Trung Quốc bắt đầu tiếp thị máy bay không người lái cho Iran

03/02/2012 08:14
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Trung Quốc chỉ trang bị 2 loại máy bay không người lái (UAV) là Haby của Israel và J-6, nhưng họ muốn xuất khẩu UAV cho Pakistan, Iran.
Máy bay không người lái Dực Long
Máy bay không người lái Dực Long

Nguyệt san tháng 2 “Kanwa Information Center” của Canada có bài viết “Vận dụng chiến đấu thực tế của máy bay không người lái Trung Quốc” cho rằng, vũ khí mới, hệ thống truyền dẫn mới, vật liệu mới bắt đầu được vận dụng nhiều cho máy bay không người lái mà Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển, vật liệu composite cũng bắt đầu vận dụng cho máy bay không người lái.

Bài viết cho rằng, một loại máy bay không người lái gọi là FYII đã áp dụng vật liệu composite (với sợi carbon và sợi thuỷ tinh là chính) ở cánh thân và cánh đuôi máy bay.

Một loại máy bay không người lái khác gọi là Lam Ưng 200W (Đại bàng xanh, Blue Eagle), dài 6,2 m, cao 2 m, sải cánh 9,57 m, thời gian tuần tra 12 tiếng, trọng lượng cất cánh 750 kg, sức tải tối đa 300 kg, tốc độ tuần tra 135 m/giờ.

Máy bay này trang bị: 2 khẩu súng máy 5,8 mm, 400 viên đạn, tầm phóng 800-1.000 m; 2 quả tên lửa đối đất dẫn đường bằng màn hình “Cầu Vồng” có trọng lượng 3 kg, tầm bắn tối đa 3,2 km; 2 quả tên lửa dẫn đường laser bán chủ động/màn hình Thunder (Sấm sét) nặng 5 kg, tầm bắn tối đa 4,2 km.

Còn mang theo một khoang treo quang học, có tác dụng đo khoảng cách laser. Tổng cộng có 6 giá treo ngoài, tối đa có thể mang theo 6 quả tên lửa không đối đất các kiểu.

Máy bay không người lái tương tự, được cải tiến từ máy bay có người lái đa năng cỡ nhỏ, là máy bay không người lái Bồ Câu do Công ty Máy bay Quý Châu/Hàng không Trung Quốc phát triển.

Chủ yếu dùng để trinh sát/do thám chiến thuật, trọng lượng cất cánh tối đa 700 kg, trọng tải thực hiện nhiệm vụ là 60-100 kg, tốc độ tuần tra 160-180 km/giờ, độ cao tuần tra 500-7.000 m, thời gian bay liên tục 16 giờ.

Máy bay không người lái FYII
Máy bay không người lái FYII

Các dấu hiệu cho thấy, máy bay không người lái của Trung Quốc bắt đầu từng bước giải quyết được vấn đề công nghệ định vị đeo bám phức tạp nhất.

Mặc dù đa số máy bay không người lái của Trung Quốc hiện vẫn sử dụng động cơ của châu Âu, nhưng động cơ do Trung Quốc tự sản xuất đã bắt đầu xuất hiện.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc phát triển nhiều máy bay không người lái như vậy không nhất định hoàn toàn là để phục vụ cho nhu cầu của Quân đội Trung Quốc, mà còn tập trung vào thẩm thấu thị trường nước ngoài.

Trước đây, Trung Quốc đã có được nhiều công nghệ máy bay không người lái từ Ukraine, Israel, nhưng hiện rõ ràng là, Trung Quốc bắt đầu tích cực tiếp thị công nghệ máy bay không người lái cho các nước Pakistan, Iran.

Theo bài viết, đến nay, máy bay không người lái tấn công được trang bị thực sự cho Quân đội Trung Quốc chỉ có 2 loại:

Loại thứ nhất là máy bay không người lái chống radar Haby của Israel, sớm được nhập khẩu từ năm 1994. Sau đó Trung Quốc đã phỏng chế loại máy bay không người lái này.

Một loại máy bay không người lái tấn công khác là J-6 nổi tiếng, triển khai ở các tuyến đầu eo biển Đài Loan như Mai Châu của Quảng Đông.

Máy bay không người lái Lam Ưng
Máy bay không người lái Lam Ưng

Mỗi chiếc được trang bị 2 quả bom 250 kg, có thể được sử dụng lại, khi cần thiết máy bay và bom cùng tấn công mục tiêu. Trong tình hình sử dụng bom dẫn đường GPS, máy bay này có khả năng tấn công chính xác.

Nhưng, năm 2011 ở Thẩm Dương đã phát hiện máy bay không người lái có ngoại hình rất giống X-47B và sắp bay thử. Điều này có nghĩa là hai Cục thiết kế máy bay chiến đấu lớn của Trung Quốc cũng bắt đầu thiết kế máy bay không người lái tấn công, đồng thời cạnh tranh lẫn nhau.

Trước đây, máy bay không người lái “Dực Long” do Thành Đô thiết kế là loại máy bay không người lái tấn công đầu tiên được đưa ra thị trường quốc tế.

Tờ báo này phân tích, lĩnh vực máy bay không người lái của Trung Quốc có thể giành được thành tựu như vậy trong thời gian ngắn có nguyên nhân chủ yếu tương đồng với mô hình phát triển máy bay trực thăng, máy bay vận tải quân sự, vẫn là “ngụ binh ư nông”, tăng cường hợp tác với nước ngoài, đã hình thành cục diện cạnh tranh lẫn nhau cả ở bên ngoài và bên trong.

Máy bay không người lái Lam Ưng
Máy bay không người lái Lam Ưng
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)