Tình hình Biển Đông, Hoa Đông:

“Trung Quốc - Nhật Bản đã đi vào ngõ cụt trong tranh chấp đảo Senkaku”

08/07/2013 06:24
Việt Dũng
(GDVN) - Hai bên hầu như đều quyết tâm trong "bảo vệ chủ quyền", TQ có ý đồ dựa vào thực lực làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, Biển Đông...
Lực lượng chấp pháp của hai nước Trung-Nhật đối đầu ở vùng biển đảo Senkaku
Lực lượng chấp pháp của hai nước Trung-Nhật đối đầu ở vùng biển đảo Senkaku


Tranh chấp đi vào ngõ cụt

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, tình hình căng thẳng giữa Trung-Nhật trong vấn đề đảo Senkaku vẫn tiếp tục diễn ra. Ngày 2 tháng 7, Đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga" đã cho biết, hiện nay không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự thỏa hiệp.

Ngày 1 tháng 7, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc tuyên bố, biên đội 4 tàu Hải giám Trung Quốc đến tuần tra ở vùng biển đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là lãnh hải). Trong khi đó Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ra tuyên bố cho biết, tàu tuần tra Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản.

Bài báo chỉ ra, hoạt động đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đã sớm đi vào trạng thái thường xuyên. Từ tháng 9 năm 2012, số lần tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập vùng biển xung quanh đảo Senkaku không dưới 5 lần.

Nhưng trên thực tế, vùng biển xung quanh đảo Senkaku không chỉ có tàu hải giám Trung Quốc, mà còn có tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Theo bài báo, hầu như quyết tâm "bảo vệ chủ quyền của mình" của hai bên đã khó mà lung lay.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc hầu như đã lựa chọn một con đường cứng rắn, đồng thời "đang chờ đợi người Nhật thay đổi". Trong thời gian tổ chức hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida đã không tiếp xúc với nhau.

Lập trường chính thức của Nhật Bản là, chủ quyền đảo Senkaku thuộc về họ, hai nước không tồn tại vấn đề lãnh thổ. Bài báo cho rằng, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung-Nhật đã đi vào "ngõ cụt".

“Trung Quốc muốn dựa vào thực lực để thay đổi hiện trạng”

Thủ tướng Shinzo Abe: Trung Quốc muốn dựa vào thực lực để làm thay đổi hiện trạng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thủ tướng Shinzo Abe: Trung Quốc muốn dựa vào thực lực để làm thay đổi hiện trạng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 7 tháng 7 có bài viết cho rằng, ngày 7 tháng 7 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê phán Trung Quốc có ý đồ dựa vào thực lực của họ để làm thay đổi hiện trạng trong vấn đề đảo Senkaku và tranh chấp lãnh thổ Biển Đông, coi đây là một hành động sai lầm. Ngoài ra, 3 tàu Hải giám Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển đảo Senkaku.

Theo hãng Kyodo, Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã đề cập đến vấn đề lịch sử cho rằng, các nước đều có lòng tự hào về lịch sử của nước mình, tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng. Lấy vấn đề lịch sử làm con bài ngoại giao (như Trung Quốc) và coi đó là điều kiện để tiến hành hội đàm cấp cao là một cách làm sai lầm.

Báo Phượng Hoàng giải thích điều này là nhằm phản ứng lại việc "hai nước Trung-Hàn" đòi hỏi chính quyền Shinzo Abe phải có quan điểm lịch sử đúng đắn.

Ông Abe còn tiếp tục chỉ trích Trung Quốc đặt điều kiện cho hội đàm cấp cao Trung-Nhật, chỉ ra quan hệ Trung-Nhật là có “cắt” cũng không “cắt” được, chính vì có vấn đề nên mới cần đối thoại. Đối phương không đáp ứng điều kiện của mình thì không tổ chức hội đàm cấp cao - loại thái độ ngoại giao này là sai lầm.

Tháng 6 năm 2013, tàu Hải giám 5001 Trung Quốc đi vào hoạt động
Tháng 6 năm 2013, tàu Hải giám 5001 Trung Quốc đi vào hoạt động

Ông còn nhắc tới việc Trung Quốc khai thác mỏ dầu khí mới ở "tuyến trung gian Nhật-Trung" trên biển Hoa Đông, tăng cường chỉ trích Trung Quốc. "Tuyến trung gian Nhật-Trung" là do Nhật Bản chủ trương, dùng để chia đôi vùng biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng Trung Quốc không chịu, đòi nhiều hơn, đòi Nhật Bản phải chịu thiệt thòi về mình - điều này rõ ràng không được Nhật Bản chấp nhận.

Theo tin tức từ Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, tàu Hải giám 49, Hải giám 23 và Hải giám 5001 sáng ngày 7 tháng 7 tiếp tục xâm nhập vùng biển đảo Senkaku để "tuần tra".

Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản từng ra lời cảnh báo đối với 3 tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển có liên quan. Nhưng tàu Trung Quốc vẫn cố chấp, thậm chí sử dụng tiếng Trung và tiếng Anh để kêu rằng họ đang tuần tra thường lệ theo "luật pháp Trung Quốc" (không nói là theo luật pháp quốc tế).

Biểu tình chống Nhật và có kế hoạch đến vùng biển Senkaku tuyên bố chủ quyền

Ngoài ra, theo China News ngày 7 tháng 7, nhân kỷ niệm trong 76 năm sự kiện cầu Lư Câu (ngày 7 tháng 7 năm 1937, Nhật bất ngờ tấn công vào phía tây nam cầu Lư Câu, Bắc Kinh, Trung Quốc), nhiều tổ chức của Hồng Kông đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Nhật Bản tại Hồng Kông, chỉ trích rằng Nhật Bản muốn khôi phục "chủ nghĩa quân phiệt", yêu cầu Nhật Bản thừa nhận lịch sử.

Các nhà hoạt động Hồng Kông tổ chức biểu tình chống Nhật
Các nhà hoạt động Hồng Kông tổ chức biểu tình chống Nhật

Theo luận điệu tuyên truyền của bài báo, đoàn biểu tình đã hô các khẩu hiệu chống Nhật, mặc niệm những nạn nhân của sự kiện cầu Lư Câu, đốt cháy quân kỳ Nhật Bản in hình ông Shinzo Abe, coi việc Nhật Bản muốn sửa đổi Hiến pháp là muốn "phục hồi chủ nghĩa quân phiệt", và kêu gọi người dân Nhật Bản không ủng hộ ông Shinzo Abe trong cuộc bầu cử Thượng viện trong tháng này.

Theo người phát ngôn của "Ủy ban hành động bảo vệ đảo Điếu Ngư (hay đảo Senkaku)" Hồng Kông, họ có kế hoạch vào ngày 15 tháng tới (tức ngày Nhật Bản thua trận) sẽ kết hợp với các nhà hoạt động "bảo vệ đảo Điếu Ngư" ở các khu vực khác đến vùng biển đảo Senkaku câu cá, tuyên bố chủ quyền và không loại trừ khả năng đổ bộ lên đảo Senkaku.

Tuyên bố trên kênh truyền hình NHK, Nhật Bản vào ngày 7/7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, việc Nhật Bản không chịu thừa nhận sự tồn tại các tranh chấp về lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) không thể trở thành lý do để Trung Quốc từ chối tiến hành các cuộc họp song phương ở cấp cao nhất.

Trước đó có tin nói rằng, Bắc Kinh đặt điều kiện một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo hai nước là phía Nhật Bản phải thừa nhận sự tồn tại của vấn đề tranh chấp hải đảo. Trung Quốc cho rằng Điếu Ngư là lãnh thổ không tách rời của họ, nhưng Nhật Bản từ chối công nhận sự tồn tại các bất đồng về chủ quyền.

Ông Sinzo Abe cũng nhấn mạnh rằng hai quốc gia có mối quan hệ "khăng khít" và lưu ý “các vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại." Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia khác, "theo đúng từng chữ của luật pháp" khi giải quyết các tranh chấp như vậy.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Việt Dũng