Trung Quốc bị cấm tiếp xúc với trang bị của Pakistan do Mỹ chế tạo

10/08/2013 08:10
Việt Dũng
(GDVN) - Ấn-Mỹ mua bán vũ khí trang bị nhằm đạt mục đích địa-chính trị, đó là kiềm chế Trung Quốc và Pakistan, tính năng cao hơn vũ khí Mỹ bán cho Pakistan.
Máy bay vận tải chiến lược C-17 Mỹ chế tạo cho Ấn Độ
Máy bay vận tải chiến lược C-17 Mỹ chế tạo cho Ấn Độ

Tuần san "Kanwa Defense Review" Canada tháng 8 vừa có bài viết nhan đề "Nhìn lại hợp tác quân sự nước lớn từ mua bán vũ khí Mỹ-Ấn" của tác giả Andrei Chang.

Bài viết cho rằng, trang bị quân sự của Mỹ đang “cuồn cuộn chảy vào” Ấn Độ - đây là lần đầu tiên và mang tính lịch sử, và đây cũng là hiện tượng chưa từng có trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay.

Ấn Độ đã sớm trở thành người sử dụng trang bị quân sự của Anh, Pháp và các nước châu Âu khác, đồng thời cũng là khách hàng lớn nhất của trang bị quân sự Nga, nhưng từ trước đến nay luôn cảnh giác với trang bị quân sự của Mỹ. Về truyền thống, Mỹ là nước cung ứng trang bị chính của Pakistan.

Theo bài viết, hợp tác quân sự chưa từng có giữa Mỹ-Ấn có tốc độ tương đối nhanh. Chỉ chưa đến 5 năm, trong tình hình đa số chương trình chưa được đấu thầu quốc tế, Chính phủ Ấn Độ đã đơn phương quyết định mua trang bị của Mỹ, chẳng hạn máy bay vận tải chiến lược C-17 chính là một ví dụ điển hình.

Không quân Ấn Độ đã mua tổng cộng 14 máy bay vận tải chiến lược C-17, đồng thời cho biết còn muốn mua nhiều máy bay vận tải C-17 hơn để thay thế cho máy bay vận tải IL-76 hiện có do Nga chế tạo. Vào năm 2012, Mỹ đã bàn giao cho Ấn Độ 5 máy bay vận tải C-17, năm 2013 bàn giao 4 chiếc, năm 2014 bàn giao 5 chiếc cuối cùng.

Máy bay vận tải chiến thuật C-130J của Không quân Ấn Độ, mua của Mỹ.
Máy bay vận tải chiến thuật C-130J của Không quân Ấn Độ, mua của Mỹ.

Không quân Ấn Độ cũng lần đầu tiên bắt đầu trang bị 6 máy bay vận tải C-130J phiên bản dài hơn. Như vậy, lực lượng máy bay vận tải chiến lược của Không quân Ấn Độ hầu như nhanh chóng được "Mỹ hóa" toàn bộ.

Hải quân Ấn Độ bắt đầu trang bị máy bay tuần tra trên biển P-8I. Ấn Độ là khách hàng nước ngoài đầu tiên sử dụng máy bay tuần tra trên biển P-8I, nhập khẩu tổng cộng 8 chiếc, năm 2013 sẽ bước vào cao trào bàn giao.

Trang bị nói trên chỉ là những thiết bị chi viện trinh sát, hậu cần. Không chỉ có vậy, trang bị chiến đấu do Mỹ chế tạo cũng sẽ nhanh chóng xâm nhập Ấn Độ. Một trong những chương trình ưu tiên chủ yếu của Không quân Ấn Độ trong 3 năm tới là nhập khẩu ít nhất 22 máy bay trực thăng vũ trang Apache, đương nhiên điều này sẽ kéo theo nhập khẩu một loạt trang bị do Mỹ chế tạo như tên lửa không đối đất.

Chỉ riêng hợp đồng máy bay trực thăng vũ trang Apache với Mỹ đã đạt 1,4 tỷ USD, đến đây, hoạt động tranh thầu của các máy bay trực thăng vũ trang như Mi-28 do Nga chế tạo đã bị thất bại.

Bài viết chỉ ra, Mỹ còn đang tích cực tiếp thị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3, máy bay chiến đấu F-35, F-16F cho Ấn Độ, những trang bị này nhiều lần tham gia triển lãm hàng không Ấn Độ.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon, Ấn Độ mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon, Ấn Độ mua của Mỹ

Tổng hợp những hợp tác quân sự Mỹ-Ấn nêu trên có thể thấy được 2 đặc điểm lớn sau đây:

1. Trang bị quân sự do Mỹ tiếp thị cho Ấn Độ có trình độ công nghệ tương đối cao, hầu như không có bất cứ hạn chế nào, ngang với trình độ trang bị công nghệ được Mỹ chào bán cho các nước đồng minh khác.

2. Trang bị quân sự Mỹ bán cho Ấn Độ có trình độ cao hơn nhiều hệ thống cùng loại xuất khẩu cho Pakistan. Điều này chủ yếu là ngăn chặn sự tiếp xúc quân sự có thể diễn ra giữa Trung Quốc và Pakistan, Mỹ còn tiến hành quy định xét duyệt chặt chẽ đối với Pakistan, tuyệt đối không cho phép người Trung Quốc tiếp cận trang bị do Mỹ chế tạo. Còn đối với Ấn Độ, lại không có hạn chế này.

Hợp tác quân sự giữa các nước lớn, nhân tố chính trị lớn hơn nhiều bản thân nhu cầu thị trường. Hợp tác quân sự chưa từng có giữa Mỹ-Ấn và việc Trung-Nga bàn về mua bán những máy bay chiến đấu như Su-35, trên thực tế đều là nhu cầu thực hiện địa-chính trị, chứ hoàn toàn không phải do bản thân tính năng, giá cả vũ khí quyết định.

Trang bị quân sự Mỹ xâm nhập hoàn toàn vào Ấn Độ là nhu cầu phát triển của quan hệ chiến lược song phương, một mặt Mỹ đã đạt mục đích gạt Nga ra khỏi thị trường quân sự Ấn Độ, về chính trị, Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ thực ra là "một mũi tên trúng hai đích".

Máy bay trực thăng vũ trang Apache do Mỹ chế tạo
Máy bay trực thăng vũ trang Apache do Mỹ chế tạo

Trước hết, Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ là nhằm bao vây Trung Quốc, trong khi đó Ấn Độ cũng có thái độ tương đồng, nên Ấn Độ tích cực tận dụng Mỹ để bao vây Trung Quốc, còn Mỹ cũng tích cực đưa Ấn Độ vào mạng lưới chiến lược bao vây Trung Quốc. Bán vũ khí đã tích cực mở ra cánh cửa lớn cho quan hệ hợp tác quân sự tiếp tục có tính chất đồng minh.

Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ còn đóng vai trò kiềm chế chính trị, ngoại giao tương đối nhằm vào Pakistan. Một khi Islamabad kiểm soát không hiệu quả đối với chủ nghĩa khủng bố, Mỹ sẽ có bước đi lớn hơn, xuất khẩu trang bị quân sự cao cấp hơn cho Ấn Độ, kiềm chế Pakistan.

Theo nghĩa đó, mục đích hàng đầu của hợp tác quân sự Mỹ-Ấn là kiềm chế Trung Quốc, thứ hai là Pakistan. Đối với Nga, hoàn toàn không có tác dụng kiềm chế chiến lược quan trọng, chỉ là làm tổn hại tới lợi ích thị trường trang bị của Nga.

Bài viết cho rằng, hoạt động mua bán vũ khí Mỹ-Ấn trong giai đoạn tiếp theo đã được khởi động, Ấn Độ đã tiếp cận đến việc hoàn thành ký kết hợp đồng nhập khẩu 15 máy bay trực thăng vận tải CH-47F. Mỗi lần Ấn Độ tiếp nhận một trang bị do Mỹ chế tạo đều có nghĩa là Nga hoặc châu Âu sẽ mất đi một giao dịch cùng loại.

Điều kỳ lạ nhất là, trong chính sách mua sắm quân sự, Ấn Độ luôn rất coi trọng chuyển nhượng công nghệ và lắp ráp ở trong nước, nhưng khi mua vũ khí trang bị của Mỹ, Ấn Độ chưa một lần yêu cầu chuyển nhượng công nghệ và điều kiện kèm theo lắp ráp tại Ấn Độ.

Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 do Mỹ chế tạo
Mô hình máy bay chiến đấu F-16 được hãng Lockheed Martin trưng bày tại Triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2005
Mô hình máy bay chiến đấu F-16 được hãng Lockheed Martin trưng bày tại Triển lãm hàng không Ấn Độ năm 2005
Máy bay vận tải hạng nặng CH-47F Chinook do Mỹ chế tạo
Máy bay vận tải hạng nặng CH-47F Chinook do Mỹ chế tạo
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng