Trang bị tên lửa của quân đội Hàn Quốc

15/10/2012 12:55
Theo Infonet
Trong kho tên lửa đối đất của Quân đội Hàn Quốc có nhiều loại do nước này tự phát triển và một phần nhập khẩu từ Mỹ.
“Thần hộ mệnh bầu trời phía Bắc”

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1980. Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc “cải tiến” tên lửa đối không tầm xa MIM-14 Nike Hercules (Mỹ) thành tên lửa đạn đạo tầm ngắn có tên gọi Hyunmoo 1 (nghĩa là: thần hộ mệnh bầu trời phía Bắc).

Tên lửa Hyunmoo 1 dài khoảng 12m, nặng 5 tấn. Tên lửa thiết kế với 2 tầng động cơ rocket nhiên liệu rắn, tầm bắn tối đa 180 km, lắp đầu đạn nặng 500kg.

Trong hành trình bay tên lửa Hyunmoo 1 được điều khiển bằng hệ định vị quán tính cho phép đạt độ chính xác tương đối. Nó có thể đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào trong mọi điều kiện thời tiết mà không cần điều khiển từ mặt đất sau khi bắn.

Dù thời điểm này, Hàn Quốc chưa bị “giới hạn tầm bắn” nhưng họ phải chịu áp lực lớn từ Mỹ. Năm 1990, Mỹ yêu cầu phía Hàn Quốc không được phát triển tên lửa vượt quá tầm bắn 180 km. Sau khi chấp nhận yêu cầu từ Mỹ, Hàn Quốc có sản xuất số lượng hạn chế tên lửa Hyunmoo dưới sự giám sát chặt chẽ từ Mỹ.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo 1 có kiểu dáng kỳ lạ "thừa kế" từ tên lửa đối không MIM-14.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo 1 có kiểu dáng kỳ lạ "thừa kế" từ tên lửa đối không MIM-14.

Từ giữa những năm 1990, Hàn Quốc từng bước mở rộng dần giới hạn tên lửa, nhưng cũng không quá 300 km. Năm 2001, Hàn Quốc ký thỏa thuận với Mỹ đồng ý hạn chế tầm bắn tên lửa đạn đạo không vượt quá 300 km và mang đầu đạn thuốc nổ nặng không quá 500 kg.

Năm 2009, Hàn Quốc giới thiệu tên lửa đạn đạo Hyunmoo 2A/B có tầm bắn tối đa 300 km. Đạn tên lửa Hyunmoo 2A/B được mô tả có kiểu dáng khá giống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander của Nga.

 Tên lửa điều khiển bằng hệ thống định vị quán tính INS kết hợp hệ định vị toàn cầu GPS đem lại độ chính xác cao.

Theo một số nguồn tin không chính thức, Hyunmoo 2B nâng tầm bắn lên 500 km. Tuy nhiên, điều này là trái với thỏa thuận 2001, nên ít có khả năng xảy ra, hoặc Hàn Quốc không được phép sản xuất Hyunmoo 2B.

Ngoài dòng tên lửa Hyunmoo 1/2, năm 2002, Hàn Quốc nhập khẩu thành công 220 tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS, và bố trí ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách Triều Tiên - Hàn Quốc.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn MGM-140.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn MGM-140.

MGM-140 do Tập đoàn Lockheed Martin phát triển. MGM-140 có tầm bắn tối đa 300km, điều khiển bằng hệ định vị toàn cầu GPS. Tuy nhiên, biến thể xuất khẩu cho Hàn Quốc giới hạn ở tầm 165km.

Trước bước tiến vượt bậc của Triều Tiên trong lĩnh vực phát triển tên lửa đạn đạo. Điều này làm cho giới chức Hàn Quốc không thể ngồi yên, họ tìm cách “lách luật” năm 2001 để nâng tầm bắn tên lửa.

Vì với phạm vi 300km, tên lửa Hàn Quốc không có khả năng vươn sâu vào các mục tiêu chiến lược của Triều Tiên.

Theo đó, Hàn Quốc triển khai chương trình phát triển tên lửa hành trình đối đất tầm xa Hyunmoo 3. Họ lợi dụng "nhược điểm" thỏa thuận giới hạn tầm bắn chỉ áp dụng tên lửa đạn đạo mà không yêu cầu tên lửa hành trình.

“Tên lửa lách luật”


Đầu những năm 2000, Cơ quan phát triển quốc phòng Hàn Quốc (AAD) bắt đầu chương trình tên lửa hành trình tầm xa Hyunmoo 3. Theo trang tin Defence – Update, việc phát triển Hyunmoo 3 có sự hợp tác với Liên doanh Taurus (Đức – Thụy Điển).

Dự kiến, phải tới năm 2014, Hyunmoo 3 mới chính thức đi vào hoạt động trong Quân đội Hàn Quốc.

Tên lửa hành trình tầm xa Hyunmoo 3 giúp Hàn Quốc tạm bớt lo trước "sức ép tên lửa đạn đạo" từ Triều Tiên.
Tên lửa hành trình tầm xa Hyunmoo 3 giúp Hàn Quốc tạm bớt lo trước "sức ép tên lửa đạn đạo" từ Triều Tiên.

Hyunmoo 3 có hình dáng tương tự tên lửa hành trình Tomahawk (Mỹ), dài 6m, nặng 1,5 tấn, lắp đầu đạn nặng 500kg. Tên lửa thiết kế với hệ thống điều khiển kết hợp giữa hệ định vị quán tính INS và hệ định vị toàn cầu GPS.

“Gia đình Hyunmoo 3” gồm các biến thể: Hyunmoo 3A (tầm bắn 500km), Hyunmoo 3B (tầm bắn 1.000km) và Hyunmoo 3C (tầm bắn 1.500km). Tên lửa hành trình tầm xa Hyunmoo 3 được triển khai trên bệ phóng mặt đất hoặc trên tàu chiến mặt nước, tàu ngầm.

Có thể nói, Hyunmoo 3 là bước đi khôn ngoan của chính quyền Hàn Quốc vừa tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự, vừa không làm mất lòng người Mỹ.

Theo Infonet