Trung Quốc có thể điều lực lượng đội lốt từ Biển Đông tới Senkaku

12/10/2014 08:24
Việt Dũng
(GDVN) - TQ có thể dùng chiến lược "lấy lùi để tiến", cho tàu cá giả dạng xâm nhập đảo Senkaku như thủy triều, có thể xảy ra xung đột như năm 2010.
Tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông (ảnh tư liệu)
Tàu cá Trung Quốc trên biển Hoa Đông (ảnh tư liệu)

Tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 11 tháng 10 dẫn tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 10 tháng 10 đăng bài viết bình luận về vấn đề đảo Senkaku cho rằng, từ lâu, đảo Senkaku luôn bị bao phủ bởi bầu không khí khác thường. Gần đây, tần suất tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập đảo Senkaku có xu thế giảm đi, nhưng tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku lại tăng mạnh như "thủy triều". Lẽ nào điều này báo hiệu sẽ có việc gì xảy ra?

Tại hội nghị bảo đảm an ninh của "Diễn đàn Tokyo-Bắc Kinh" (do NPO Nhật Bản và Nhật báo Trung Quốc cùng tổ chức) diễn ra từ ngày 28 đến ngày 29 tháng 9 tại Tokyo, đã tập trung các nhà chính trị và trí thức của hai nước Nhật Bản, Trung Quốc, hội nghị lúc bắt đầu rất yên lặng.

Vào lúc đó, một đại diện của Quân đội Trung Quốc liệt kê ra 25 biện pháp cụ thể để ngăn chặn khủng hoảng giữa Nhật-Trung: xây dựng đường dây nóng hải không quân, tái khởi động cơ chế liên lạc trên biển... Đại diện Quân đội Trung Quốc này kêu gọi những “người thực tế” của hai bên nghiên cứu nghiêm túc vấn đề này.

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" cho rằng, quan hệ Nhật-Trung đi đến ngày hôm nay thực sự đã đến lúc phải "làm tan băng". Trung Quốc cũng đã đề xuất nhanh chóng tái khởi động cơ chế liên lạc khẩn cấp trên biển (đã đóng băng).

Tàu cá Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu cá Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Quan sát tình hình đảo Senkaku trong thời gian gần đâu, tần suất tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển này giảm xuống. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2014, số lượng bình quân hàng tháng tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku chỉ là 7,1 chiếc, không bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2013 (17,6 chiếc).

Kim ngạch đầu tư vào Trung Quốc của Nhật Bản đã giảm mạnh, điều này đã gây ảnh hưởng nhất định đối với kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh này, có phân tích cho rằng, để làm giảm tình hình căng thẳng chính trị trong nước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang "đánh hổ lớn", cấp bách cần có một số hành động để cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Nhưng, điều khó tin là, khu vực xung quanh đảo Senkaku gần đây đã xuất hiện tình hình có thể đi ngược lại dự tính ban đầu của ông Tập Cận Bình.

Sự kiện tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển lân cận đảo Senkaku bị Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản truy đuổi ngày càng gia tăng. Chỉ từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2014 đã xảy ra 208 vụ tương tự, gấp 2,4 lần so với cả năm 2013, gấp 26 lần năm 2011.

Tàu tuần tra Nhật Bản kiên quyết trước hành động khiêu khích của Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tàu tuần tra Nhật Bản kiên quyết trước hành động khiêu khích của Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Hiện nay còn chưa có báo cáo tàu cá Trung Quốc xảy ra xung đột với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Nhưng, người phụ trách Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lo ngại: Nếu tình hình tàu cá Trung Quốc tăng mạnh tiếp diễn, sự  kiện xung đột như mùa thu năm 2010 sẽ không thể tránh khỏi, quan hệ Nhật-Trung cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại sao tàu cá Trung Quốc lại đột ngột tăng lên? Nội bộ Chính phủ Nhật Bản có một số quan điểm. Một quan điểm cho rằng đây là “tự nhiên tăng lên”. Những năm gần đây, lượng đánh bắt cá của Trung Quốc tăng mạnh, vùng biển đảo Senkaku có nguồn lợi thủy sản phong phú tự nhiên trở thành một trong những nơi đến đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc.

Nhưng, quan điểm này không đứng vững. Theo tiết lộ của nguồn tin ngư nghiệp, vùng biển phía nam biển Hoa Đông - nơi có đảo Senkaku, những năm qua số lượng tàu cá luôn duy trì khoảng 1.000 chiếc. Chỉ có tàu cá ở khu vực lân cận đảo Senkaku là bất ngờ tăng lên, đây là một hiện tượng rất đáng chú ý.

Lúc này đã xuất hiện một quan điểm khác - Chính phủ Trung Quốc "thả lỏng" cho tàu cá đến vùng biển này.

Cảnh sát biển Hàn Quốc kiểm tra tàu cá Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Cảnh sát biển Hàn Quốc kiểm tra tàu cá Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Các quan điểm phổ biến cho rằng, Chính phủ Trung Quốc trước đó kiểm soát số lượng tàu cá xâm nhập vùng biển đảo Senkaku. Nhưng từ sau tháng 9 năm 2012 Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku, cường độ "phanh xe" của Chính phủ Trung Quốc giảm rõ rệt.

Đối với Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ phản đối mạnh mẽ tàu hải giám xâm nhập vùng biển đảo Senkaku, Chính phủ Trung Quốc không tiện để tàu hải giám xung phong một cách “cưỡng chế”.

Như vậy, Trung Quốc cũng có thể áp dụng phương thức ngầm cho phép tàu cá xâm nhập đảo Senkaku, cắt đứt sự kiểm soát thực tế của Nhật Bản đối với đảo Senkaku.

Theo tờ "Nihon Keizai Shimbun", tàu hải giám Trung Quốc hoàn toàn không phải không tiến hành cảnh báo, kiểm tra đối với tàu cá áp sát đảo Senkaku, nhưng từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2014, chỉ cảnh báo và kiểm tra 10 lần. Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết: "Thật sự không thấy được Chính phủ Trung Quốc thực sự đã áp dụng biện pháp quản lý kiểm soát đối với tàu cá xâm nhập vùng biển đảo Senkaku". Đây là lý do Nhật Bản nghi ngờ Trung Quốc lợi dụng tàu cá để thực hiện chiến lược "lấy lùi để tiến".

Đối với Nhật Bản, nếu chỉ là tàu cá thông thường còn dễ dàng ứng phó. Điều làm cho Chính phủ Nhật Bản lo ngại nhất trong tương lai là "dân binh biển" Trung Quốc cải trang thành ngư dân.

Những dân binh (dân quân) này có thể mang theo vũ khí. Bài báo còn cho rằng, tuy đến nay Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản còn chưa phát hiện tàu cá Trung Quốc mang theo vũ khí xâm nhập đảo Senkaku, nhưng có tin cho rằng, "dân binh biển được Hải quân Trung Quốc huấn luyện ở Biển Đông có thể sẽ được điều đến vùng biển liên quan ứng phó tranh chấp".

Nhật-Trung phải chăng có thể khôi phục quan hệ căng thẳng hai nước? Ở mức độ rất lớn, điều này phải xem hai nước xử lý thế nào đối với "quả mìn" mà hai nước giấu ở đảo Senkaku.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Tàu cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Việt Dũng