Trung Quốc : Hải quân chuyển từ "nước vàng" sang "nước xanh"

20/02/2012 14:39
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Thông qua hộ tống ở vịnh Aden, Hải quân Trung Quốc đã thử nghiệm nhiều vũ khí trang bị và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động ở biển xa.

Tờ “Quang Minh” Trung Quốc cho biết, ngày 26/12/2012 là ngày kỷ niệm tròn 3 năm Hải quân Trung Quốc đến vịnh Aden làm nhiệm vụ hộ tống. Như vậy Hải quân Trung Quốc đã thể hiện một hình tượng “văn minh” và “uy lực”.

Biên đội hộ tống số 5 - Hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông
Biên đội hộ tống số 5 - Hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông

Tích lũy kinh nghiệm đáng quý ở biển xa

Về hoạt động hộ tống vịnh Aden của Hải quân Trung Quốc trong 3 năm qua, Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung cho rằng, 3 năm trước, Trung Quốc còn nghiên cứu đi hay không đi hộ tống, sau đó Hải quân Trung Quốc đã quyết định cử tàu chiến đi hộ tống ở vịnh Aden, nay đã rút ra được một số kinh nghiệm.

Thứ nhất, Trung Quốc là một nước lớn, trên cơ sở quán triệt đề xướng chống cướp biển ở Ấn Độ Dương của Liên Hợp Quốc, căn cứ vào sự cho phép của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã thể hiện trách nhiệm một nước lớn cần có. Đây là điều rất quan trọng.

Thứ hai, ở biển xa, Hải quân Trung Quốc đã có cơ hội tôi luyện lực lượng, biên đội tàu chiến của Trung Quốc đã hoạt động ở biển xa, “phiêu bạt” đến vài tháng ở trên biển, cách xa lãnh thổ, tác động mạnh đến tâm lý và khả năng. Hơn nữa, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ hộ tống, hạm đội của Trung Quốc đã được thử thách về khả năng phản ứng nhanh.

Về mặt thực thi pháp luật hàng hải, do đi ra khỏi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của mình, đến vùng biển quốc tế thực hiện nhiệm vụ, biên đội tàu chiến Trung Quốc đã tấn công, truy đuổi cướp biển, bắt và xử lý cướp biển.

Trong quá trình đó, tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng một số nước, gặp phải những vấn đề về pháp lý, tiến hành tiếp dầu, tiếp nước.

Qua 3 năm, Hải quân Trung Quốc đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm thực tế về mặt pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ ở biển xa.

Theo Trương Triệu Trung, do pháp lý là một vấn đề rất quan trọng khi hải quân hoạt động ở vùng biển quốc tế, nó là một vũ khí vừa để bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi, đồng thời vừa để đấu tranh.

Nó phải được tiến hành chặt chẽ, rõ ràng. Thông qua trải nghiệm vài năm, đã từng bước đi từ kiến thức sách vở đến thực tế. Trên cơ sở đó lại tổng kết thành lý luận, đây là một sự tôi luyện rất tốt.

Biên đội hộ tống số 7 - Hải quân Trung Quốc
Biên đội hộ tống số 7 - Hải quân Trung Quốc

Còn một vấn đề quan trọng nữa là vũ khí trang bị của Trung Quốc được thử nghiệm. Một số tàu chiến vừa được trang bị, có nhiệm vụ đầu tiên lại là đến biển Đông, đến Ấn Độ Dương thực hiện nhiệm vụ đến 3 tháng.

Đây là sự thử nghiệm rất quan trọng. Qua thực tế, nổi lên nhiều vấn đề và vấn đề sẽ được nghiên cứu giải quyết. Ví dụ như tàu chiến bị hỏng ở đâu sẽ được đưa về nhà máy sửa chữa lại, qua đó sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Trên thực tế, 3 năm qua, tàu chiến Trung Quốc lại không gặp phải vấn đề gì lớn, khẳng định khả năng đóng tàu của Trung Quốc, các thiết bị như radar, dẫn đường… cũng phát huy tốt.

Chiến thắng nỗi cô đơn trên biển

Trương Triệu Trung cho rằng, vào thập kỷ 1980-1990, Trung Quốc có khái niệm “hải quân nước vàng”, nhưng hiện nay lại nhấn mạnh đến “hải quân nước xanh” (hải quân viễn dương hay tầm xa).

Tức là Hải quân Trung Quốc hiện đã chú ý đến nhiều phương diện như bảo vệ môi trường, pháp lý, lễ nghi, tố chất nhân viên, khả năng ngoại ngữ, sĩ quan trẻ… Những vấn đề này ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Về việc đào tạo binh sĩ hải quân, Trương Triệu Trung cho rằng, thứ nhất, cần chú ý bồi dưỡng tinh thần vượt qua được sự cô đơn, đơn độc khi thực hiện nhiệm vụ ở xa.

Trong cuộc sống bình thường, con người luôn được vui chơi giải trí ở nhiều nơi, được gặp nhiều người từ già đến trẻ, được gặp phụ nữ, người đẹp, gặp nhiều kiểu người trên đường phố, từ đó được giao lưu với đủ kiểu người.

Nhưng khi đi làm nhiệm vụ ở biển xa, một vài ngày đầu thì thấy mọi cái mới mẻ, nhưng nhiều ngày đến trăm ngày thì vẫn chỉ thấy nước xanh và mây trắng, dễ cảm thấy chán nản.

Biện pháp giải quyết vấn đề này của các nước là tới neo đậu ở nhiều cảng biển khác nhau, tạo cảm giác thoải mái.

Trung Quốc hiện bắt đầu chú ý đến vấn đề này, song nhiệm vụ vẫn là hộ tống, chống cướp biển, chứ không phải đi du lịch. Cập cảng dài ngày sẽ phải chi tiêu nhiều và không thực hiện được nhiệm vụ. Các thuyền viên phải chuẩn bị tốt khả năng chịu đựng gian khổ.

Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ hộ tống tại vịnh Aden
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ hộ tống tại vịnh Aden

Ngoài ra, còn phải điều tiết tâm lý, từng bước hình thành tâm lý sống lâu ngày trên biển. Cần nghiên cứu xây dựng chương trình học điều tiết tâm lý, tăng công trình giải trí, tạo điều kiện cho binh sĩ trên tàu đọc sách, tham gia thi cử ở một số cấp độ.

Có thể thông qua máy tính, mạng, dạy học video từ xa để giúp cho binh sĩ có thể bình tĩnh trong thời gian ở trên biển.

Qua đó, giúp cho binh sĩ chiến thắng được sự lo sợ, nỗi cô đơn và buồn tẻ; tránh được hiện tượng suốt ngày hút thuốc, uống rượu, tán gẫu. Vì vậy, muốn giúp binh sĩ có đời sống phong phú thì phải giúp họ tăng cường học tập, nâng cao trình độ tri thức cho họ.

Thứ hai, cần tiến hành bồi dưỡng tri thức quốc tế cho binh sĩ. Chẳng hạn mở lớp học ngoại ngữ, luật pháp quốc tế. Các binh sĩ trên tàu chiến của Mỹ thường có cuốn sổ tay về “Luật quốc tế”, nên họ rất hiểu các vấn đề pháp lý. Các binh sĩ Pháp cũng vậy.

Đông Bình (Theo báo Quang Minh)