Trung Quốc - Nhật Bản sẽ bước vào “kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh”

23/05/2012 10:41
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Kế hoạch tàu sân bay Trung Quốc sẽ làm đảo lộn cơ chế phòng vệ của Nhật Bản, đưa Nhật-Trung bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài.
Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc.
Tàu sân bay Varyag của Trung Quốc.

Gần đây, tạp chí “Nghiên cứu Quân sự” Nhật Bản có bài viết cho rằng, kế hoạch chế tạo tàu sân bay và chiến lược của Trung Quốc sẽ làm đảo lộn cơ chế phòng vệ trên biển, trên không của Nhật Bản.

Tàu sân bay Varyag đánh dấu Trung Quốc và Nhật Bản đã bước vào kỷ nguyên của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Bài viết cho rằng, tàu sân bay Varyag hiện đã liên tục được chạy thử, nó có thể mang theo 50 máy bay các loại, gồm có máy bay chiến đấu J-15, còn máy bay cảnh báo sớm sẽ tạm thời áp dụng phương thức: máy bay trực thăng mang theo radar cảnh báo sớm.

Trung Quốc có thể sẽ thử nghiệm sử dụng máy bay huấn luyện JJ-9 (Jianjiao-9) trên tàu sân bay Varyag, dùng để đào tạo phi công cho tàu sân bay.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang nghiên cứu chế tạo máy bay cảnh báo sớm dựa trên nền tảng máy bay Y-7. Máy bay chở khách Y-7 có 50 chỗ ngồi, do đó không gian sử dụng lớn hơn máy bay cảnh báo sớm E-2C của Mỹ.

Sau vài năm nữa, khi đưa vào sử dụng thực tế, tàu sân bay Varyag chủ yếu mang theo các loại máy bay gồm: 12-24 máy bay chiến đấu J-15, khoảng 3 chiếc máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 hoặc Z-8 cải tạo, khoảng 6 máy bay trực thăng chống tàu ngầm Z-9C.

Không còn nghi ngờ gì nữa, sứ mệnh của tàu sân bay Varyag là xây dựng nền tảng sử dụng tàu sân bay cho Hải quân Trung Quốc. Hiện nay, có rất nhiều thông tin cho rằng Hải quân Trung Quốc “sẽ sở hữu 3 tàu sân bay trước năm 2020”, “có kế hoạch chế tạo 6 tàu sân bay”.

Máy bay trực thăng chống tàu ngầm Z-9 của Trung Quốc.
Máy bay trực thăng chống tàu ngầm Z-9 của Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc hoàn toàn không chính thức công bố những thông tin này, nhưng nhìn chung, con số này sẽ không sai lệch nhiều so với tình hình thực tế.

Sau khi tàu sân bay Varyag được đưa vào huấn luyện, Trung Quốc sẽ bắt đầu chế tạo mới tàu sân bay nội địa của họ. Tàu sân bay mới sẽ có lượng choán nước khoảng 50.000 tấn, có thể áp dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu hoặc máy phóng.

Sau khi chế tạo được 2 tàu sân bay loại này, Trung Quốc có thể sẽ tận dụng thiết bị động cơ hạt nhân của họ để chế tạo một tàu sân bay động cơ hạt nhân.

Theo đó, trong 15 năm tới, Trung Quốc sẽ sở hữu 1 tàu sân bay động cơ hạt nhân, 2 tàu sân bay động cơ thông thường và tàu sân bay Varyag hiện nay. Ngoài tàu sân bay Varyag, 3 tàu sân bay còn lại sẽ hình thành chế độ trực ban luân phiên thuộc các giai đoạn “bảo vệ”, “huấn luyện” và “chiến đấu thực tế”.

Báo Nhật cho rằng, xét tới việc Hải quân Trung Quốc có thể sẽ tập trung sử dụng tàu sân bay ở hai hướng là biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể thành lập hai “chế độ 3 tàu sân bay” có thể trực ban luân phiên, vì vậy cuối cùng cần tổng cộng 6 tàu sân bay.

Cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc sẽ hoành hành ở biển Đông và biển Hoa Đông – tuyến đường huyến mạch của Nhật Bản, đồng thời có thể tiến hành hoạt động hăm dọa ở vùng biển xung quanh đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).

Nhiệm vụ của  Phòng vệ Biển/Trên không Nhật Bản đứng trước sự thay đổi lớn

Bài viết cho rằng, có thể rất dễ tưởng tượng, sau khi Trung Quốc sở hữu tàu sân bay sẽ ảnh hưởng đến lực lượng phòng vệ Nhật Bản, nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ Biển và Trên không sẽ có những thay đổi tương ứng.

Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chắc chắn sẽ tiến hành nhiệm vụ trinh sát, theo dõi trong tình hình lực lượng tàu sân bay Trung Quốc tiến hành ngăn chặn và hăm dọa.

Máy bay trực thăng SH-60 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Máy bay trực thăng SH-60 của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Ngoài tàu sân bay, cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc sẽ được bố trí thêm 6-10 tàu chiến hộ tống gồm tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu chi viện và tàu ngầm. Toàn bộ hạm đội tàu chiến sẽ lấy tàu sân bay làm hạt nhân, triển khai ở vùng biển vài chục dặm cho tới vài trăm dặm.

Vì vậy, số lượng tàu nổi và tàu ngầm làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát chắc chắn cũng sẽ tăng lên, Nhật Bản có thể sẽ gia tăng đầu tư, liên tục mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, đồng thời điều máy bay trực thăng SH-60, máy bay tuần tra P-3C và P-1 thường xuyên tiến hành trinh sát, do thám đối với tàu sân bay Trung Quốc.

Do tàu sân bay Trung Quốc sẽ bắt đầu sử dụng máy bay chiến đấu J-15 để thực hiện nhiệm vụ phòng không, máy bay trinh sát chưa được lắp radar đối không của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ rất khó trực tiếp tiếp cận tàu sân bay.

Trong tình hình đó, tàu sân bay sẽ tiến hành huấn luyện chiến thuật và bay cảnh giới. Vì vậy, để thu thập tin tức tình báo về tàu sân bay và máy bay trang bị cho tàu sân bay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ phải luân phiên điều động tàu Aegis có trang bị radar SPY-1D.

Tàu Aegis Nhật Bản mang tên Kirishima rời cảng ở căn cứ Yokosuka.
Tàu Aegis Nhật Bản mang tên Kirishima rời cảng ở căn cứ Yokosuka.

Cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc không thể hoạt động trên biển cả 1 năm với 365 ngày, vì vậy 6 tàu Aegis hiện có của Nhật Bản thay nhau trực ban sẽ không quá căng thẳng.

Nhưng, trong 10 năm tới, số lượng tàu sân bay của Trung Quốc sẽ tăng lên nhiều và hoạt động ở biển bên ngoài càng tích cực hơn, khi đó hoạt động theo dõi luân phiên của tàu Aegis Nhật Bản sẽ không còn đơn gian nữa.

Trong tương lai, cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc có thể chạy xuyên qua vùng biển Okinawa, xâm nhập Thái Bình Dương và có thể đến vùng biển quốc tế xa hơn, gần quần đảo Izu (cụm đảo phía đông nam bán đảo Izu của đảo Honshu).

Rất khó tưởng tượng, tàu sân bay Trung Quốc còn có thể tiến hành hoạt động cất/hạ cánh và bay cho máy bay ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Điều này cơ bản sẽ làm đảo lộn cơ chế vận hành hiện có của hệ thống phòng không và hệ thống cất cánh khẩn cấp của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản.

Cơ chế đánh chặn mới đối với Trung Quốc sẽ hoạt động

Đến nay, khi máy bay không rõ quốc tịch tiếp cận khoảng 161 km ngoài phạm vi nhận biết phòng không của Nhật Bản, radar và máy bay cảnh báo sớm của hệ thống cảnh giới, quản lý, kiểm soát tự động sẽ “chộp” được đối tượng này và hướng dẫn cho máy bay chiến đấu khẩn cấp cất cánh chặn lại.

Nhưng cơ chế này muốn ứng phó với tàu sân bay sẽ rất khó khăn. Khi tàu sân bay hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế ở lãnh hải tiếp giáp, một khi máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay, chỉ cần thời gian vài chục giây là có thể xâm nhập không phận Nhật Bản. Khi radar Nhật Bản phát hiện được máy bay của đối phương, đối phương đã xâm nhập vào phạm vi nhận biết phòng không; khi máy bay chiến đấu Nhật Bản khẩn cấp cất cánh, đối phương đã xâm nhập vào bầu trời Nhật Bản.

Nhật quyết mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, dù giá cả đắt đỏ.
Nhật quyết mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, dù giá cả đắt đỏ.

Để ngăn chặn tình huống này, khi tàu sân bay Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, Nhật buộc phải xây dựng cơ chế đánh chặn khẩn cấp phòng không mới, đó là: một mặt tàu Aegis duy trì hoạt động trinh sát, theo dõi liên tục và kết nối tin tức tình báo với hệ thống quản lý, kiểm soát tự động; mặt khác triển khai máy bay chiến đấu ở trên không đợi lệnh.

Ngoài ra, còn có thể triển khai máy bay chiến đấu trực ban ở căn cứ Hamamatsu và đảo Iwo Jima, đồng thời xây dựng công trình bảo vệ máy bay ở sân bay dân dụng như không quân nước ngoài để cho máy bay chiến đấu trực ban sử dụng.

Bài viết cho rằng, sở dĩ Bộ Quốc phòng Nhật Bản mua sắm tàu khu trục trực thăng kiểu mới có lượng choán nước 19.500 tấn, đường băng dài 249 m, có thể đã tính tới nhu cầu này trong tương lai.

Nếu trên con tàu mới này triển khai máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ trực ban thì có thể chiếc tàu mới này sẽ bám theo tàu sân bay Trung Quốc, một khi máy bay chiến đấu Trung Quốc có ý định xâm phạm không phận, thì máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ khẩn cấp cất cánh tiến hành đánh chặn.

Mặc dù sau khi tàu sân bay Varyag đi vào hoạt động, trong ngắn hạn tình hình này sẽ chưa xảy ra, nhưng sau khi Trung Quốc sở hữu 2-3 tàu sân bay, thì Nhật Bản cần phải chuẩn bị tốt tâm lý cho tình hình này. Khi tàu sân bay Varyag chính thức đi vào hoạt động, cũng có nghĩa là Nhật Bản sẽ bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài giữa Nhật-Trung.

Nhật chế tạo tàu sân bay trực thăng mới 22DDH.
Nhật chế tạo tàu sân bay trực thăng mới 22DDH.
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)