Trung Quốc có khả năng không bán được tên lửa HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ

29/06/2013 07:24
Đông Bình
(GDVN) - Nếu Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn tên lửa của Trung Quốc hoặc Nga thì sẽ gặp phải một loạt hậu quả về chính trị và công nghệ.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc

Ngày 27 tháng 6, mạng bình luận quân sự Nga cho biết, hoạt động đấu thầu mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tầm xa Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục. Gần đây có nguồn tin từ cơ quan mua sắm vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện nghiêng về mua sắm hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc.

Đầu tháng 3 năm 2007, Ban thư ký công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đấu thầu mua sắm 72 hệ thống tên lửa phòng không tầm xa có thể trang bị cho 12 tiểu đoàn, tổng chi phí cho chương trình này khoảng 4 tỷ USD. Nhưng, bắt đầu từ năm 2009, kế hoạch dự kiến chi 3,5 tỷ USD cho chương trình này đã liên tục bị kéo dài.

Hiện nay, các hệ thống phòng không tham gia tranh thầu gồm có S-300PMU2 của Nga, HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000) của Trung Quốc, Patriot-3 của Mỹ và Aster-30 do Pháp-Italia hợp tác phát triển.

Điều cần chỉ ra là, tên lửa HQ-9 của Trung Quốc thực ra là sản phẩm sao chép của S-300V do Nga chế tạo. Từ khi bắt đầu đấu thầu, tất cả các bên tranh thầu đều đã trình những tài liệu văn kiện cần thiết, để các quan chức Quân đội và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành so sánh, cân nhắc.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành đàm phán khả năng triển khai sản xuất hệ thống phòng không do Nga chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ với Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga (Rosoboronexport). Sau đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến hành đàm phán nội dung tương tự với doanh nghiệp tranh thầu Mỹ.

Nhưng, các cuộc đàm phán với Nga và Mỹ đều không đạt được bất cứ thành quả thực tế nào. Tháng 1 năm nay từng có tin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã dự định từ bỏ mua sắm nước ngoài, chuyển sang tự nghiên cứu hệ thống phòng không mới.

Tên lửa phòng không S-300PMU2 do Nga chế tạo
Tên lửa phòng không S-300PMU2 do Nga chế tạo

Nhưng, gần đây có nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện có vẻ rất hài lòng với hệ thống HQ-9 của Trung Quốc, ít nhất là ở vấn đề giá cả. Một nguồn tin giấu tên chỉ ra, đề nghị của Trung Quốc bất kể về góc độ kinh tế hay về mặt công nghệ, đều rất phù hợp với yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ.

HQ-9 không những phù hợp với tất cả các yêu cầu của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn có giá cả thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Nhưng, HQ-9 có thể không thể tương thích với hệ thống chỉ huy và thông tin của NATO.

Quyết định cuối cùng sẽ do Tổng thổng và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra. Nếu nguồn tin này là sự thực, thì kết quả cuối cùng của cuộc đấu thầu này có thể sẽ gây một loạt hậu quả chính trị. Đây là do, khi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố S-300PMU2 do Nga chế tạo có thể giành chiến thắng trước đây, Mỹ lập tức nhắc nhở hệ thống này có thể không thể tương thích với hệ thống chỉ huy của NATO, cũng không thể có được tin tức tình báo liên quan từ trạm radar được NATO triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đương nhiên, khi mua sắm hệ thống phòng không do Mỹ chế tạo sẽ không xảy ra vấn đề về tính tương thích. Nhưng, nhà lãnh đạo Mỹ nhiều năm luôn không đưa ra bình luận về việc bán hệ thống phòng không tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì vậy, hoàn cảnh hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ rất phức tạp: Một mặt, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có được hệ thống phòng không hiện đại; mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hợp tác với một quốc gia nào đó, lại có thể ảnh hưởng đến quan hệ với nước khác. Trước đây từng nhiều lần có tin cho rằng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ buộc phải hủy bỏ hoạt động đấu thầu có liên quan.

Tên lửa phòng không Patriot-3 do Mỹ chế tạo
Tên lửa phòng không Patriot-3 do Mỹ chế tạo

Điều cần nhắc nhở là, hệ thống phòng không do Nga và Trung Quốc sản xuất tuy có chỉ tiêu tính năng được quảng bá và tuyên truyền là "cao", nhưng mua sắm những trang bị này có thể đồng thời gây ra một loạt hậu quả về mặt chính trị và công nghệ. Ngay từ trước đây vài chục năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành thành viên NATO, việc xây dựng lực lượng vũ trang của họ hoàn toàn tiến hành dựa trên tiêu chuẩn của NATO.

Vì vậy, tiến hành tích hợp S-300PMU2 hoặc HQ-9 với hệ thống phòng không hiện có của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đòi hỏi phải tiến hành cải tạo quy mô lớn đối với trang bị điện tử. Mà trong quá trình đó, NATO chưa chắc sẽ đồng ý cung cấp tài liệu có liên quan cho Trung Quốc. Có lẽ, mua sắm hệ thống phòng không của Nga hoặc Trung Quốc sẽ gây ra sự bất mãn cho Mỹ và các thành viên NATO khác.

Rõ ràng, hoạt động đấu thầu mua sắm hệ thống phòng không tầm xa của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào hoàn cảnh khó cả đôi đường. Tuy các nguồn tin hiện nay cho biết, hai bên đang tiến hành tiếp xúc, nhưng không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán có liên quan sẽ chấm dứt do sự phản đối của các nước đồng minh NATO ngay từ lúc bắt đầu khởi động.

Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 do Pháp-Italia hợp tác phát triển
Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 do Pháp-Italia hợp tác phát triển
Đông Bình