Trung Quốc, Nhật Bản căng thẳng, khẩu chiến lại tái diễn

14/10/2013 09:20
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc tích cực phản đối các động thái mới của Nhật Bản vì sợ Nhật Bản mạnh lên, gây khó khăn cho lợi ích, an ninh của Trung Quốc.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải phát biểu tại Đại học John Hopkins, Mỹ tuyên truyền về "con đường phát triển hòa bình" của Trung Quốc
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải phát biểu tại Đại học John Hopkins, Mỹ tuyên truyền về "con đường phát triển hòa bình" của Trung Quốc

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 11 tháng 10 có bài viết nhan đề "Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản: Trung Quốc phê bình quan điểm lịch sử của Nhật Bản là để tự tuyên truyền".

Bài viết dẫn "Mạng phát thanh Hán ngữ toàn cầu" - Đài tiếng nói Trung Quốc đưa tin, ngày 8 tháng 10, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải đã nhận lời mời của Đại học John Hopkins Mỹ có bài phát biểu, nội dung liên quan đến "Chính sách ngoại giao Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ". Sau khi kết thúc bài phát biểu, ông Thôi Thiên Khải trả lời những vấn đề có liên quan đến nội bộ Nhật Bản.

Thôi Thiên Khải cho rằng: “Hiện nay, một số động thái (của Nhật Bản) gây cảm giác, ở Nhật Bản có thể có một số người cho rằng, họ đã thất bại trước Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã thua bởi bom nguyên tử của Mỹ, cho nên chỉ cần xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ, quan hệ với nước khác không cần quan tâm lắm”.

"Tôi cảm thấy đây là một quan điểm lịch sử rất sai lầm. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã thua các nước yêu chuộng hòa  bình, phản đối xâm lược, đương nhiên trong đó có nhân dân Trung Quốc và nhân dân Mỹ. Hiện nay, nếu Nhật Bản bị quan điểm lịch sử sai lầm dẫn dắt, vấn đề sẽ khá lớn, bởi vì điều này liên quan đến trật tự quốc tế sau Chiến tranh, cũng liên quan đến lợi ích thiết thân của nhân dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cho nên, trong vấn đề này Nhật Bản cần đưa ra sự lựa chọn đúng đắn".

Phản ứng trước những phát ngôn này của ông Thôi Thiên Khải, ngày 9 tháng 10, tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, những phát ngôn của Thôi Thiên Khải "chỉ có thể hiểu là một loại tự tuyên truyền đứng ở lập trường quốc gia của họ, không có gì đáng xem xét".

Ông Yoshihide Suga nói: "68 năm qua sau Chiến tranh, Nhật Bản phát triển đi lên từ một quốc gia theo chủ nghĩa tự do và dân chủ, đã đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới, đi đến ngày hôm nay, ai cũng thấy rõ".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga

Về vấn đề này, truyền thông Nhật Bản cho rằng, hội đàm cấp cao hai nước Trung-Nhật còn chưa rõ bao giờ mới tiến hành, quan chức cấp cao hai nước lại tiến hành "khẩu chiến" với nhau. Được biết, trước khi làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ năm 2007 đến năm 2009.

Trong thời gian qua, ông Yoshihide Suga đã khuyến khích Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm ngôi đền Yasukuni. Trung Quốc tỏ ra rất lo ngại vấn đề này, luôn bày tỏ phản đối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng: “Vấn đề nhà lãnh đạo Nhật Bản thăm đền Yasukuni có liên quan đến nhận thức và ứng xử đúng đắn với lịch sử xâm lược của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, phải chăng tôn trọng tình cảm của đông đảo nhân dân các nước bị hại trong đó có Trung Quốc, vấn đề này liên quan đến nền tảng chính trị của quan hệ Trung-Nhật, là một vấn đề nguyên tắc quan trọng”.

“Trung Quốc đã nhiều lần cho biết, bất kể nhà lãnh đạo Nhật Bản đến thăm đền Yasukuni vào lúc nào, bằng hình thức gì và thân phận nào, Trung Quốc đều kiên quyết phản đối. Hiện nay, quan hệ Trung-Nhật đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng, nếu Nhật Bản tiếp tục gây sự cố mới trong vấn đề đền Yasukuni, chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Chúng tôi hy vọng, Nhật Bản không nên phán đoán sai tình hình, dẫn dắt sai dư luận, sai rồi lại sai”.

Trung Quốc tích cực sử dụng tàu Cảnh sát biển để tìm cách kiểm soát vùng biển đảo Senkaku.
Trung Quốc tích cực sử dụng tàu Cảnh sát biển để tìm cách kiểm soát vùng biển đảo Senkaku.

Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, “Nhật Bản không thực sự hối lỗi về lịch sử xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là vấn đề căn bản của Nhật Bản và vấn đề giữa Nhật Bản với láng giềng. Ở Nhật Bản, đặc biệt là sau khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền, đã xảy ra một loạt vấn đề, đều có liên quan chặt chẽ tới vấn đề lịch sử”.

Khúc Tinh đổ lỗi cho “Nhật Bản xâm lược” nên để xảy ra vấn đề đảo Senkaku giữa Trung-Nhật. Những động thái khác như sửa đổi Hiến pháp hòa bình, có người biện hộ “nô lệ tình dục” trước đây… cho thấy Nhật Bản đang “hữu khuynh”, trào lưu tư tưởng phủ nhận lịch sử xâm lược đang lên.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng cho biết, mỗi quốc gia khác nhau đứng ở lập trường khác nhau và giải quyết vấn đề khác nhau. Dựa vào đó, Khúc Tinh cho rằng, quan điểm này của Nhật Bản đã phủ nhận lịch sử xâm lược.

Bài báo hậm hực với việc Nhật Bản không “thức tỉnh” về lịch sử, có xu hướng “quân phiệt hóa”, thúc đẩy sửa đổi “Hiến pháp hòa bình”… Tất nhiên, bài báo buộc phải khẳng định, Nhật Bản đã có những đóng góp cho cộng đồng quốc tế, như viện trợ phát triển… Nhưng bài báo rất lo ngại, cho rằng, hiện nay Nhật Bản muốn sửa đổi Hiến pháp, tăng ngân sách quốc phòng, ra sức phát triển vũ khí trang bị, phủ định lịch sử chiến tranh, muốn sở hữu quyền giao chiến với bên ngoài (như các nước bình thường khác)… nên có “tính nguy hiểm”.

Trung Quốc điều máy bay ném bom đến khu vực xung quanh của Nhật Bản để huấn luyện, diễn tập. Trong hình là máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc do Nhật Bản chụp được.
Trung Quốc điều máy bay ném bom đến khu vực xung quanh của Nhật Bản để huấn luyện, diễn tập. Trong hình là máy bay ném bom H-6 của Hải quân Trung Quốc do Nhật Bản chụp được.

Bài báo cho rằng, rất khó dự đoán Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có đến thăm đền Yasukuni trong thời gian tới hay không, cho dù với bất cứ tư cách gì. Theo bài báo, nếu ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ Nhật-Trung, quan hệ Nhật-Hàn và “hình tượng” của Nhật Bản trên thế giới. Bởi vì, theo bài báo, điều đó sẽ cho thấy Nhật Bản vẫn đi theo con đường cũ “chủ nghĩa quân phiệt”.

Trên thực tế, đối mặt với những đòi hỏi chủ quyền đảo Senkaku ngày càng gia tăng, những hoạt động quân sự trên biển ngày càng áp sát Nhật Bản của Trung Quốc…, Nhật Bản cho rằng, họ đang đối mặt với mối đe dọa an ninh ngày càng nghiêm trọng. Thời thế đã khác, vì vậy, Nhật Bản phải sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường hợp tác với Mỹ và các nước khác… để đối phó với các mối đe dọa xung quanh.

Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đã điều một máy bay không người lái xâm nhập Khu nhận biết phòng không của Nhật Bản.
Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc đã điều một máy bay không người lái xâm nhập Khu nhận biết phòng không của Nhật Bản.
Việt Dũng