Triển khai S-400 cho Hạm đội Baltic: Hợp lý hay không hợp lý?

08/04/2012 08:35
Bá Quang (Theo miltaryparitet)
(GDVN) - Hạm đội Baltic vào thứ sáu (6/4) đã nhận được một hệ thống tên lửa chiến lược S-400 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo.

Izvestia dẫn nguồn tin từ Bộ tham mưu của hạm đội cho biết rằng, một Tiểu đoàn S-400 sẽ được triển khai ở lữ đoàn phòng không của Hạm đội Baltic gần Kaliningrad.

Đây là tổ hợp tên lửa S-400 thứ ba được triển khai trong nước. Hai tổ hợp khác hiện đang được triển khai tại Nakhodka thuộc vùng Viễn Đông và Moscow.

S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không mới nhất hiện nay của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới.

S-400 hay Triumph được phát triển dựa trên hệ thống tên lửa phòng không S-300, mang đầy đủ các tính năng cũng như đặc điểm kỹ thuật của S-300PMU nhưng hiện đại và tiên tiến hơn nhiều.

Tên lửa S-400 được ứng dụng vào nhiều mục đích tác chiến khác nhau vì có thể tiêu diệt được cả máy bay trang bị công nghệ tàng hình, cả tên lửa hành trình, tên lửa cấp chiến dịch-chiến thuật trong phạm vi 400 km.

Hệ thống tên lửa S-400 có khả năng phát hiện mục tiêu trong phạm vi 600 km, có thể bắn đồng thời vào 36 mục tiêu khác nhau, mỗi mục tiêu 2 quả tên lửa. Tổ hợp tên lửa loại này có thể tiêu diệt mục tiêu hoạt động ở vận tốc 4.800 m/s, độ cao từ 5m đến 30 km.

Cũng cần lưu ý rằng S-400 của Hạm đội Baltic sẽ không tham gia vào hệ thống phòng thủ không gian-vũ trụ Nga (ASD), được thành lập vào ngày 01 tháng một năm 2012. Tuy nhiên, Bộ tham mưu của ASD không loại trừ khả năng điều này sẽ xảy ra trong một tương lai không xa.

Qui mô của ASD hiện nay vẫn còn hạn chế trong cái gọi là hệ thống phòng thủ Moscow. Việc phòng thủ các khu vực còn lại trong đó có các khu vực chiến lược, đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân.

Trong tương lai nó sẽ trở thành một phần của ASD, nhưng hiện tại, đây vẫn là vấn đề “hết sức phức tạp”, theo như lời của người đại diện Bộ tư lệnh Quân chủng.

Hãng tin Izvestia báo cáo rằng, mặc dù thực tế là Hải quân không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa, tuy nhiên S-400 sẽ vẫn chính thức đi vào phục vụ trong Hạm đội Baltic.

Các lực lượng và phương tiện trên lãnh thổ của khu vực Kaliningrad, bao gồm lực lượng phòng không chiến lược, trụ sở của Hạm đội Baltic, trừ trạm radar cảnh báo sớm Voronezh-DM, tất cả đều thuộc hệ thống cảnh báo tên lửa.

Đại diện của Hạm đội Baltic cho biết, Hạm đội trên thực tế như một quân khu nhỏ, mặc dù nó là một phần của quân khu phía Tây. Vì vậy, việc quản lý tổ hợp sẽ được thực hiện thông qua sự chỉ huy của hạm đội.

Giám đốc Viện Nghiên cứu và phân tích Chiến lược Nga Alexander Konovalov tin rằng cách bố trí một tổ hợp tên lửa tầm xa siêu hiện đại như S-400 ở khu vực Kaliningrad là không hợp lý.

Theo ông, mối đe dọa duy nhất, có thể ngăn chặn được bằng S-400 – chính là một cuộc tấn công tên lửa vào Kaliningrad của NATO. Tuy nhiên kịch bản này không thể diễn ra bởi vì đây là cuộc tấn công vào nước Nga và hậu quả của nó sẽ vô cùng khôn lường.

Konovalov cho rằng khu vực công nghiệp quan trọng của Nga chủ yếu tập trung ở trung tâm đất nước và vùng Viễn Đông, mà theo logic là cần phải được bảo vệ trước các cuộc tấn công tên lửa.

Còn theo Vladimir Dvorkin –  chuyên viên nghiên cứu của Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Viện Hàn lâm khoa học Nga thì S-400 sẽ được giao cho Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ như một thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu.

“Mỹ, trong khuôn khổ chương trình châu Âu-Đại Tây Dương, đã đề nghị chúng ta đưa tàu chiến với hệ thống hệ thống S-400 tới phía bắc vùng biển Baltic, và điều đó sẽ tốt cho hợp tác về phòng thủ tên lửa.” – Dvorkin giải thích.

Được biết, cho đến năm 2020, Bộ Quốc phòng có kế hoạch triển khai trên toàn quốc 56 tiểu đoàn S-400.

Bá Quang (Theo miltaryparitet)