Trung Quốc bán UAV Dực Long với giá "bèo", 1 triệu USD/chiếc

25/10/2013 08:03
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai cạnh tranh chiếm vị trí trên thị trường vũ khí quốc tế, muốn trở thành "lái súng" kiếm lời lớn.
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc

“Nhật báo RBC” Nga đưa tin, thị phần vũ khí của Trung Quốc trên thế giới liên tục nhúc nhích. Cùng với hiệu ứng tác động của giao dịch cung ứng hệ thống tên lửa phòng không Hồng Kỳ-9 (HQ-9) giá 3,4 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc đã hoàn toàn chuẩn bị tốt cho việc chiếm vị trí tốt trên thị trường thế giới, không chỉ gạt bỏ Nga, mà còn có một số nước phương Tây.

Thực tế đáng lo ngại là, Trung Quốc tích cực xuất khẩu vũ khí công nghệ cao, trong khi đó mấy năm trước Trung Quốc vẫn còn nhập khẩu những công nghệ có liên quan.

Trong mời thầu mua sắm hệ thống tên lửa phòng không, trong nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn trông chờ vào tên lửa Patriot do hãng Raytheon và hãng Lockheed Martin hợp tác sản xuất. Nhưng, cuối tháng 9 năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra quyết định mua tên lửa HQ-9 của Trung Quốc, mà không mua hệ thống tên lửa của Mỹ hoặc Nga.

Giao dịch này sở dĩ gây ngạc nhiên cho dư luận là do hệ thống tên lửa phòng không của Trung Quốc khác với Patriot của Mỹ, rất khó hòa nhập vào hệ thống an ninh của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia.

Trung Quốc chào bán máy bay vũ trang không người lái Dực Long tại Triển lãm hàng không Paris
Trung Quốc chào bán máy bay vũ trang không người lái Dực Long tại Triển lãm hàng không Paris

Theo bài báo, một nguyên nhân để Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định này có thể là sản phẩm của Trung Quốc “hàng đẹp giá rẻ”, đặc biệt là yếu tố giá cả, mua 12 tiểu đoàn tên lửa HQ-9 chỉ phải bỏ ra 3,4 tỷ USD. Trong khi đó, hệ thống phòng không tên lửa của nước khác đắt đỏ hơn nhiều, giá cung ứng hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ năm 2009 là 7,8 tỷ USD. Ngoài ra, nhân tố “tên lửa HQ-9 thực chất là sản phẩm sao chép của tên lửa S-300 Nga” có thể cũng có tác dụng nhất định.

Căn cứ vào số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Thụy Điển, quy mô xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ năm 2008 đến năm 2012 tăng 162%, hiện chiếm 5% thị phần vũ khí thế giới, vượt Anh, đứng ở vị trí thứ năm thế giới. Trong giai đoạn năm 2003-2007 chỉ đứng ở vị trí thứ 8.

Trong 5 năm gần đây, Trung Quốc cung ứng vũ khí trang bị cho 37 quốc gia. Trong cơ cấu khu vực xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, châu Á chiếm 74%, châu Phi chiếm 13%, Nam Mỹ chiếm 6%. Năm 2012, các nước lớn nhập khẩu chính vũ khí của Trung Quốc lần lượt là Pakistan (611,8 triệu USD), Bangladesh (351,3 triệu USD), Bolivia (289 triệu USD), Venezuela (279,5 triệu USD), Zambia (140 triệu USD), Saudi Arabia (107 triệu USD) và Iran (75,5 triệu USD).

Máy bay vũ trang không người lái Dực Long tại Triển lãm hàng không Paris
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long tại Triển lãm hàng không Paris

Nếu nói trước đây Trung Quốc có tiếng về việc cung ứng vũ khí hạng nhẹ thì hiện nay sản phẩm quân sự xuất khẩu tương đối phong phú, trong đó có cả máy bay không người lái mới và máy bay tiêm kích. Chẳng hạn, máy bay không người lái Dực Long được Trung Quốc nghiên cứu chế tạo từ năm 2009, bắt đầu tiêu thụ từ năm 2011. Ưu thế chủ yếu là “hàng đẹp giá rẻ”, giá bán chỉ có 1 triệu USD/chiếc, thấp hơn nhiều các sản phẩm cùng loại của Mỹ và Israel.

Hiện nay, cơ quan quốc phòng các nước trên thế giới đang rất quan tâm đến sản phẩm mới nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo máy bay, trong đó có máy bay tiêm kích thế hệ mới J-31 sử dụng công nghệ tàng hình. Tháng 3 năm 2013, kiến trúc sư trưởng máy bay tiêm kích J-31 là Tôn Thông cho biết, J-31 có thể trở thành máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.

Một loại máy bay mới khác là JF-17 Thunder/FC-1 Kiêu Long do Trung Quốc và Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo, phần lớn công việc của chương trình này do Trung Quốc hoàn thành. Hiện nay, chỉ có Không quân Pakistan mua sắm và trang bị loại máy bay này.

Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder
Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder

Ngoài máy bay tiêm kích JF-17 Thunder, hai nước Trung Quốc và Pakistan còn hợp tác nghiên cứu chế tạo xe tăng và tàu chiến. Argentina cũng đã trở thành khách hàng mới của vũ khí Trung Quốc, mua máy bay trực thăng Z-11 của Trung Quốc, trong năm nay, công ty Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loại máy bay trực thăng này cho Argentina.

Trên thị trường vũ khí quốc tế, Trung Quốc đã bắt đầu “đuổi kịp” Nga. Một nhà phân tích của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho rằng, Trung Quốc đã triển khai cạnh tranh với Nga trên các thị trường xuất khẩu chủ yếu, chẳng hạn Venezuela, Algeria, Ai Cập, Namibia, Sudan, Indonesia.

Trên thực tế, Trung Quốc trong một thời gian từng là thị trường xuất khẩu chủ yếu nhất của Nga, nhưng 5 năm gần đây, hoạt động xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc của Nga giảm mạnh, bởi vì Trung Quốc đã sở hữu được công nghệ Nga và bắt đầu tự nghiên cứu chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị hiện đại.

Đồng thời, một số nước như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, xuất phát từ nguyên nhân chính trị, sẽ không mua sản phẩm quân sự của Trung Quốc. Giá cả rẻ mạt của hàng hóa Trung Quốc chủ yếu quan trọng đối với những nước không giàu như Bangladesh, Nigeria, Tanzania.

Máy bay trực thăng vũ trang Z-11 do Trung Quốc chế tạo
Máy bay trực thăng vũ trang Z-11 do Trung Quốc chế tạo

Mặc dù nhu cầu tăng lên, nhưng hàng quân sự của Trung Quốc vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết. Nguồn tin của tờ “Thời báo New York” Mỹ tại Nhật Bản cho rằng, máy bay của Trung Quốc không có động cơ và thiết bị điện tử hàng không tin cậy, máy bay chiến đấu JF-17 lệ thuộc vào động cơ do Nga chế tạo.

Năm 2012, Algeria đã đặt mua 3 tàu hộ vệ hạng nhẹ, radar tàu chiến và thiết bị thông tin của Trung Quốc, nhưng do công ty con của Tập đoàn Thales Pháp cung cấp. Thái Lan cũng ký hợp đồng với Công ty Saab Thụy Điển, cải tiến tàu chiến do Trung Quốc chế tạo.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc

Đông Bình