chiến đấu Su-35S đầu tiên bàn giao cho đơn vị tác chiến của Không quân Nga, triển khai ở căn cứ không quân Dzemgi, khu vực biên giới Khabarovsk, thuộc trung đoàn tiêm kích hàng không 23.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga

Chuyên gia phương Tây cho rằng, trong 3 loại máy bay chiến đấu, mức độ tiên tiến của Su-30M2 trang bị trước tiên của Không quân Nga thấp nhất, nó là phiên bản phát triển của Su-30MKK do nhà máy Komsomolsk-on-Amur nghiên cứu chế tạo cho Trung Quốc.

Su-30MKK là phiên bản nâng cấp của Su-30, lắp thiết bị tiếp dầu trên không và thiết bị điện tử hàng không do Nga chế tạo, có thể thực hiện nhiệm vụ tác chiến phạm vi rộng. Nhưng, do không sử dụng động cơ hàng không véc-tơ lực đẩy và cánh mũi, tính năng của nó không bằng máy bay tiêm kích Su-30MK do nhà máy Irkutsk sản xuất.

Sau khi đạt được giao dịch Su-30MKK với Trung Quốc, đã qua một khoảng thời gian, nhà máy Komsomolsk-on-Amur lại có được hợp đồng mới, cung ứng máy bay chiến đấu Su-30MK2 có thể sử dụng vũ khí chống hạm cho Trung Quốc. Sau đó, loại máy bay chiến đấu này còn bán cho Việt Nam, Indonesia, Venezuela và Uganda.

Khác biệt chính về ngoại hình giữa Su-30M2 của Không quân Nga và Su-30MKK/MK2 phiên bản xuất khẩu ở chỗ mặt thẳng đứng giữ ổn định ở phần đuôi. Mùa hè năm 2009 đã ký đơn đặt hàng đầu tiên sản xuất Su-30M2 cho không quân Nga. Loại máy bay này và máy bay chiến đấu một chỗ ngồi Su-27SM3 sử dụng thiết bị điện tử hàng không cải tiến, cùng với Su-27 thế hệ thứ nhất có rất nhiều điểm chung.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2V Việt Nam, do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu Su-30MK2V Việt Nam, do Nga chế tạo

Bộ Quốc phòng Nga khi đó đã đặt mua 4 chiếc Su-30M2 và 12 chiếc Su-27M3. Hiện nay tổng số lượng đặt mua Su-30M2 của Không quân Nga khoảng 20 chiếc, trong đó 4 chiếc đã bàn giao vào tháng 12 năm 2013. Su-30M2 hai chỗ ngồi vừa có thể chi viện cho máy bay một chỗ ngồi trong nhiệm vụ huấn luyện tác chiến, vừa có thể sử dụng làm máy bay chiến đấu trong mọi thời tiết.

Su-30SM do công ty Irkut sản xuất, về bề ngoài rất giống Su-30M2. Chuyên gia Phương Tây cho rằng, Su-30SM là phiên bản cải tiến của Su-30MK Nga cung ứng xuất khẩu cho Trung Quốc, Malaysia, Algeria, đã tiến hành nâng cấp riêng sử dụng thích hợp cho Không quân Nga.

So với Su-30MKK do nhà máy Komsomolsk-on-Amur sản xuất, Su-30MK do nhà máy Irkutsk sản xuất có tính năng khí động lực học tốt hơn, vừa có thể lắp thiết bị điện tử hàng không nội địa, vừa có thể lắp đặt thiết bị điện tử hàng không của phương Tây, người sử dụng có thể linh hoạt lựa chọn linh kiện tương ứng do Nga, Ukraine, Pháp, Ấn Độ và Israel sản xuất.

Su-30SM cũng đã sử dụng một số mô đun của Su-30MK, bao gồm khoang điều khiển 2 chỗ ngồi, cánh mũi, động cơ véc-tơ lực đẩy, hệ thống điều khiển bay fly by wire. Nhưng, khác với Su-30MKK, Su-30SM sử dụng cánh đuôi thẳng đứng rút ngắn.

Máy bay chiến đấu Su-30 Trung Quốc, do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu Su-30 Trung Quốc, do Nga chế tạo

Tháng 3 năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt mua 30 máy bay Su-30SM. Tháng 12 cùng năm, lượng đặt mua gia tăng gấp đôi đạt 60 chiếc, theo kế hoạch sẽ bàn giao xong trước cuối năm 2015. Đến tháng 12 năm 2013, Không quân Nga chỉ mới tiếp nhận 16 chiếc Su-30SM.

Tháng 2 năm 2014 có một số phương tiện truyền thông cho biết, Bộ Quốc phòng Nga chuẩn bị ký hợp đồng cung ứng bổ sung, mua thêm 50 máy bay Su-30SM, tổng trị giá trên 2 tỷ USD. Theo suy đoán, một bộ phận trong đó hoặc toàn bộ máy bay có thể bàn giao cho Hải quân Nga sử dụng, dự kiến bắt đầu cung ứng trước cuối năm 2015.

Sự khác biệt chủ yếu giữa Su-30SM với Su-30MKI bán cho Ấn Độ ở chỗ, nó sử dụng thiết bị điện tử hàng không nội địa, thay thế sản phẩm tương tự do Israel và Ấn Độ sản xuất, đồng thời giữ lại phần lớn thiết bị của Pháp, gồm máy hiển thị mũ phi công và hệ thống dẫn đường, ngoài ra còn lắp radar N001V tương đồng với Su-30M2. N001V là phiên bản nâng cấp của radar trang bị trên Su-27.

Thiết bị điện tử hàng không của Su-30SM còn gồm có radar quét mảng pha điện tử bị động N011M Bars-R mạnh hơn.

Khác với Su-30MK, Su-30SM sử dụng ghế ngồi bắn ra tiên tiến hơn, phù hợp hơn với phi công Không quân Nga có thể hình tương đối cao to. Su-30SM Không quân Nga có thể sử dụng tên lửa không đối không tầm ngắn RVV-MD, tầm trung RVV-SD mới, dự kiến sẽ còn trang bị tên lửa không đối không tiên tiến hơn khác.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu Su-30MKI Ấn Độ, do Nga chế tạo

Điểm khác chính của Su-35S với 2 loại máy bay tiêm kích trên trước hết ở chỗ nó là máy bay chiến đấu một chỗ ngồi. Mặc dù khái niệm máy bay này sớm đã ra đời từ thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 21 mới bắt đầu trực tiếp nghiên cứu phát triển.

Su-35S do nhà máy Komsomolsk-on-Amur sản xuất, sử dụng thân máy bay mới, thiết bị điện tử hàng không kiểu hoàn thiện và động cơ hàng không, lắp động cơ véc-tơ đẩy AL-41F, thiết bị quang điện mới và hệ thống điều khiển bay fly by wire cải tiến, từ bỏ cánh mũi.

Chuyên gia phương Tây cho rằng, đổi mới trên thực sự bảo đảm cho Su-35S có tính năng cơ động ưu việt. Đồng thời, Nga chuẩn bị mở rộng phạm vi sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động, sau khi kết thúc chính thức công tác nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50, Su-35S dự kiến sẽ trang bị radar N135 Irbis, phiên bản nâng cấp của radar quét mảng pha điện tử bị động Bars-R.

Theo suy đoán, Su-35S cũng như Su-30M2, Su-30SM, có sản phẩm phiên bản xuất khẩu, tên là Su-35BM. Một số phương tiện truyền thông đã tiết lộ thông tin có liên quan đến việc Trung-Nga đàm phán về giao dịch này, nhưng tình hình cụ thể hiện chưa được xác nhận.

Năm 2009, Bộ Quốc phòng Nga đặt mua 48 chiếc máy bay Su-35 cho Không quân của họ, hiện đã bàn giao 22 chiếc, trong đó 12 chiếc bàn giao cho đơn vị tác chiến Không quân vào tháng 2 năm 2014, triển khai ở căn cứ không quân Dzemgi. Toàn bộ 48 máy bay Su-35S theo quy định của hợp đồng dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao vào năm 2015.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 Nga
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm T-50 Nga

Chuyên gia Phương Tây cho rằng, khả năng ký kết hợp đồng cung ứng 48 máy bay Su-35S bổ sung của Không quân Nga rất lớn. Do tính năng tiên tiến, trước khi máy bay chiến đấu tàng hình T-50 trang bị lượng lớn, Su-35S sẽ là loại máy bay chủ lực của Không quân Nga.

Căn cứ vào thông tin tiết lộ của một số phương tiện truyền thông, nó có thể lắp tên lửa không đối không cự ly xa RVV-BD, có thể thay thế cho máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 cũ hiện có.

Chuyên gia Phương Tây cho rằng, Không quân Nga đồng thời mua ba loại máy bay chiến đấu dòng Su-27 là điều đáng nghi ngờ. Có lẽ sản xuất một loại máy bay thích hợp hơn, nhưng sự cạnh tranh giữa hai doanh nghiệp sản xuất trang bị hàng không lớn làm cho tình hình trở nên tương đối phức tạp.

Khi máy bay dòng Su-30 bán số lượng lớn trên thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa hai nhà máy sản xuất không được coi là có vấn đề nghiêm trọng gì.

Trong 3 loại máy bay, tính năng của Su-30M2 kém nhất, tiềm năng nâng cấp không lớn. Trước đây còn có truyền thông tiết lộ cho rằng, Nga mua loại máy bay này cho Không quân của họ sau khi giao dịch Su-30M2 với Trung Quốc đổ bể.

Đặc điểm đột kích của Su-35S là sử dụng động cơ hàng không mạnh hơn, thiết bị điện tử hàng không và vũ khí hoàn thiện hơn cùng với radar mới. Việc phối hợp sản xuất của Su-30SM tương đối tốt, chi phí chế tạo thấp, tổ lái có 2 người giúp cho thực hiện nhiệm vụ tác chiến phức tạp hơn, đào tạo phi công hiệu quả hơn.

Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 Nga

Hiện nay, triển vọng xuất khẩu của những máy bay này tương đối mơ hồ. Các nước đã sở hữu rất nhiều máy bay dòng Su-30, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay đang tích cực sử dụng công nghệ có giấy phép để sản xuất máy bay mới. Malaysia thà thuê chứ không mua bổ sung máy bay chiến đấu Su-30MKM. Được biết, Indonesia có thể sẽ mua máy bay chiến đấu dòng Su-30 để thay thế cho F-5 cũ, nhưng cho dù đã ký hợp đồng cung ứng, số lượng nhập khẩu máy bay tiêm kích cũng tương đối ít.

Chuyên gia Phương Tây cho rằng, Nga quyết định đồng thời mua sắm 3 loại máy bay có thể là do phải duy trì sản xuất của nhà máy Komsomolsk-on-Amur và nhà máy Irkutsk. Hơn nữa, Không quân Nga sử dụng toàn bộ 3 loại máy bay cũng có thể giúp cho họ có sức thu hút hơn đối với khách hàng nước ngoài.

Hiện nay Không quân Nga cấp bách cần máy bay chiến đấu mới. T-50 mãi đến mấy năm nữa mới có thể trang bị cho quân đội. Chuyên gia phương Tây cho rằng, T-50 đã được các phương tiện truyền thông chủ yếu đánh giá tích cực, nhưng thông tin liên quan đến tiến trình thử nghiệm máy bay mẫu T-50 hiện không nhiều. Khác với F-35 của Mỹ, việc thử nghiệm T-50 không tiến hành công khai.

Căn cứ vào thông tin do truyền thông tiết lộ, chương trình T-50 có thể đã tiến hành thay đổi khá lớn, thời hạn chương trình cũng liên tục bị đẩy lùi. Kế hoạch ban đầu là bàn giao máy bay thử nghiệm phiên bản cuối cùng cho Trung tâm bay thử quốc gia Akhtubinsk vào năm 2014, nhưng hiện nay xem ra thời hạn này sẽ không sớm hơn nửa cuối năm 2016, đã đi ngược lại kế hoạch hình thành sức chiến đấu sơ bộ và bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2016.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 Nga

Cho dù trong trường hợp tốt nhất, trong thời gian từ năm 2016-2020, cũng chỉ có thể trang bị 60 chiếc T-50, hơn nữa khả năng này hoàn toàn không lớn. Vì vậy, Không quân Nga cấp bách đổi mới cụm máy bay hiện có.

Trong hàng ngũ chiến đấu của Không quân Nga có một bộ phận đáng kể máy bay tiêm kích đang nhanh chóng lão hóa.

Liên Xô tan rã và khủng hoảng kinh tế sau đó làm cho sản xuất máy bay quân sự giảm mạnh, mãi đến mấy năm gần đây năng lực sản xuất máy bay tiêm kích mới được tăng lên.

Mặc dù máy bay chiến đấu Su-30M2, Su-30SM và Su-35 có tính năng tiên tiến hơn các "bậc tiền bối", nhưng chỉ dựa vào số lượng mua sắm vài chục chiếc mỗi loại, cơ bản không thể cải thiện triệt để tình trạng này.

Việt Dũng